Menu
  
Tin tuyển sinh

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vẫn theo mô hình 'hai trong một'

06/11/2015
Sáng 5/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015.
Phiên họp đã tập trung đánh giá, thảo luận 5 nội dung chính là: tình hình triển khai và kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015; khung trình độ quốc gia.

 
Thí sinh tham dự Kỳ thì THPT quốc gia 2015. Ảnh: Giang Huy.
 
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2016, lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết, kỳ thi dự kiến  được tổ chức trong 3 ngày 13-15/6. Bộ Giáo dục tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và liên tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh; thí sinh ở vùng giáp ranh được chọn cụm thi thuận tiện; các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh.
Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi. Hệ thống phần mềm sẽ được nâng cấp trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, đáp ứng cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 và những năm tiếp theo.
Sau khi hoàn thành việc chấm thi và lên điểm, các cụm thi cập nhật dữ liệu điểm vào hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục; tăng thêm các cổng công bố kết quả, khắc phục tình trạng nghẽn mạng như vừa qua.
Bộ sẽ tăng cường chủ động tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Cụ thể, các trường tuyển sinh riêng tiếp tục xây dựng đề án tự chủ theo quy chế hiện hành. Với các trường tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm...
Các cơ sở đào tạo có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh; các nhóm trường (đặc biệt là nhóm khoảng 30 đại học có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể tự nguyện phối hợp với nhau tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục xây dựng báo cáo đánh giá cụ thể, chặt chẽ, tổ chức Hội nghị tổng kết để tiếp tục làm tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, cao đẳng chính quy của năm 2016.
"Phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân và các địa phương, các trường, nhất là vấn đề tuyển sinh và phát huy quyền làm chủ của các trường để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế gắn với các biện pháp khắc phục", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, từ tổng kết thực tiễn, những gì đã làm tốt thì phải làm tốt hơn, những gì còn hạn chế, yếu kém so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì phải ra sức khắc phục, ra sức sửa đổi, bổ sung; đề xuất phương án tốt nhất, hiệu quả nhất cho kỳ thi THPT quốc gia của năm 2016.

 
Hoàng Thùy - VnExpress
TIN LIÊN QUAN