Công nghệ cơ khí luôn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Ngày nay, tất cả các máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất, hoạt động ở mọi nơi (trên và dưới mặt đất, trên mặt biển, dưới đáy biển, trên trời, ngoài vũ trụ…) đều có sự đóng góp lớn của các nhà khoa học, các tổng công trình sư, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân cơ khí.
Công nghệ cơ khí là gì?
Công nghệ cơ khí hay kỹ thuật cơ khí là ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc và thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích. Cơ khí áp dụng các nguyên lý nhiệt động lực học, định luật bảo toàn khối lượng và năng lượng để phân tích các hệ vật lý tĩnh và động, phục vụ cho công tác thiết kế trong các lĩnh vực như ô tô, máy bay và các phương tiện giao thông khác, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí ...
Công nghệ cơ khí thường tạo ra các giả lập mô phỏng hoạt động của các đối tượng, như quy trình chế tạo thực tế theo trình tự tối ưu hóa sự thực hiện, hiệu quả kinh tế và chi phí năng lượng trước khi quyết định lựa chọn một thiết kế cụ thể.
Các chuyên ngành cơ bản của cơ khí bao gồm: động học, tĩnh học, sức bền vật liệu, truyền nhiệt, động lực dòng chảy, cơ học vật rắn, điều khiển học, khí động học, thủy lực, chuyển động học và các ứng dụng nhiệt động lực học.
Các kỹ sư cơ khí cũng đòi hỏi phải có kiến thức và năng lực áp dụng những khái niệm trong môi trường kỹ thuật điện và hóa học. Với một mức độ nhỏ, cơ khí còn trở thành kỹ thuật phân tử - một mục tiêu viễn cảnh của nó là tạo ra một tập hợp phân tử để xây dựng được những phân tử và vật liệu bằng con đường tổng hợp cơ học.
Công nghệ cơ khí luôn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Một số lĩnh vực nghề nghiệp chuyên sâu của ngành nghề Công nghệ cơ khí
- Cán bộ nghiên cứu khoa học và giảng dạy: Dành phần lớn thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm, thư viện cùng với những thiết bị, dụng cụ chuyên dùng. Họ cũng thường xuyên lên lớp truyền đạt những tri thức của mình cho thế hệ trẻ yêu thích ngành cơ khí và không quên chuyển giao các kết quả nghiên cứu thành công cho các cơ sở sản xuất ứng dụng.
- Kỹ sư điều hành công nghệ: Trực tiếp gắn bó với các dây chuyền, thiết bị cơ khí trong phân xưởng sản xuất cùng công nhân để kịp thời khắc phục xử lý các sự cố có thể xảy ra và giám sát công việc, đảm bảo dây chuyền hoạt động đều đặn, đạt chất lượng yêu cầu.
- Kỹ sư giám sát: Thực hiện việc kiểm tra, giám sát các công đoạn trong dây chuyền gia công sản phẩm cơ khí, đảm bảo thực hiện đúng quy trình công nghệ với các điều kiện kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn của ngành cơ khí cũng như tiêu chuẩn của quốc gia, quốc tế.
- Kỹ sư thiết kế: Làm việc phần lớn trong văn phòng với các máy móc, thiết bị chuyên dụng cho công tác thiết kế như máy tính cài đặt phần mềm phù hợp, giá vẽ, bút thước… Kỹ sư thiết kế luôn tư duy, tìm tòi để thiết kế ra những dây chuyền công nghệ ngày một tốt hơn. Họ cũng dành nhiều thời gian xuống phân xưởng để trực tiếp quan sát, rút kinh nghiệm.
- Cán bộ tư vấn và chuyển giao công nghệ: Là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, trực tiếp tư vấn hoặc chuyển giao công nghệ cho các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước, các công ty, nhà máy…, lựa chọn nhập khẩu các dây chuyền thiết bị chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
- Có tình yêu với ngành cơ khí
- Có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên, khả năng sáng tạo, tưởng tượng tốt.
- Ưa thích công việc năng động, tìm tòi.
- Có tư duy phân tích nhạy bén, logic
- Tính cẩn thận, chính xác và sự kiên trì.