Hôm qua 14.1, Bộ GD-ĐT triển khai họp bàn các giải pháp kỹ thuật cuối cùng để hoàn thiện dự thảo quy chế thi và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016.
Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, định hướng chung của Bộ là tăng quyền tự chủ tuyển sinh các trường đồng thời đảm bảo quyền lợi tối đa của thí sinh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ đang ở khâu cuối cùng hoàn tất Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Để hoàn thiện quy chế, Bộ đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhiều trường ĐH và các sở GD-ĐT trong cả nước. Từ ý kiến ở các cuộc họp, Bộ xác định nguyên tắc chung trong tổ chức kỳ thi là giữ ổn định như năm ngoái. Tuy nhiên, sẽ có điều chỉnh vài chi tiết nhỏ để phù hợp với thực tế hơn. Chẳng hạn, thay vì quy định “cứng” danh sách cụm thi theo địa bàn tỉnh - thành, năm nay có thể cho phép thí sinh (TS) ở vùng giáp ranh của các địa phương được chọn thi tại cụm gần nhất, tránh tình trạng TS phải di chuyển xa. Điều chỉnh này là rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm ngoái và theo đề nghị cụ thể của các sở. Còn về cơ bản, kỳ thi này vẫn duy trì 2 loại cụm thi, một do trường ĐH chủ trì và một do sở GD-ĐT chủ trì.
Về thời gian thi, theo ông Ga, cơ bản vẫn như năm trước. Năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 1 - 4.7 với 8 môn.
Thí sinh có thể chọn cụm thi gần nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay
Trường có thể liên kết xét tuyển
Nói về khâu xét tuyển năm 2015, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng đáng tiếc khi phương án Bộ đưa ra để tạo cơ hội trúng tuyển tối đa cho TS và giảm ảo cho các trường không diễn ra như ý muốn; mà gây ra tình trạng xáo trộn do lượng TS nộp - rút hồ sơ quá nhiều ở một số trường. Do vậy, để việc xét tuyển năm nay diễn ra suôn sẻ, Bộ và các trường đang nghiên cứu để tìm ra giải pháp kỹ thuật tốt nhất vừa đảm bảo quyền lợi TS vừa thuận lợi cho các trường.
Theo ông Ga, có thể dự thảo quy chế sẽ đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật để lấy ý kiến các trường và toàn xã hội. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, phương án đạt sự đồng thuận nhiều nhất sẽ được chọn để đưa vào quy chế chính thức. Nguyên tắc chung của các giải pháp là giao quyền tự chủ tối đa cho các trường trong tuyển sinh, Bộ chỉ hỗ trợ công cụ kỹ thuật cho quá trình này. “Tuy nhiên, tự chủ ở đây tùy thuộc vào nguyện vọng các trường. Nếu cho phép TS thoải mái nộp hồ sơ cũng gây khó cho các trường và bản thân TS, vì vậy vẫn cần có những hạn chế số lượng”, ông Ga nói.
Một trong các giải pháp xét tuyển được đưa ra là cho phép các trường chủ động liên kết với nhau thành từng nhóm để xét tuyển chung, TS có thể đăng ký đồng thời vào nhiều trường này. Khi đó, TS có nhiều lựa chọn và bản thân các trường trong nhóm cũng hạn chế được TS ảo. Phương án này giống với dự kiến phương án xét tuyển mà ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố hoặc có thể áp dụng cho một nhóm trường ĐH vùng.
Giải pháp khác là thống nhất xét tuyển cho các trường trong toàn quốc, khi đó TS trúng tuyển trường này sẽ không trúng tuyển vào trường khác. Muốn vậy cần tính tới hình thức nộp - rút hồ sơ trực tuyến.
Việc quản lý dữ liệu tùy thuộc phương án xét tuyển
Dù xét tuyển theo phương án nào thì vấn đề nhiều trường đang quan tâm là việc chia sẻ dữ liệu TS trong quá trình xét tuyển. Về điều này, ông Ga cho biết việc quản lý dữ liệu TS sẽ phụ thuộc vào phương án xét tuyển cụ thể. Bộ sẽ gửi dự thảo quy chế xin ý kiến các trường trong thời gian sớm nhất. Sau một tuần, các trường gửi ý kiến bằng văn bản để Bộ tổng hợp, quyết định phương án xét tuyển tối ưu đưa vào quy chế chính thức. Quy chế thi và xét tuyển năm nay sẽ được ban hành trước tết để TS thực hiện việc đăng ký xét tuyển sau thời gian này.
Cũng theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, các trường có đề án tuyển sinh riêng được duyệt năm 2015, nếu không có gì thay đổi sẽ tiếp tục tuyển sinh theo đề án này trong năm 2016. Những trường có điều chỉnh đề án phải gửi để Bộ duyệt lại trước khi tuyển sinh. |
Hà Ánh (TNO)