Menu
  
Hoạt động quốc tế

UEFers khám phá sự đa dạng văn hóa ASEAN cùng Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar

07/05/2021
Sáng ngày 6/5, khoa Quan hệ quốc tế UEF đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đa dạng văn hóa ASEAN trong thập niên mới của thế kỷ XXI", nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn vai trò của sự đa dạng văn hóa các nước ASEAN trong sự phát triển của tổ chức này thông qua những câu chuyện thực tiễn trong quá trình công tác của Đại sứ.
Diễn giả trong buổi tọa đàm là TS. Luận Thùy Dương - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar nhiệm kỳ 2016 - 2019. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham dự của TS. Nguyễn Thanh Giang - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực, TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Trần Thanh Huyền - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế.
 
TS. Luận Thùy Dương đã có những chia sẻ bổ ích đến các bạn sinh viên
 
Tại buổi tọa đàm, TS. Luận Thùy Dương đã giúp sinh hiểu rõ về khái niệm văn hóa và văn hóa ở ASEAN. Theo diễn giả, cộng đồng ASEAN như là ngôi nhà có 3 gian bao gồm: An ninh chính trị, Kinh tế, Văn hóa xã hội. Trong đó, "gian nhà" Văn hóa xã hội là quan trọng nhất. 
Sự đa dạng văn hóa ở các nước ASEAN thể hiện qua các điểm như: nguồn gốc văn hóa lúa nước khác nhau, sự giao thoa của nền văn hóa các nước, bản thân sự phát triển nội tại của các nước cũng khác nhau như về trang phục, tôn giáo, tín ngưỡng, ăn uống,...
 
 
Sinh viên thích thú khi lắng nghe những câu chuyện thực tế từ diễn giả 
 
Dù văn hóa đa dạng song các nước ASEAN vẫn thống nhất theo nguyên tắc: Đa dạng, tôn trọng, thống nhất. Nhiệm vụ trong thập niên mới của ASEAN về đa dạng văn hóa được đặt ra là vận động, thích ứng, biến đổi, sáng tạo và phát triển. 
TS. Luận Thuỳ Dương cũng cho biết thêm về những sáng kiến mà Việt Nam làm được khi gia nhập ASEAN: Đề nghị thành lập cộng đồng Văn hóa xã hội; Thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước; Xóa đi rào cản giữa khu vực mới và khu vực cũ; Tạo ra những nhóm cộng đồng như khối doanh nghiệp, khối phụ nữ,...; Thay đổi mặt bằng giáo dục ở ASEAN; Thay đổi những chuẩn mực khác như kinh doanh, y tế,... ví dụ điển hình là Việt Nam đã làm được hồ sơ điện tử về y tế với các bệnh viện ở ASEAN. 
 
 
Các bạn tích cực đặt câu hỏi cho diễn giả 
 
Tuy trên đà phát triển, trong thập kỷ mới các nước ASEAN phải đối mặt và vượt qua những khó khăn còn tồn tại như: Nguyên tắc không can thiệp giữa các nước; Trình độ phát triển chênh lệch giữa các nước; Luật pháp khác nhau; Nhiều nước hiện không bình ổn và khó có thể để ngồi xuống bàn về văn hóa ngay thời điểm hiện tại. 
Là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Myanmar, TS. Luận Thuỳ Dương còn chia sẻ những câu chuyện thực tế để sinh viên hiểu hơn về văn hóa, luật pháp, con người, môi trường, tôn giáo, tín ngưỡng,... ở quốc gia này. 
 
 
Buổi tọa đàm đã góp phần bồi dưỡng kiến thức quốc tế cho sinh viên 
 
Thông qua những câu hỏi mà sinh viên đặt ra trong buổi toạ đàm có thể thấy các bạn đã có được những nhận thức nền tảng về vai trò và trách nhiệm của một công dân ASEAN. Buổi tọa đàm đã mang đến cho sinh viên khoa Quan hệ quốc tế nói riêng và sinh viên UEF nói chung những kiến thức bổ ích, phục vụ rất nhiều cho ngành học và góp phần phát triển bản thân trong tương lai. 
 
Tin: Nguyên Lê
Ảnh: Jerry Trịnh
TIN LIÊN QUAN