Trong môi trường công sở, cảm xúc chính là điều luôn hiện diện song song với các giai đoạn của công việc. Từ những xúc cảm tích cực như niềm vui, hứng khởi cho đến những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, thất vọng – tất cả đều âm thầm tác động đến cách chúng ta suy nghĩ, hành xử và ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng công việc cũng như sức khỏe tinh thần.
Thấu hiểu điều đó, UEF đã tổ chức buổi thứ hai trong chuỗi chương trình tập huấn nâng cao năng lực cán bộ - giảng viên - nhân viên (CB-GV-NV) năm 2024 - 2025 vào sáng ngày 9/4, với chủ đề "Kỹ năng quản lý cảm xúc nơi công sở”. Hoạt động do TS. Nguyễn Văn Tường – Cố vấn ngành Tâm lý học UEF dẫn dắt và chia sẻ.
Chủ đề là mối quan tâm của đông đảo thầy cô CB-GV-NV Nhà trường
Nội dung chương trình được xây dựng theo hướng thực hành, tương tác, giúp người tham dự hiểu rõ cảm xúc là gì, hình thành từ đâu và quan trọng hơn cả là làm thế nào để kiểm soát chúng một cách lành mạnh. Diễn giả đã mở ra cho các thầy cô một thế giới cảm xúc đa chiều thông qua việc phân tích 5 thành phần chính cấu tạo nên một trạng thái cảm xúc: cảm giác chủ quan, biểu cảm vận động, kích thích sinh lý, xu hướng hành động và đánh giá nhận thức. Từ đó, các thầy cô không chỉ học cách nhận diện cảm xúc đang diễn ra bên trong mình mà còn có thể truy nguyên được nguồn gốc phát sinh của chúng – một kỹ năng quan trọng để điều tiết cảm xúc hiệu quả.
TS. Nguyễn Văn Tường lồng ghép các tình huống vào lý thuyết giúp thầy cô tham dự hiểu rõ hơn kiến thức
Trong phần chia sẻ, diễn giả đã lồng ghép linh hoạt nhiều lý thuyết tâm lý học kinh điển để lý giải cơ chế hình thành cảm xúc, từ mô hình James-Lange, Cannon-Bard, đến lý thuyết đánh giá nhận thức, lý thuyết phản ứng cơ mặt hay bánh xe cảm xúc với 8 nhóm cảm xúc cơ bản được xếp thành các cặp đối cực như: vui - buồn, sợ hãi - tức giận, bất ngờ - đoán trước... Những khái niệm vốn dĩ hàn lâm được diễn giả “chuyển hóa” thành các tình huống cụ thể trong môi trường công sở: Khi bị từ chối một ý tưởng, ta cảm thấy điều gì? Khi đối diện với áp lực thời gian, cảm xúc nào trỗi dậy mạnh mẽ nhất? Chính cách truyền tải gần gũi và sinh động đã giúp các thầy cô dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ và thực hành.
Các nhóm thảo luận và thực hành tình huống
Một điểm nhấn đặc biệt của buổi tập huấn là hoạt động phân tích cảm xúc trong tình huống thực tế. Với hoạt động này, các thầy cô được chia sẻ cảm xúc thật của mình, cùng nhau trao đổi, lý giải và đưa ra phương án điều tiết phù hợp. Qua đó, người tham dự vừa học được cách làm chủ cảm xúc bản thân vừa nâng cao khả năng thấu cảm và xử lý mối quan hệ trong môi trường làm việc. Đây cũng chính là cốt lõi "Trí tuệ cảm xúc (EQ)" mà diễn giả đề cập, bao gồm bốn trụ cột: tự nhận thức, tự quản lý, nhận thức xã hội và quản lý mối quan hệ.
Với những nội dung thiết thực, buổi tập huấn đã trở thành khoảng dừng cần thiết để mỗi cá nhân tạm gác lại guồng quay công việc, dành thời gian “soi chiếu” nội tâm và tìm lại sự cân bằng trong cảm xúc. Từ đó, sức khỏe tinh thần được chăm sóc tốt hơn, hiệu quả công việc sẽ được cải thiện và chất lượng cuộc sống cũng trở nên tích cực hơn từng ngày.
Thầy cô tham dự chia sẻ trải nghiệm cá nhân và đặt nhiều câu hỏi về chủ đề
Chuỗi tập huấn chuyên đề cho đội ngũ nhân sự là hoạt động thường niên thể hiện sự quan tâm sâu sắc của UEF đến sự phát triển toàn diện của Nhà trường. Không chỉ dừng lại ở chuyên môn, UEF mong muốn đồng hành với mỗi cá nhân trong hành trình hoàn thiện bản thân, làm việc hạnh phúc và lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng. Bởi lẽ, khi cảm xúc được thấu hiểu và quản lý đúng cách, công sở không chỉ là nơi làm việc mà còn là không gian để trưởng thành, sẻ chia và phát triển bền vững.