Tin tức sự kiện

"Cafe công nghệ" số đầu tiên: Khơi dậy tư duy làm chủ công nghệ, đón đầu xu hướng trong người trẻ

11/12/2024
Ngày nay, công nghệ không chỉ được nhắc đến là những thiết bị hiện đại hay trí tuệ nhân tạo mà còn được xem như nhịp cầu kết nối giữa ý tưởng và thực tiễn, giữa những người trẻ với vô vàn cơ hội không giới hạn.
Sáng ngày 11/12, tại buổi Cà phê công nghệ đầu tiên với chủ đề “Byte & Brew - Công nghệ và Đổi mới”, Khoa Công nghệ thông tin UEF đã tạo ra một không gian học thuật sôi nổi để bàn luận về những xu hướng mới mẻ và tác động của công nghệ đến đời sống, học tập và tương lai nghề nghiệp của UEFers. Tại đây, các chuyên gia và sinh viên cùng nhau khám phá cách công nghệ định hình tương lai, khơi nguồn sáng tạo và mở lối cho những hành trình sự nghiệp đầy triển vọng.
 




Hoạt động diễn ra trong không gian đậm chất nghệ thuật và sáng tạo tạo nguồn cảm hứng cho sinh viên
 
Chương trình có sự tham dự của ThS. Trần Thanh Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp; cô Hoàng Thị Hằng - Trợ lý trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin; ThS. Võ Đình Ngà - Trưởng ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Công nghệ thông tin. 
Đồng hành với UEFers trong số đầu tiên là TS. Nguyễn Chí Thanh - Calibration Team Lead, Viện nghiên cứu VinAI, chuyên gia trong lĩnh vực Phân tích dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo và bà Phạm Lê Nguyên Hảo - Giám đốc, Công ty TNHH CK Frozen Foods Việt Nam, một trong những đơn vị cung cấp thực phẩm cá sạch xuất khẩu ra thị trường quốc tế. 
 

Đại diện Ban tổ chức trao thư cảm ơn cho hai chuyên gia
 
Trong không khí cởi mở, gần gũi, các chuyên gia đã chia sẻ về vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ trong mọi ngành nghề. TS. Nguyễn Chí Thanh đã nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp và cá nhân phát triển bền vững. Ông còn chia sẻ về cách các kỹ năng liên quan đến công nghệ đang trở thành “hộ chiếu” đưa sinh viên tiến ra thị trường lao động toàn cầu.
Bên cạnh đó, bà Phạm Lê Nguyên Hảo đã cung cấp một góc nhìn thực tế về việc kết hợp công nghệ trong ngành thực phẩm cũng như mở rộng ra những lĩnh vực khác. Bà khẳng định, để đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế, công nghệ hỗ trợ mạnh mẽ trong quản lý sản xuất và chính là công cụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tối ưu hóa quy trình xuất khẩu. Những chia sẻ này đã giúp sinh viên hiểu rõ hơn về sự tác động của công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời, khơi gợi cảm hứng để các bạn tự tìm ra hướng đi cho chính mình.
 



Các diễn giả khẳng định sức mạnh của việc làm chủ công nghệ trong thời đại số hóa
 
Đặc biệt, sự tương tác sôi nổi giữa sinh viên và các chuyên gia đã tạo nên điểm nhấn thú vị cho chương trình. Các bạn trẻ đã đặt ra những câu hỏi sâu sắc về cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh, những kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ cũng như tiềm năng phát triển ngành học của mình khi được tích hợp công nghệ. Mỗi thắc mắc đều nhận được tư vấn thực tế từ các diễn giả, giúp sinh viên vừa làm sáng tỏ khúc mắc vừa mở rộng góc nhìn về tương lai nghề nghiệp.
 

Cô Hoàng Thị Hằng cho biết mục đích của chương trình là tạo không gian để sinh viên được giải đáp thắc mắc cùng chuyên gia
 
Qua đó có thể thấy chương trình không chỉ đơn thuần là một hoạt động học thuật mà còn là một hành trình khơi nguồn sáng tạo và kết nối. Sự giao thoa giữa kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn đã tạo ra nên một trải nghiệm và bài học quý báu cho sinh viên. Đây sẽ là tiền đề cho những chương trình tiếp theo, tiếp tục sứ mệnh kết nối, truyền cảm hứng và mở ra những cơ hội mới cho sinh viên UEF trên hành trình làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo.
TIN LIÊN QUAN