Nằm trong chuỗi sự kiện VALOMA Confest 2022 do Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức, vừa qua - 8/10, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) và Học viện Ngân hàng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Cập nhật xu hướng phát triển công nghệ số trong ngành Logistics - đào tạo và thực tiễn”, với sự tham dự của các nhà khoa học, giảng viên và doanh nghiệp.
Hội thảo kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại hai điểm cầu phía Bắc và phía Nam
Xu hướng chuyển đổi số trong ngành Logistics từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Lan Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinafco cho biết, chuyển đổi số trong ngành Logistics bắt đầu dựa trên ba yếu tố, đầu tiên người lãnh đạo phải tiên phong thay đổi cách làm, tiếp đến là quy trình, cuối cùng là yếu tố người dùng biết họ cần gì để doanh nghiệp đáp ứng.
Với tham luận “Thực trạng và thách thức của Logistics ở Việt Nam”, bà Vũ Thu Huyền - Trưởng phòng kinh doanh miền Bắc, Công ty Cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog đã đưa ra những gợi ý sử dụng Big Data và nền tảng AI để tối ưu hoá hoạt động Logistics. Đưa ứng dụng phần mềm trong lĩnh vực Logistics vào trường học để sinh viên nắm được quy trình và áp dụng vào thực tiễn khi làm tại doanh nghiệp.
Các tham luận mở thêm góc nhìn về cơ hội và thách thức của Logistics ở Việt Nam
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Nam - Giám đốc Kinh doanh và Vận hành FM Logistic Việt Nam cho biết, tỉ lệ nhân viên mới tuyển có kiến thức chuyên môn khiêm tốn, hầu hết chưa được đào tạo sử dụng phần mềm quản lý kho vận hay Logistics, không chịu được áp lực công việc, kỹ năng ngoại ngữ còn hạn chế,... Do đó, doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian cho việc tuyển dụng và đào tạo.
Ông Nguyễn Tuấn Nam chia sẻ vấn đề nhân lực Logistics tại các doanh nghiệp
Ở góc độ đào tạo, TS. Vũ Thị Ánh Tuyết – Giảng viên Học viện Ngân hàng trình bày tham luận “Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo Logistics và chuỗi cung ứng tại các trường đại học của Việt Nam”. Báo cáo chỉ ra hiện chỉ có 34% các trường có đào tạo về Logistics và chuỗi cung ứng có ứng dụng công nghệ số trong đào tạo. Các trường đào tạo thiên về lý thuyết, chưa gắn liền với thực tiễn, trong khi đó, Logistics yêu cầu đào tạo như đào tạo nghề, đòi hỏi sinh viên ra trường phải biết thực tiễn.
Thực tế đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), TS. Nhan Cẩm Trí và TS. Nguyễn Thị Cúc Hồng cho biết, so với các trường đại học có đào tạo Logistics trên thế giới, thì tỷ lệ ứng dụng công nghệ số trong đào tạo tại UEF còn khá thấp, chỉ chiếm 6/132 tín chỉ, tương đương 5%; trong khi tỉ lệ này ở Đại học Bắc Florida (Mỹ) là 11%, tại Đại học Curtin (Singapore) là 21%, Đại học Logistics Kuhne (Đức) là 39%.
Đại diện UEF trình bày báo cáo “Đối sánh các chương trình đào tạo ngành Logistics UEF với các trường đại học tại các quốc gia có ngành Logistics phát triển mạnh trên thế giới”
Chương trình hội thảo đã diễn ra thành công tại hai điểm cầu
Thông qua các báo cáo và nội dung chia sẻ đến từ các bên liên quan: nhà trường – doanh nghiệp – cơ quan quản lý, hội thảo đã đưa ra nhiều góc nhìn từ đào tạo đến thực tiễn phát triển ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong thời đại công nghệ số; đánh giá thực trạng phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác đào tạo gắn với thực tiễn; đề xuất các nhóm giải pháp nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước, trường học, doanh nghiệp nhận diện cơ hội và thách thức trong việc quản lý và phát triển hoạt động Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Tin: Kim Bằng
Ảnh: Media Team