Chương trình học bổng hội nghị “ATU-Net Student Leader Forum 2024” do Viện Quốc tế phối hợp với Trung tâm Đào tạo thiết kế dự án chủ trì, tổ chức tại Trường Đại học Phenikaa, Hà Nội từ ngày 10/9 - 14/9 vừa qua. Hoạt động quốc tế này có sự tham gia của sinh viên các trường đại học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, UEF có 4 suất cho sinh viên trường, tạo điều kiện để các bạn giao lưu, học hỏi cùng bạn bè quốc tế.
Sinh viên từ nhiều quốc gia giao lưu, học hỏi lẫn nhau tại “ATU-Net Student Leader Forum 2024”
Chương trình lấy chủ đề “Thúc đẩy sự đa dạng, công bằng và hội nhập thông qua các nhà lãnh đạo sinh viên”, mang đến cơ hội cho người trẻ từ khắp nơi giao lưu văn hóa, học thuật. Đây được xem là cầu nối quốc tế giúp sinh viên tìm kiếm và nắm bắt cơ hội nhận học bổng từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. “ATU-Net Student Leader Forum 2024” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đa dạng, công bằng và hội nhập trong môi trường giáo dục, giúp sinh viên nâng cao nhận thức về vấn đề này trong bối cảnh thách thức và cơ hội toàn cầu không ngừng thay đổi.
4 sinh viên UEF tham gia gồm có bạn Lê Nguyễn Sao Băng - sinh viên năm ba Khoa Tiếng Anh và 3 bạn đến từ Khoa Quản trị kinh doanh là Khâu Nhật Lam, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Ngô Bùi Quốc Duy. Đây đều là những gương mặt sinh viên năng động, tích cực trong các hoạt động giao lưu cùng bạn bè quốc tế để có thể học tập thêm nhiều bài học bổ ích trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Các thành viên Nhà UEF tham gia chương trình học bổng hội nghị “ATU-Net Student Leader Forum 2024”
Suốt 5 ngày tham gia chương trình, sinh viên được chia thành các nhóm để làm việc, trao đổi cùng nhau trong các buổi học, workshop,... Nhiều hoạt động thú vị được triển khai, nhận được sự hào hứng nhất từ các bạn sinh viên là workshop làm tranh lụa ở làng Vạn Phúc. Theo tìm hiểu của các bạn, hình ảnh sử dụng trong tranh lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ, Chùa Một Cột, người nông dân Việt Nam,... Điểm đặc biệt là những bức tranh tại đây do chính tay những nghệ nhân khuyết tật thực hiện một cách khéo léo và tỉ mỉ, không chỉ tạo ra sản phẩm để kinh doanh mà còn mong muốn lan tỏa nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến du khách nước ngoài mỗi khi đến làng Vạn Phúc.
Những hoạt động trong chương trình được triển khai theo nhóm, giúp sinh viên các quốc gia tăng cường kết nối
“Trong suốt quá trình thực hiện làm tranh, em đã cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi bản thân có được cơ hội trải nghiệm những giá trị văn hóa nước nhà cũng như giới thiệu đến bạn bè quốc tế rằng, bề dày văn hóa của Việt Nam hề không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”, bạn Lê Nguyễn Sao Băng chia sẻ.
Sao Băng cũng cho biết thêm, sau chương trình, bạn nhận được rất nhiều giá trị thực tiễn cũng như bài học quý báu. Nhưng điều làm cho bạn cảm thấy mới mẻ là sự giao lưu quốc tế, là tình bạn không phân biệt quốc gia hay tôn giáo. "Suốt những hoạt động chính của chương trình, chúng em đều làm việc nhóm. Nên việc mỗi cá nhân mở lòng chấp nhận sự khác biệt trong suy nghĩ, văn hóa của các thành viên khác để cùng nhau làm việc, cùng nhau trải nghiệm là điều đáng quý và ý nghĩa. Em đã có được thêm những người bạn mới đáng yêu và chân thành đến từ các quốc gia khác nhau", Sao Băng cho biết.
UEFers và những người bạn quốc tế thích thú trải nghiệm hoạt động làm tranh lụa
Chương trình kết thúc, ngoài những kiến thức, kỹ năng tích góp được thì những mối quan hệ xuyên biên giới cũng đã được hình thành từ những người trẻ. Tin rằng, các hoạt động giao lưu, kết nối, chia sẻ văn hóa đã mang đến cho UEFers cũng như sinh viên quốc tế nhiều trải nghiệm thú vị, thêm gắn kết và nêu cao tinh thần hội nhập.
TT.TT-TT