Nhằm đẩy mạnh giao lưu và kết nối các chương trình học thuật quốc tế, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông UEF đã kết hợp với trường Tunku Abdul Rahman University Management and Techonology (TAR UMT), Malaysia tổ chức buổi đồng giảng vào chiều ngày 20/9.
Tại đây, sinh viên hai trường có dịp cùng thuyết trình, trao đổi về đề tài “Quản trị khủng hoảng” trong học phần Quan hệ công chúng do ThS. Nguyễn Thị Thủy Ngân phụ trách đồng giảng.
Đồng hành với lớp học đặc biệt này có TS. Đặng Anh Lực - Phó Trưởng khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, ThS. Phạm Hoàng Minh Ngọc - đại diện Viện Quốc tế cùng các giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông.
Về phía TAR UMT có sự tham dự của TS. Syamsul Zahri Subir - Phó Trưởng khoa Truyền thông và Sáng tạo, TS. Lim Lai Hoon - Giảng viên Khoa Truyền thông và Sáng tạo và một số giảng viên khác.
Buổi đồng giảng được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến vào chiều ngày 20/9
ThS. Nguyễn Thị Thủy Ngân, giảng viên phụ trách đồng giảng chia sẻ: "Đây là một trải nghiệm đáng nhớ và đầy ý nghĩa. Những phần thuyết trình, trao đổi từ các bạn sinh viên UEF và TAR UMT không chỉ thể hiện sự hiểu biết sâu sắc mà còn mang đến những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo về cách xử lý khủng hoảng truyền thông. Tôi tin rằng không chỉ các bạn sinh viên, mà giảng viên của hai trường cũng đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm giảng dạy sau buổi học này. Hy vọng rằng hai trường sẽ còn nhiều cơ hội hợp tác và cùng nhau tạo ra nhiều dấu ấn hơn nữa trong tương lai”.
ThS. Nguyễn Thị Thủy Ngân, giảng viên phụ trách hướng dẫn sinh viên tại buổi đồng giảng
Ở phần trình bày đầu tiên, nhóm sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông UEF đã mang đến những kiến thức, góc nhìn thú vị về chủ đề "Quản trị khủng hoảng". Bằng việc chọn tình huống khủng hoảng vừa xảy ra trong năm 2024 tại Việt Nam, đến từ thương hiệu cà phê đã thu hút sự chú ý của trường TAR UMT.
Các thành viên trong nhóm đã nêu rõ tình huống gặp khủng hoảng, phân tích nguyên nhân, đưa ra mốc thời gian doanh nghiệp xử lý cùng hậu quả sau đó. Đặc biệt, cả nhóm đã đề xuất phương hướng xử lý khủng hoảng hợp lý hơn theo ý kiến của nhóm. Đồng thời, các bạn cũng phân tích hậu quả của vụ việc, cũng như nhấn mạnh sự lan truyền và mối nguy hại của các kênh truyền thông xã hội khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng.
Sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông tự tin trình bày ý tưởng của mình trước sinh viên nước bạn
Cũng với chủ đề này, sinh viên của TAR UMT đã đưa ra một ví dụ thực tế về sự cố của một hãng thời trang đối mặt với làn sóng tẩy chay vì chiến dịch quảng cáo được cho là gợi nhắc tới xung đột ở dải Gaza. Dựa trên lời giải thích của thương hiệu đưa ra chính thức trên trang Instagram, nhóm cũng đưa ra những đánh giá, từ đó rút ra một số nhận định riêng: cần phản ứng nhanh khi vấn đề diễn ra, bày tỏ lời xin lỗi chân thành, có những hoạt động quản trị các bên liên quan nhằm giảm thiểu thiệt hại đến hình ảnh và uy tín của thương hiệu, cũng như thể hiện sự minh bạch trong việc trình bày; cam kết về các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) sau đó.
Sau phần trình bày của các bạn sinh viên trường TAR UTM, sinh viên UEF đã hào hứng đặt ra các câu hỏi và cùng thảo luận sôi nổi. TS. Lim Lai Hoon cũng đặt câu hỏi cho các bạn về việc đề xuất thêm một kênh truyền thông hợp lý hơn cho thương hiệu qua tình huống trên.
Sinh viên tập trung lắng nghe những chia sẻ từ nhóm bạn và tích cực trao đổi, thảo luận trong buổi học
Khép lại buổi đồng giảng giữa hai trường, TS. Lim Lai Hoon đã củng cố kiến thức chung về chủ đề "Quản trị khủng hoảng truyền thông", cho biết đây là việc xác định các mối đe dọa đối với một tổ chức và những phương pháp được tổ chức đó sử dụng để đối phó với các mối đe dọa này. Theo đó, ba bước chính giúp các doanh nghiệp, tổ chức có thể đối phó với khủng hoảng truyền thông là chuẩn bị, phản hồi và phản ứng lại một cách khéo léo.
Qua buổi học, đại diện TAR UMT đánh giá rất cao hình thức đồng giảng này và mong muốn Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức thêm các buổi đồng giảng trong thời gian tới. ThS. Phạm Hoàng Minh Ngọc cũng gửi lời cảm ơn đến trường đối tác và chia sẻ mục tiêu mà UEF hướng đến là quốc tế hóa môi trường đại học, vì thế buổi học hôm nay chính là cơ hội tốt để sinh viên hai trường kết nối và trao đổi kiến thức.
ThS. Phạm Hoàng Minh Ngọc chia sẻ tại buổi đồng giảng
Trong thời gian tới, hy vọng với kiến thức vững chắc cùng nhiều kỹ năng đã thực hành, UEFers có thể tham gia thêm các lớp đồng giảng đa dạng chủ đề cùng sinh viên, giảng viên quốc tế.
Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông