Ngày mai (28/7), Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn ĐH. Năm 2015, điểm sàn ĐH là 15 điểm. Nếu giữ mức này, năm nay, các khối A, A1, B sẽ tuyển đủ, nhưng khối C, D sẽ tuyển không đủ, nhất là các trường top dưới. Liệu điểm sàn vào ĐH năm nay có giảm?
Quý phụ huynh và các bạn thí sinh có thể xem bài phân tích của TS Lê Thị Thanh Mai từ dữ liệu điểm mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Theo phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, D1 của thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ (thi tại 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì) mà Bộ GD-ĐT công bố, kết quả cho thấy trừ các khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15, các khối thi còn lại đều có điểm trung bình trên 15. Điều này là do phổ điểm các môn tự nhiên như toán, lý, hóa lệch về phía điểm cao, còn phổ điểm của môn tiếng Anh lệch về phía điểm thấp.
Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) đến nhận giấy chứng nhận kết quả thi ngày 26/7. Ảnh: Như Hùng
Nếu nhìn theo từng môn, môn sử năm 2016 có điểm trung vị (điểm nằm giữa phổ điểm - PV) là 4,25, điểm có nhiều thí sinh nhất là 3; năm 2015 là 5,75 và điểm có nhiều thí sinh nhất là 6. Môn tiếng Anh điểm trung vị năm 2016 là 3, điểm có nhiều thí sinh nhất là 2,4; năm 2015 điểm trung vị của môn này là 3,5 và điểm có nhiều thí sinh nhất là 3.
Môn địa và môn văn cũng có mức điểm thấp hơn, nhưng điểm trung vị cũng như điểm có nhiều thí sinh ở mức từ 5 trở lên.
Như vậy từ phổ điểm theo khối thi, nếu so sánh với năm 2015 cho thấy nếu giữ nguyên ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào như năm 2015, các trường top dưới khó tuyển đủ chỉ tiêu đối với khối C và D. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2016 tăng 20,5% so với năm 2015. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2016 là 421.859 (nguồn: Chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy của các cơ sở giáo dục khối dân sự trong cả nước năm 2016 của Bộ GD-ĐT), tăng 20,5% so với năm 2015 (nguồn: Báo cáo xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ năm 2015).
TS. Lê Thị Thanh Mai