Học thuật

Khoa Kinh Tế tổ chức thành công phân ban hội thảo khoa học trong khuôn khổ hội nghị CEBD 2024

26/04/2024
 
Ngày 25/4/2024, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) phối hợp với Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học công nghệ và Trường Đại học Công nghệ TP. HCM tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia “Kinh tế và Kinh doanh trong thời đại số” năm 2024 (Tên tiếng Anh: “Conference on Economics and Business in the Digital Era – CEBD 2024nhằm mục đích kết nối cộng đồng nhà nghiên cứu về kinh tế, tài chính, thương mại du lịch để cùng lan tỏa tri thức, kiến thức mới, tạo động lực học tập và nghiên cứu về kinh tế và kinh doanh trong thời đại số; quan trọng hơn, hội nghị CEBD 2024 còn tập trung thảo luận các giải pháp, ý tưởng trong nghiên cứu thúc đẩy về chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số thành công.

Phiên ban 1 do Khoa Kinh Tế tổ chức với chủ đề "Sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế số và xã hội số"

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội nghị đã nhận được hơn 130 công trình nghiên cứu đến từ 35 đơn vị trong và ngoài nước. Từ các bài viết gửi về, Ban tổ chức đã chọn ra 20 tham luận để tiến hành báo cáo ở phiên toàn thể và 6 phân ban. Khoa Kinh Tế phối hợp chủ trì phân ban 1 với chủ đề “Sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế số và xã hội số”. Phiên phân ban được tổ chức dưới sự dẫn dắt của chủ tọa TS. Phạm Quốc Hải và thư ký TS. Lâm Thanh Phi Quỳnh cùng sự tham gia của các thầy cô UEF và các nhà nghiên cứu trẻ.

Chủ tọa TS Phạm Quốc Hải và Thư Ký TS Lâm Thanh Phi Quỳnh
Đầu tiên, phiên hội thảo bắt đầu với phần báo cáo của nhóm tác giả sinh viên UEF với chủ đề “Ứng dụng hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain trong lĩnh vực kinh doanh thương mại – gợi mở cách thức giao dịch mới cho doanh nghiệp tại Việt Nam”. Bài báo cáo của nhóm tác giả trẻ cho thấy sự quan tâm sâu sắc của giới trẻ về việc chuyển đổi số trong thời kì 4.0 hiện nay và nhóm tác giả cũng thể hiện xuất sắc về tư duy cởi mở cũng như góc nhìn mới mẻ và đầy hứa hẹn cho những công nghệ mới có thể áp dụng vào các doanh nghiệp trong tương lai.

Góp phần sinh động cho phiên hội thảo, báo cáo viên Đặng Thị Mỹ Ngọc đã đem tới một góc nhìn mới từ khía cạnh xã hội học với chủ đề “Kinh tế nhân bản, bền vững, hài hòa, thân thiện với môi trường: bài học của Tập đoàn Honda Nhật Bản”. Cô Mỹ Ngọc đã đem tới một khái niệm về sự phát triển bền vững trong phát triển kinh tế số với sự thay đổi từ khía cạnh con người – đây cũng là một góc nhìn rất mới trong nghiên cứu về sự phát triển nền kinh tế số.

Báo cáo viên Đặng Thị Mỹ Ngọc

Kết thúc phiên phân ban 1, báo cáo viên Lê Bích Ngọc đã đem đến những thông tin thực tế với phạm vi thu hẹp vào nghiên cứu về các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam với bài báo cáo chủ đề “Chuyển đổi kinh tế số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa: thực trạng, tác động và hàm ý chính sách cho Việt Nam”. Trong phần báo cáo của mình, cô Bích Ngọc đã đem tới buổi hội thảo những chính sách mới, những hướng đi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và những gợi mở triển vọng trong phát triển số tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Phiên phân ban 1 đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự đóng góp từ những phần trình bày về các nghiên cứu xuất sắc với các góc nhìn mới mẻ của các nhà nghiên cứu. Thông qua chủ đề “Sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế số và xã hội số” gắn với bối cảnh thực tế, các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên nhà UEF có cơ hội nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
 
 Phương Thảo
TIN LIÊN QUAN