Nhằm phục vụ công tác kiểm định chất lượng giáo dục giai đoạn 2022 - 2027 và nâng cao năng lực, kiến thức cho đội ngũ cán bộ - giảng viên - nhân viên (CB-GV-NV) Nhà trường về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, ngày 23/12, Trung tâm Bảo đảm chất lượng và Dự án quốc tế phối hợp với Văn phòng trường tổ chức chương trình "Tập huấn công tác tự đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn FIBAA".
Báo cáo viên của chương trình tập huấn là TS. Lý Thiên Trang – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Hơn 40 thầy cô tham gia tập huấn công tác tự đánh giá theo chuẩn FIBAA
Nội dung của buổi tập huấn xoay quanh 3 vấn đề là: Giới thiệu tổng quan về kiểm định FIBAA; Các tiêu chuẩn tự đánh giá chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn kiểm định FIBAA; Phân tích về nội hàm các tiêu chuẩn FIBAA và nhận biết các minh chứng cốt lõi.
FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation) là một tổ chức đảm bảo chất lượng của chính phủ Thụy Sĩ. Do tính khắt khe, yêu cầu cao về các tiêu chí kiểm định như: chất lượng giảng viên, thiết kế chương trình, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, tính ứng dụng thực tiễn, chất lượng người học,... nên kiểm định FIBAA là một trong những chứng nhận tốt nhất và được công nhận rộng rãi trên thế giới.
TS. Lý Thiên Trang trình bày về kiểm định FIBAA
Tại chương trình, TS. Lý Thiên Trang nhấn mạnh: “Buổi tập huấn hệ thống lại toàn bộ vấn đề kiểm định, từ mục tiêu chương trình đào tạo, tuyển sinh, cấu trúc, nội dung và các khái niệm sư phạm, tính quốc tế trong thiết kế chương trình, hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu, hệ thống tín chỉ của Việt Nam khi đối sánh với châu Âu, các hoạt động dạy học, các loại đánh giá và phương pháp đánh giá, giảng dạy, đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo… đến vận dụng các yêu cầu chuẩn này trong toàn bộ hoạt động liên quan chương trình đào tạo mà UEF đã, đang và cần làm để cải tiến chất lượng”.
Thầy cô chia sẻ góc nhìn về công tác kiểm định
Bên cạnh những nội dung chính được chia sẻ, các thầy cô tham gia tập huấn đã tham gia trò chơi vẽ hình định nghĩa “chất lượng trong giáo dục đại học”. Theo đó, mỗi thầy cô vẽ lên rất những hình ảnh khác nhau thể hiện sự đa dạng trong quan điểm về chất lượng trong giáo dục đại học. Hay như trò chơi xây tháp đòi hỏi ở thầy cô sự sáng tạo, tinh thần làm việc nhóm, sự hợp tác cao độ. Đây đều là những trò chơi bổ ích, mang tính gắn kết và giúp các thầy cô hiểu hơn về công tác đảm bảo chất lượng.
TT.TT-TT