Địa chất là gì?
Địa chất là môn khoa học nghiên cứu về Trái đất, các vật liệu hình thành Trái đất, cấu trúc của những vật liệu đó, và các quá trình hoạt động của chúng. Nó bao gồm các nghiên cứu về nguồn gốc các sinh vật trên hành tinh của chúng ta. Một phần quan trọng của địa chất học là nghiên cứu về thành phần, nguồn gốc, các quá trình, cấu trúc của Trái Đất đã thay đổi như thế nào theo thời gian.
Địa chất học tập trung nghiên cứu: cấu trúc, đặc điểm vật lý, động lực, và lịch sử của các vật liệu trên Trái Đất, kể cả các quá trình hình thành, vận chuyển và biến đổi của các vật liệu này. Giải quyết các vấn đề của địa chất liên quan đến rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Lĩnh vực này cũng rất quan trọng trong việc khai thác khoáng sản và dầu khí. Ngoài ra, nó cũng nghiên cứu giảm nhẹ các tai biến tự nhiên và cổ khí hậu cùng các lĩnh vực kỹ thuật khác.
Ngành Địa chất luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các hoạt động sản xuất như khai thác khoáng sản, dầu khí...
Công việc của nhà địa chất là gì?
Các nhà địa chất cần tìm hiểu được lịch sử của hành tinh của chúng ta. Việc hiểu được lịch sử hình thành và phát triển của Trái Đất giúp nhà địa chất thấy trước được các sự kiện, quá trình trong quá khứ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai. Dưới đây là một số ví dụ:
- Các nhà địa chất nghiên cứu các quá trình Trái đất: Nhiều quá trình như lở đất, động đất, lũ lụt và núi lửa phun trào có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho con người. Các nhà địa chất cần tìm hiểu các quá trình này để tránh xây dựng các công trình, nơi các quá trình trên có thể xảy ra. Nếu các địa chất có thể tìm hiểu và vẽ được bản đồ của khu vực đã bị ngập trong quá khứ thì họ sẽ xác định được bản đồ các khu vực có thể bị ngập nước trong tương lai. Các bản đồ này có thể được sử dụng để hướng dẫn sự phát triển của cộng đồng và xác định nơi lũ lụt xảy ra.
- Các nhà địa chất nghiên cứu thành phần vật chất của Trái đất: Hiện nay chúng ta đều sử dụng thành phần vật chất của TĐ mỗi ngày. Như sử dụng dầu được sản xuất từ các giếng dầu, kim loại được sản xuất từ các mỏ, và nước đã được rút ra từ dòng suối hoặc từ dưới lòng đất. Các nhà địa chất tiến hành nghiên cứu mà xác định vị trí các loại đá có chứa kim loại quan trọng, quy hoạch các mỏ sản xuất chúng và các phương pháp tinh luyện kim loại từ các loại đá. Họ làm công việc tương tự để xác định vị trí và sản xuất dầu mỏ, khí thiên nhiên và nước ngầm.
- Các nhà địa chất nghiên cứu lịch sử trái đất: Hiện nay vấn đề biến đổi khí hậu đang rất được quan tâm. Nhiều nhà địa chất đang làm việc để tìm hiểu về lịch sử các vùng khí hậu quá khứ của trái đất và sự thay đổi của các vùng khí hậu này qua thời gian. Thông tin này rất có ích giúp chúng ta biết được khí hậu của Trái đất đang và sẽ thay đổi ra sao.
- Nhà khoa học địa chất: Xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học góp phần giải quyết những nhiệm vụ của đất nước như: nghiên cứu cấu trúc của vỏ Trái Đất tại một lãnh thổ rộng lớn hay một vùng cụ thể (gồm cả đất liền và đại dương), phát hiện các quy luật chung về sự phân bố các loại đất đá, những chỗ xung yếu của vỏ Trái Đất, quy luật hình thành và phân bố các loại khoáng sản rắn và lỏng, nguồn nước dưới đất phục vụ cho việc khai thác hợp lý kinh tế lãnh thổ trong nhiều lĩnh vực khác nhau và bảo vệ môi trường địa chất nơi con người đang sống. Nhà khoa học địa chất có thể làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành khác nhau, các viện nghiên cứu, các trường đại học.
- Kỹ sư địa chất: Trực tiếp tham gia và điều hành công việc ở các chuyến đi lộ trình để thu thập thông tin, vẽ các loại bản đồ địa chất. Họ cũng điều khiển những giàn khoan lớn, những máy đo từ, địa chấn, điện trở suất của đất đá… gắn trên máy bay hoặc tàu biển hiện đại. Nhờ những công việc đó, họ giúp những nhà chuyên môn khác phát hiện ra những tài nguyên khoáng sản nằm sâu dưới lòng đất hoặc ngoài đại dương, lựa chọn vị trí xây dựng công trình. Ngoài ra họ còn phát hiện và dự báo các hiểm họa tiềm ẩn trong lòng đất như động đất, sóng thần…
Tùy theo sở trường mà sinh viên có thể lựa chọn những ngành nghề chuyên sâu trong ngành địa chất
Ngành Địa chất có một số lĩnh vực ngành nghề chuyên sâu như:
- Địa chất học: Nghiên cứu địa chất phục vụ việc tìm kiếm các khoáng sản có ích.
- Địa chất thủy văn: Nghiên cứu địa chất để tìm kiếm, khai thác, xử lý các nguồn nước dưới lòng đất phục vụ cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp v.v…
- Địa chất công trình – địa kỹ thuật: Nghiên cứu địa chất phục vụ cho xây dựng các dạng công trình khác nhau, đề xuất và thiết kế giải pháp xử lý nền móng công trình.
- Nguyên liệu khoáng: Nghiên cứu địa chất phục vụ tìm kiếm khoáng sản và các công nghệ tiên tiến chế biến khoáng sản.
- Địa sinh thái và công nghệ môi trường: Nghiên cứu địa chất ở góc độ khai thác hợp lý và bảo vệ môi trường địa chất.
Một số tố chất và kỹ năng cần thiết cho Nghề Địa chất:
- Yêu thích các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học, sinh vật, địa lý
- Yêu thích sự tìm tòi, khám phá, biết phân tích tư duy tổng hợp, có tính logic cao
- Cần cù, chịu khó, tính tự giác và trung thực cao trong công việc
- Trình độ ngoại ngữ và tin học tốt.