Hoạt động sinh viên

Hội thảo khoa học sinh viên Khoa Luật có nhiều đề tài mới mẻ gắn với kỷ nguyên số hóa

01/07/2024
Làn sóng phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đặc thù như luật pháp. Việc cập nhật kiến thức và nghiên cứu chuyên sâu về sự chuyển biến này là điều quan trọng và cần thiết. 
Nhằm giúp sinh viên có thêm nhiều góc nhìn mới mẻ gắn ngành học với kỷ nguyên số, Khoa Luật UEF đã tổ chức Hội thảo khoa học sinh viên với chủ đề “Đảm bảo quyền con người trong thời đại số” vào sáng ngày 1/7. Hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo giảng viên, sinh viên các trường đại học khu vực phía Nam. 
 




Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo giảng viên, sinh viên
 
Chương trình có sự tham dự của ThS. Hoàng Ngọc Quý - đại diện Báo Pháp luật Việt Nam; TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng UEF; ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Hoàng - Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Giám đốc Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật; ThS. Nguyễn Hoàng Chương - Giảng viên Trường Đại học Tây Đô cùng ban lãnh đạo và giảng viên Khoa Luật UEF. Bên cạnh đó là đông đảo sinh viên đến từ UEF, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Văn Lang,...
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Ngô Minh Hải cho biết: “Vấn đề quyền riêng tư ngày càng trở nên phức tạp khi lượng dữ liệu cá nhân được thu thập và sử dụng gia tăng. Công nghệ theo dõi ảnh hướng đến cuộc sống riêng tư của mọi người. Quyền con người trong môi trường số là một trong những chủ đề đang “hot” hiện nay. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các bạn sinh viên chính là những nhân tố trực tiếp tham gia nghiên cứu, bám sát thực tiễn.Vì vậy, các bài nghiên cứu đều là những góc nhìn đa dạng, mới mẻ”. 
 

TS. Ngô Minh Hải chia sẻ cùng hội thảo
 
Với nhiều bài viết chất lượng, ban tổ chức đã lựa chọn ra 5 tham luận có giá trị và hàm lượng khoa học cao, gắn liền với những yêu cầu bức thiết hiện nay để trình bày trước hội thảo. 
Nhận thấy pháp luật Việt Nam hiện chưa có định nghĩa và khung pháp lý cụ thể cho tài sản ảo dẫn đến nhiều khó khăn cho việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản ảo, nhóm tác giả Lê Đông Hân, Phạm Thanh Thảo, Đặng Khả Minh, Hoàng Ngọc Như Uyên, Nguyễn Công Tuyền đã thực hiện công trình “Đảm bảo quyền sở hữu đối với “tài sản ảo” - Kinh nghiệm lập pháp ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”. Bài viết đề cập đến việc triển khai các chính sách nhằm bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản ảo nhằm đảm bảo tính hợp pháp và bảo mật cho người sử dụng trong bối cảnh ngày càng phức tạp của công nghệ số và loại tài sản này. 
Tác giả Lê Thị Phương Nhi đã mang đến tham luận “Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của việc thực thi chính sách về an ninh mạng và sở hữu trí tuệ. Việc học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này giúp củng cố hệ thống pháp luật, đồng thời bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người dùng và các doanh nghiệp trên môi trường không gian mạng ngày càng phức tạp. Từ đó, đảm bảo môi trường số phát triển bền vững với các tiêu chuẩn quốc tế.
 





Các tác giả trình bày công trình nghiên cứu
 
“Xác lập và thực thi quyền tài sản đối với dữ liệu số là thông tin cá nhân trong mối quan hệ với quyền riêng tư” là nghiên cứu của tác giả Nguyễn Lê Hùng. Trong bài viết này, tác giả làm rõ các khái niệm liên quan đến quyền riêng tư, dữ liệu số. Đồng thời, tác giả cũng xem xét quyền đối với dữ liệu số là một quyền tài sản thông qua việc xác lập phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật dân sự. Từ đây, bài viết đề xuất giải pháp nhằm làm rõ mối tương tác, cũng như là cân bằng thế đối trọng giữa quyền riêng tư và quyền tài sản đối với dữ liệu số.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, một số quốc gia đã và đang áp dụng một phương thức bầu cử bỏ phiếu trực tuyến. Điều này cho phép công dân tiếp cận thông tin, tham gia vào các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân ở cấp độ địa phương và quốc gia thông qua các thiết bị có kết nối internet. Phương thức bỏ phiếu này góp phần gia tăng sự tham gia của đông đảo người dân vào đời sống chính trị; tăng cường tính dân chủ; đồng thời giảm được tỷ lệ số phiếu không hợp lệ. Đó là những nội dung được chỉ ra trong nghiên cứu về ‘Đảm bảo quyền bầu cử trong kỷ nguyên công nghệ số thông qua phương thức bỏ phiếu trực tuyến - Kinh nghiệm Hoa Kỳ và gợi mở cho Việt Nam” của tác giả Hoàng Minh Uy. 
 


Hai giải thưởng Best Paper và Best Poster đã được trao cho những tài năng nghiên cứu xứng đáng
 
Nghiên cứu "Đảm bảo quyền y tế của cá nhân trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo” của tác giả Vũ Nhật Vy phân tích các khía cạnh quan trọng trong việc đảm bảo quyền y tế của cá nhân. Nghiên cứu đề xuất giải pháp, giải quyết các vấn đề đã, đang và sẽ xảy ra trong giai đoạn chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi con người với tiến bộ công nghệ. Từ đó hướng tới xây dựng hệ thống y tế thông minh, an toàn, công bằng thông qua khung pháp lý hoàn thiện, nhằm nâng cao chất lượng đời sống.
Cả 5 tham luận đều nhận được sự đánh giá cao từ đoàn chủ tọa và các thầy cô tham dự. Với tinh thần nghiên cứu hăng say, các bạn đã khai mở nhiều vấn đề và đi sâu vào những câu chuyện thực tế gắn liền đời sống. Đồng thời, thầy cô cũng đưa ra những góp ý nhằm hoàn thiện các công trình nghiên cứu, nâng cao chất lượng đề tài và hàm lượng khoa học trong bài viết. 
 




Ban tổ chức cuộc thi “Scientific research for law student lần 2/2024” trao giải cho các thí sinh
 
Tại hội thảo, ban tổ chức đã trao giải thưởng Best Poster và Best Paper cho hai bài nghiên cứu đạt yêu cầu giải thưởng này. Ngoài ra, ban tổ chức cuộc thi “Scientific research for law student lần 2/2024” cũng đã trao 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích đến các thí sinh. 
Hội thảo đã giúp các giảng viên, sinh viên mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ về các vấn đề pháp luật trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các công trình được đầu tư chất lượng cho thấy năng lực nghiên cứu vượt trội của thế hệ sinh viên trẻ. Qua hội thảo, các bạn vừa phát huy năng lực, vận dụng kỹ năng trong việc tìm tòi, khám phá vấn đề vừa củng cố những nền tảng kiến thức luật pháp với chuyên ngành mình đang theo học.
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN