Menu
  
Tin UEF

​Chiếc nón bằng xơ dừa chinh phục Business ideas 2017

02/06/2017
TTO - Chiếc nón độc đáo này giá cả cạnh tranh với những dòng sản phẩm sẵn có trên thị trường, đồng thời mang nhiều ưu điểm: không độc hại, công đoạn sản xuất ngắn, bắt kịp xu hướng thế giới - chuộng các sản phẩm từ thiên nhiên, góp phần làm phong phú hình ảnh - sản vật đặc trưng của Việt Nam.
   Nón xơ dừa UEF
Nón làm từ xơ dừa từ ý tưởng ban đầu
 
Đó là những đánh giá của ban giám khảo Business ideas 2017 dành cho sản phẩm đoạt ngôi quan quân đến từ ý tưởng của chàng sinh viên Nguyễn Phúc Sang, sinh viên năm nhất khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM.
Biến phế phẩm thành “hàng độc” 
Phúc Sang quê Bến Tre, gia đình chuyên làm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Ý tưởng làm nón từ xơ dừa cũng bắt nguồn từ một lần Sang phụ giúp ba mẹ. “Trong khi chuyển đồ, mình làm rớt ly xơ dừa. Thấy cái ly úp xuống nhìn y chang chiếc nón, lúc đó mình chợt lóe lên suy nghĩ về việc ép thử xơ dừa thành nón” - Sang cho biết.
Ban đầu khi Sang nói về ý định này, ai cũng cười, cho rằng đó là điều “không tưởng” vì xơ dừa vốn khó kết dính, lại dễ gây ngứa nếu đội trên đầu. Bắt tay vào ép nón, Sang gặp vô số khó khăn: không có khuôn ép chuyên dụng, chưa tìm ra công thức, tỉ lệ keo - xơ dừa phù hợp nên thành phẩm thường xuyên bị cháy, hỏng, lem màu. 
Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm nhụt chí chàng sinh viên trẻ đầy đam mê này. Đi học cả tuần nhưng cuối tuần nào Sang cũng tranh thủ về Bến Tre, cặm cụi cả ngày lẫn đêm thử nghiệm, điều chỉnh lại tỉ lệ, cách thức ép xơ dừa. Sau nhiều lần thử - thất bại, thử - thất bại, cuối cùng Sang cũng cho ra một chiếc nón xơ dừa ưng ý. 
 
Nón xơ dừa UEF 1
Nguyễn Phúc Sang trình bày dự án nón làm từ xơ dừa
 
Ở Bến Tre, xơ dừa rối thường dùng để bón cây, cải tạo đất. Làm xơ dừa rối phải qua nhiều khâu: lột xơ dừa, phơi, đánh tơi, phơi... Một số công đoạn gây bụi bẩn, độc hại cho người lao động. Chưa kể, giá thành 1kg xơ dừa rối rất thấp: chỉ 3000 - 4000 đồng.
Một lượng lớn xơ dừa không qua chế biến thì bị thải ra môi trường, gây ô nhiễm, mất mỹ quan, thậm chí là nguy cơ bệnh dịch. Phúc Sang tìm hiểu và khảo sát thị thường rất kỹ, càng thêm nung nấu quyết tâm dùng xơ dừa làm nón - phát triển một sản phẩm có giá trị hơn, mang lại nguồn thu cao hơn. 
Nón xơ dừa có thể vươn ra thế giới 
Trong cuộc thi Business ideas 2017 vừa tổ chức tại UEF, Nguyễn Phúc Sang đã gây ấn tượng mạnh với chiếc nón làm từ xơ dừa đầy mới mẻ, độc đáo của mình trước ban giám khảo - những CEO thành công từ dự án khởi nghiệp của chính bản thân.
Nón có giá cả cạnh tranh với những dòng sản phẩm sẵn có trên thị trường, đồng thời mang nhiều ưu điểm vượt trội: không độc hại, công đoạn sản xuất ngắn - phù hợp với dây chuyền sản xuất công nghiệp, không đòi hỏi lao động tay nghề cao, bắt kịp xu hướng thế giới - chuộng các sản phẩm từ thiên nhiên, làm phong phú hình ảnh - sản vật đặc trưng của đất nước...
Bên cạnh đó, Phúc Sang cũng trình bày chi tiết kế hoạch quảng bá, phân phối, mở rộng kinh doanh... sản phẩm nón xơ dừa. 
 
Nón xơ dừa UEF 3
Với nón làm từ xơ dừa, Nguyễn Phúc Sang giành cúp vô địch Business ideas 2017
 
Ông Trần Hữu Đoàn - CEO công ty Gia Cát, cũng là người hướng dẫn Phúc Sang thực hiện đề tài, đánh giá rất cao độ khả thi, triển vọng xuất khẩu của dự án. Có đến bốn đại diện doanh nghiệp khẳng định có thể hỗ trợ, đầu tư phát triển sản phẩm của Phúc Sang. Chàng trai Bến Tre xuất sắc giành cúp vô địch và trở thành quán quân Business ideas 2017.
“Sang sẽ đăng ký bản quyền sớm, sau đó tiếp tục cải tiến mẫu mã nón xơ dừa đa dạng, bắt mắt hơn, hoàn thiện kế hoạch kinh doanh để chuẩn bị cho những bước tiến dài hơi trong tương lai” - chàng trai Bến Tre bật mí. 
Sang cũng bày tỏ mong mỏi sau khi hoàn tất việc học tại UEF, với kiến thức, kỹ năng đạt được sẽ trở về làm giàu trên chính quê hương Bến Tre, góp sức thổi một làn gió mới vào ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ.
Bắt nguồn từ cuộc thi CEO tiềm năng, Business ideas 2017 là sân chơi học thuật dành cho sinh viên UEF diễn ra từ tháng 3-2017. Cuộc thi thu hút hơn 70 ý tưởng, đề tài tham gia dự thi từ những ngày đầu phát động. Chiến thắng tại Business ideas 2017, dự án “Nón làm từ xơ dừa” của Nguyễn Phúc Sang sẽ cùng với sáu đề dự án khởi nghiệp khác của sinh viên UEF góp mặt tại vòng bán kết cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp TP.HCM năm 2017” tổ chức vào tháng 6-2017.

 
Thu Thảo - Tuổi trẻ
TIN LIÊN QUAN