Học thuật

Hội nghị khoa học quốc gia CEBD 2024 thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trẻ

26/04/2024
Là diễn đàn kết nối các nhà nghiên cứu về kinh tế, tài chính, thương mại và marketing, Hội nghị khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế và kinh doanh trong thời đại số - CEBD năm 2024" đã mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ, tạo động lực học tập và nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu trẻ. Hội nghị do UEF phối hợp với Cục Công tác phía Nam (nay là Văn phòng phía Nam) - Bộ Khoa học công nghệ và Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức vào sáng 25/4. 
 







Hội nghị thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu đến từ các đơn vị trên cả nước
 
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Cường -  Phó chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc văn phòng Phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Võ Đình Bảy, TS. Huỳnh Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng HUTECH; PGS.TS. Phạm Văn Việt - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ HUTECH. 
Về phía tổ chức quốc tế có GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia - Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam; Bà Lê Bích Ngọc - Quản lý dự án Viện FNF tại Việt Nam. 
Về phía UEF có ông Đỗ Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Thanh Giang - Hiệu trưởng; TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức; GS.TS. Nguyễn Trung Kiên - Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển và Hội nhập; TS. Nguyễn Thành Luân - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Dự án quốc tế cùng đông đảo giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học khác. 
 
 
TS. Ngô Minh Hải - Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Chia sẻ cùng Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Theo đánh giá mới nhất từ các nhà nghiên cứu của HSBC, Việt Nam đạt chỉ số tăng trưởng về kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, hội nghị hôm nay thể hiện tầm quan trọng và tính cấp thiết trong việc nghiên cứu về kinh tế, kinh doanh trong thời đại số. Thời đại 4.0 là câu chuyện của xuyên ngành. Những người làm kinh tế, kinh doanh đồng thời phải nắm bắt và vận dụng sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật. Các bài nghiên cứu gửi về Hội nghị đều thể hiện được tính mới và tính hiện đại”. 
 
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao Hội nghị lần này
 
Sự thành công của các hoạt động nghiên cứu khoa học là kết quả nghiên cứu tích cực từ các nhà khoa học và sự đồng hành của các tổ chức tài trợ. Qua trao đổi về năng lực nghiên cứu khoa học của UEF, FNF đã quyết định đồng hành và tài trợ cho dự án nghiên cứu "kinh tế số" do nhóm các nhà khoa học UEF thực hiện. Hai bên đã ký kết hợp tác thỏa thuận ngay tại Hội nghị. Được biết, FNF là một tổ chức của Đức được thành lập vào năm 1958, hoạt động với sứ mệnh thúc đẩy các giá trị tự do, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tại Đức và trên thế giới. 
 
 
FNF ký kết hợp tác về việc đồng hành, hỗ trợ cho dự án nghiên cứu "kinh tế số" do nhóm các nhà khoa học UEF thực hiện
 
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội nghị đã nhận được hơn 130 công trình nghiên cứu đến từ 35 đơn vị trong và ngoài nước. Từ các bài viết gửi về, Ban tổ chức đã chọn ra 20 tham luận để tiến hành báo cáo ở phiên toàn thể và 6 phân ban. 
Cụ thể, ở phiên toàn thể có hai tham luận được trình bày: (1) Economic Dynamics in a Digital World: Vietnam's Perspective của GS.TS. Andreas Stoffers và (2) Thực hành chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục của PGS.TS. Trần Mạnh Hà.
Trong đó, với sự chia sẻ của giáo sư Andreas Stoffers, các nhà nghiên cứu, nhà kinh tế có nhận thấy được sự tập trung sâu sắc vào mối quan hệ cộng sinh giữa việc số hóa và phát triển kinh tế, khám phá các chiến lược của Việt Nam trong việc áp dụng các công nghệ biến đổi. Từ việc giới thiệu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương đến cuộc chiến chống lạm phát và hoài bão về việc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính, bài nghiên cứu đã làm sáng tỏ cách tiếp cận đa chiều của Việt Nam trong quá trình phát triển mô hình kinh tế toàn cầu hiện nay.
 
Hai nhóm tác giả được trao thưởng tại Hội nghị
 
Bài báo cáo của PGS.TS. Trần Mạnh Hà lại nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển mô hình kinh doanh xuất hiện từ lâu và thể hiện ở một số đặc trưng khác nhau: từ tạo mô hình kinh danh mới, thay đổi mô hình kinh doanh đến tăng trải nghiệm khách hàng, thay đổi văn hoá tổ chức khi lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phát triển. Bài nghiên cứu cũng áp dụng các đặc trưng này trong lĩnh vực giáo dục để tìm hiểu hoạt động chuyển đổi số ở một số trường đại học cụ thể.
 
 



Nhiều vấn đề về kinh tế, kinh doanh trong thời đại số được đưa vào nghiên cứu
  

Ở phiên phân ban, các bài tham luận xoay quanh các khía cạnh: sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế số và xã hội số, Nghiên cứu quản trị kinh doanh trong thời đại số, Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán từ góc độ thị trường lao động đến góc độ giáo dục và đào tạo trong bối cảnh phát triển công nghệ số, Nghiên cứu lĩnh vực du lịch, lưu trú và ẩm thực trong xu thế chuyển đổi số, Digital marketing, The changing landscape of digital economy and business.


 



Chuyển đổi số đang tác động và ảnh hưởng đến đa dạng các lĩnh vực như kinh tế, kinh doanh, thương mại, marketing,...
 
 





Các thầy cô, sinh viên và nhà nghiên cứu tích cực trao đổi và phân tích vấn đề
  
Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp với các công trình nghiên cứu chất lượng. Thông qua chủ đề gắn với bối cảnh thực tế, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên có cơ hội nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Các trường, cơ sở giáo dục tăng cường sự hợp tác cùng nhau, bao gồm hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp về công tác đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Đặc biệt, hội nghị còn là dịp để các nhà nghiên cứu kinh tế dù ở phương diện nghiên cứu hay thực tiễn đều có thể đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp cho nền kinh tế số.
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN