Sáng 21/7, khoa Công nghệ thông tin UEF đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của giảng viên khoa nhằm phát huy hoạt động nghiên cứu khoa học giảng viên và tìm kiếm đề tài dự thi ở các cấp cao hơn.
Hội đồng nghiệm thu gồm: TS. Nguyễn Hà Giang - Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Chủ tịch hội đồng, ThS. Văn Thị Thiên Trang - Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Ủy viên, ThS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Phản biện, ThS. Phạm Phú Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Quản lý công nghệ thông tin - Phản biện, ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học và Khoa học công nghệ - Thư ký.
Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của khoa Công nghệ thông tin
Đề tài được nghiệm thu là “Nghiên cứu, ứng dụng các giải thuật tiến hóa nhằm nâng cao hiệu suất truyền thông cho mạng di động thế hệ thứ 5 (5G)” do TS. Huỳnh Đệ Thủ làm Chủ nhiệm đề tài.
Theo phần trình bày nghiên cứu của TS. Huỳnh Đệ Thủ, lý do chọn đề tài là do mạng không dây di động thế hệ thứ 4 (4G) đang tiếp tục được phát triển, hoàn thiện và tối ưu. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng của người dùng về băng thông, tốc độ, độ ổn định,... nên việc phát triển về mạng không dây di động thế hệ thứ 5 được nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu sẽ là tiền đề, góp phần xây dựng nên chuẩn mạng di động không dây thế hệ thứ 5.
Mục tiêu nghiên cứu đề tài được trình bày
Nội dung mà nhóm nghiên cứu đề ra là nghiên cứu lý thuyết các thuật toán tiến hóa, giải thuật di truyền (GA),... trên cơ sở đó, nhóm tác giả tiến hành phân tích, đánh giá và so sánh các giải thuật. Mô hình hóa bài toán tối ưu hiệu suất mạng 5G khi xem xét nhiều yếu tố mạng tương quan như băng thông, tốc độ, độ ổn định, đặc biệt là năng lượng tiêu hao.
Từ nội dung nghiên cứu được, nhóm nghiên cứu đã đưa ra giải pháp và đi đến kết luận. Trong đó, giải pháp là tận dụng các mối quan hệ xã hội của MU để cải thiện hiệu suất truyền thông D2D, tức là hiệu quả năng lượng cao nhất, trong khi đạt được thông lượng hệ thống cao và đảm bảo hiệu quả phổ cho các yêu cầu QoS cao.
Để làm được như vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất một giải pháp tối ưu hoá hiệu quả năng lượng dựa trên thông tin mạng xã hội cho truyền thông D2D trong mạng 5G bằng cách áp dụng thuật toán di truyền thích nghi.
Kết luận được đề ra là nhóm nghiên cứu đã phát triển một giải pháp tối ưu hoá hiệu quả năng lượng dựa trên thông tin xã hội cho truyền thông D2D trong mạng 5G bằng cách áp dụng thuật toán di truyền thích nghi. Kết quả mô phỏng đã chứng minh rằng giải pháp được đề xuất có thể tăng cường hiệu quả năng lượng và thông lượng hệ thống cho truyền thông D2D trong mạng 5G, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả phổ và các ràng buộc công suất truyền nhằm thỏa mãn các yêu cầu chất lượng dịch vụ cao.
Sự thay đổi và ứng dụng của mạng 5G trong tương lai
Sau quá trình biện luận khoa học, đánh giá và cho điểm dựa theo nhiều tiêu chí, Hội đồng nghiệm thu đã cho ra kết quả cuối cùng - điểm trung bình của đề tài là 89.4 điểm. Đề tài tiếp tục được hoàn thiện để làm giàu thêm "ngân hàng" tài liệu khoa học của UEF cũng như tạo nguồn tham khảo bổ ích cho sinh viên sau này.