Vào ngày 2/7, Khoa Tài chính - Kế toán đã tổ chức buổi seminar nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Khoa với chủ đề: “Quốc tế hóa và số hóa trong đào tạo lĩnh vực Tài chính - Kế toán - Kiểm toán”. Thông qua cơ hội được lắng nghe những góc nhìn thú vị từ diễn giả quốc tế, hoạt động đã góp phần tạo ra môi trường giao lưu học thuật, nâng cao năng lực nghiên cứu và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, đây cũng là dịp tăng cường giao lưu và triển khai hợp tác với các trường đối tác uy tín trên thế giới sau lễ ký kết MOU, đáp ứng mục tiêu quốc tế hóa trong đào tạo của Nhà trường.
Đồng hành và mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho các thầy cô là Dr. Azizah Saban - Speaker from Mila University, Malaysia. Cạnh đó, góp phần vào sự thành công của buổi seminar còn có những phần báo cáo được cập nhật nhiều xu hướng thời đại mới của TS. Bùi Thanh Long - Giảng viên Khoa Tài chính - Kế toán và ThS. Dương Thị Viên An - Trưởng ngành Công nghệ tài chính.
Buổi seminar cung cấp nhiều góc nhìn về vấn đề quốc tế hóa trong giáo dục và đào tạo
Buổi seminar có sự tham dự của TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Hà Thị Thủy - Trưởng Khoa Tài chính - Kế toán, ThS. Nguyễn Thanh Lâm - Phó Trưởng Khoa Tài chính - Kế toán cùng các thầy, cô giảng viên và nhân viên Khoa.
Đại diện Nhà trường và Khoa Tài chính - Kế toán trao hoa cảm ơn đến các báo cáo viên
Phát biểu mở đầu chương trình, TS. Ngô Minh Hải cho biết: “Nghiên cứu khoa học là hoạt động cần phải được chia sẻ, phản biện và cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính mới và phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại. Chính vì thế, các hoạt động mang tính chuyên môn cao, góp phần giúp các thầy cô học hỏi và trau dồi kinh nghiệm như buổi seminar hôm nay nên được tăng cường tổ chức thường xuyên, định kỳ. Không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối những cá nhân có cùng đam mê nghiên cứu mà những buổi gặp gỡ này còn là dịp để mỗi người nhìn lại “đứa con tinh thần” của mình, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp từ những người xung quanh. Đây chính là khởi đầu tốt để mỗi nhà nghiên cứu có thể tạo ra nhiều công trình chất lượng, góp phần nâng cao vị thế của UEF”.
TS. Ngô Minh Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi seminar
TS. Hà Thị Thủy định hướng các hoạt động được triển khai trong chương trình
Mở đầu buổi seminar với chủ đề “Global Training Evolution: Embracing Digital Transformation and Practical Innovation”, Dr. Azizah Saban đã tích cực chia sẻ về các hoạt động quốc tế hóa giáo dục tại Malaysia đến các giảng viên Nhà UEF thông qua mô hình SETARA Rating. Được biết, đây là một phương pháp nghiêm ngặt để đánh giá ba chức năng cốt lõi của cơ sở giáo dục là giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ. Ở mỗi lĩnh vực, diễn giả đều liệt kê chi tiết những tiêu chí cụ thể để đánh giá, qua đó tạo cơ sở để Nhà trường tham khảo và tìm ra phương hướng phát triển phù hợp với điểm mạnh, yếu và định hướng phát triển của mình.
Các giảng viên Khoa Tài chính - Kế toán lắng nghe những tiêu chí quốc tế hóa giáo dục từ Malaysia
Bằng vốn kinh nghiêm phong phú trong quá trình học tập, làm việc và nghiên cứu tại các trường đại học nước ngoài, tại buổi seminar, TS. Bùi Thanh Long đã góp phần mang đến bức tranh toàn cảnh về các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới với chủ đề “Quốc tế hóa trong đào tạo đại học”. Thầy đã có những chia sẻ chi tiết về cấu trúc chương trình; phương pháp giảng dạy; phương pháp kiểm tra, đánh giá và các hoạt động ngoại khóa của hai trường đại học uy tín là Arkansas và Concordia.
Được biết, tại đây, sinh viên sẽ được tạo điều kiện tối đa để nâng cao kiến thức, rèn luyện tư duy cũng như khả năng thực chiến của mình thông qua các phương pháp học tập chủ động, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn. Với phương châm tập trung đánh giá năng lực của người học từ cả quá trình thay vì chỉ thông qua một kỳ thi, bài tập của các bạn thường là những bài tập nhóm, tình huống “nhập vai” thực tế ứng với chuyên ngành mà mình đang theo đuổi. Bằng việc không ngừng tiếp thu, chắt lọc và phát huy những chương trình phù hợp, UEF có thể tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và mang đến những trải nghiệm giáo dục chất lượng nhất cho sinh viên.
TS. Bùi Thanh Long chia sẻ những mô hình học tập các trường đại học uy tín trên thế giới đang ứng dụng
Khép lại buổi seminar với chủ đề “Artificial Intelligence Digital Transformation Education”, ThS. Dương Thị Viên An đã mang đến nhiều bí quyết bổ ích giúp các thầy cô UEF nhanh chóng tiếp cận và thích nghi với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Theo cô, trong thời đại số, việc ứng dụng được công nghệ AI trong giáo dục sẽ mang đến nhiều lợi ích như: Cá nhân hóa học tập, sáng tạo nội dung thông minh, trực quan hóa thông tin, xác định lỗ hổng trong lớp học,... Chính vì thế, một người giảng viên nên không ngừng cập nhật, làm mới bản thân, tăng cường ứng dụng công nghệ để gia tăng cảm hứng học tập và mang đến những trải nghiệm giáo dục chất lượng. Đặc biệt, ThS. Dương Thị Viên An còn cung cấp một số ứng dụng phổ biến, tiện lợi và dễ sử dụng để phục vụ công tác giảng dạy như: Notion, Gamma, Gradescope,...
ThS. Dương Thị Viên An mang đến những bí quyết để ứng dụng AI hiệu quả trong việc giảng dạy
Trong suốt quá trình diễn ra chương trình, các thầy cô cũng tích cực cùng nhau giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu. Hy vọng rằng những kiến thức đã được tích lũy tại buổi seminar sẽ trở thành tiền đề quan trọng để các thầy cô Khoa Tài chính - Kế toán nâng cấp bản thân, tiếp tục tạo ra những tiết học chất lượng và giàu cảm hứng cho UEFers.
TT.TT-TT