Cô bạn Nguyễn Minh Tâm được biết đến là một trong những sinh viên có thành tích tiếng Anh nổi trội của UEF, đặc biệt Tâm có một niềm đam mê với ẩm thực, quyết theo đuổi lĩnh vực Quản trị khách sạn để khởi đầu tương lai. Tất cả đặc điểm trên đã tạo nên một nét rất riêng ở cô bạn cựu học sinh THPT Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp) này.
Minh Tâm gây ấn tượng với bạn bè, thầy cô bởi năng lực ngoại ngữ của mình. Cũng chính từ niềm đam mê tiếng Anh bất tận và mong muốn được rèn giũa, phát triển trong môi trường học tập quốc tế, Minh Tâm đã chọn Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) để tiếp tục con đường nâng cao tri thức của mình.
Tâm cũng là một trong những tân sinh viên đạt học bổng 50% của trường trong kỳ tuyển sinh năm qua. Hãy lắng nghe những chia sẻ của Minh Tâm về bí quyết học tiếng Anh và những dự định của cô bạn trong tương lai nhé!
Minh Tâm hiện đang là sinh viên ngành Quản trị khách sạn tại UEF
Chào Minh Tâm, được biết ngay từ hè năm lớp 11, bạn đã tham gia kỳ thi IELTS và đạt thành tích 7.0. Bạn có thể chia sẻ bí kíp để sở hữu hữu con số ấn tượng này?
Bên cạnh việc tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học thì bản thân Tâm không ngừng tích lũy kiến thức và tìm cho mình những phương pháp học tiếng Anh tối ưu nhất. Các bạn biết đấy, bất cứ lĩnh vực nào, khi bạn không trau dồi thường xuyên thì sẽ nhanh chóng bị “lục nghề” (cười).
Thay vì quá chú tâm vào lý thuyết sách vở, mình dành nhiều thời gian để xem các chương trình truyền hình, các bộ phim, bản nhạc nước ngoài chỉ sử dụng Engsub. Đây cũng là cách nhiều bạn học tiếng Anh đang áp dụng, vừa giúp luyện phát âm, trau dồi khả năng nghe và năng lực chuyển nghĩa của mình.
Bên cạnh tiếng Anh, cô nàng còn có niềm đam mê với ẩm thực
Mình đặc biệt thích chương trình “Ted Talks”, một chương trình không chỉ góp phần nâng cao khả năng Anh ngữ mà còn mang đến nhiều kiến thức xã hội phong phú, bổ ích.
Ngoài ra, mình cũng có một niềm yêu thích đặc biệt với ẩm thực, đặc biệt luôn khám phá những món ăn, thức uống mình đã trải nghiệm bằng tiếng Anh. Tâm cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như Trại hè, Câu lạc bộ,... nhằm tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng giúp ích cho học tập và cuộc sống.
Với khả năng tiếng Anh tốt, bạn có định hướng du học không hay chọn gắn bó với UEF trong suốt những năm đại học?
Chia sẻ về dự định tương lai, mình sẽ tìm học thêm một ngoại ngữ thứ hai là tiếng Hàn. Tiếp đó mình sẽ tham dự kỳ thi Toefl và tất nhiên là đầu tư thật tốt cho quá trình học tập chuyên môn của mình.
Nếu tìm được trường và học bổng phù hợp thì sẽ cân nhắc đến vấn đề du học, trước mắt mình vẫn sẽ là một thành viên của “gia đình” UEF.
Bạn theo học ngành Quản trị khách sạn, vậy dự định và mong muốn nghề nghiệp của bạn khi tốt nghiệp từ UEF?
Mình chọn ngành Quản trị khách sạn với mong muốn được làm việc ở bộ phận F&B, quản lý về mặt dịch vụ ăn uống trong khách sạn. Nghe hơi lạ so với mọi người vì thường học Quản trị khách sạn mọi người sẽ muốn quản trị các bộ phận như buồng phòng, hay lễ tân… nhưng vì có đam mê với ăn uống, nền ẩm thực nói chung nên mình mong sau khi tốt nghiệp từ UEF, mình sẽ trở thành quản lý của bộ phận F&B.
Cảm ơn Minh Tâm!
Hy vọng các bạn sinh viên UEF đã có thêm những “bí kíp” học tiếng Anh hay ho từ cô bạn này. Đồng thời cùng đón chờ thêm những chia sẻ hữu ích từ những mem nổi bật khác nhé các bạn!
Khám phá công việc của một F&B
F&B (Food and Beverage Service) là bộ phận đem lại doanh thu cao thứ 2 sau bộ phận buồng phòng và góp phần tạo nên thương hiệu cho khách sạn. Đây là bộ phận nhà hàng và quầy uống trong khách sạn với những khu vực như một quầy giải khát xinh xắn bên bờ hồ bơi, một tổ phục vụ tại phòng (chuyên phục vụ thức ăn, đồ uống tại phòng), một quầy rượu ở phòng đọc báo, một quầy rượu ở khu vực tiền sảnh,...
Một số nơi khác, bộ phận F&B còn có những chức năng phục vụ khác trong chu kỳ 24 tiếng đồng hồ. Do đó, có thể nói là hoạt động của bộ phận F&B là những hoạt động hết sức đa dạng và phong phú. Cơ cấu tổ chức cũng như hoạt động của bộ phận F&B là điều rất được các khách sạn quan tâm, sắp xếp sao cho hợp lý. Tùy theo quy mô, đặc điểm riêng cả mỗi khách sạn mà việc bố trí nhân sự bộ phận F&B cũng sẽ khác. Nhưng nhìn chung, một bộ phận F&B hoàn thiện sẽ có những vị trí sau: Giám đốc bộ phận F&B, Giám đốc nhà hàng (Restaurant Manager), Trưởng nhóm nhân viên đặt bàn (Reception Head Waiter), Trưởng nhóm phục vụ (Maitre d’hotel hoặc Head Waiter), Trưởng nhóm phục vụ bàn (Station Head Waiter), Nhóm phó (Chef de Rang), Nhân viên chia đồ ăn (Carve hoặc trancheur), Nhân viên tiệc (Banqueting staff),... |
Trần Hà, Ảnh: Thái Sơn