Tỷ lệ sinh viên ra trường “thất nghiệp” tăng 103%
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong những năm gần đây, quy mô đào tạo trình độ ĐH, CĐ gần như ổn định, có phần giảm nhẹ. Cụ thể, năm học 2012-2013 tổng số SV cao đẳng, đại học chính quy là 2.177.299 (1.453.067 ĐH, 724.232 CĐ); năm học 2013-2014 số SV cao đẳng, đại học chính quy là 2.061.641 (1.461.839 ĐH, 599.802CĐ).
Tổng số người tốt nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học tốt nghiệp năm 2012 là 402.300 người; năm 2013 là 425.200 người.
Trong giai đoạn 2011-2014, số lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng lên qua các năm, so sánh năm 2014 với năm 2010, tỷ lệ lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng 38%.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục cho biết, số lao động trình độ ĐH, CĐ trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm; số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%.
Đưa ra lý do nguyên nhân hạn chế chưa giải quyết tốt việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, Bộ Giáo dục thừa nhận: Điều kiện đảm bảo chất lượng của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo; một số trường đại học (chủ yếu là trường đại học địa phương và tư thục) có đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, uy tín và chất lượng đào tạo thấp, khả năng cạnh tranh thấp nên SV khó tìm kiếm việc làm.
Nội dung đào tạo nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hoạt động xã hội) cho người học.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT một phần là thiếu cơ chế, chính sách chưađủ mạnh, hiệu quả để thu hút nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cho phát triển GDĐH trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước vừa thiếu vừa dàn trải, mang tính bình quân, không gắn kết với chất lượng đào tạo của nhà trường, không tạo động lực để nhà trường nâng cao chất lượngvà đáp ứng nhu cầu thị trường lao động… Học phí thấp dẫn đến suất đầu tư/sinh viên thấp khiến cho các trường không có đủ nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng đào tạọ.
Một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng sinh viên thất nghiệp mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn nhận định đó là thị trường lao động của Việt Nam đã được hình thành nhưng còn sơ khai, chưa có đủ thể chế để hoạt động hiệu quả. Việc quy hoạch phát triển nhân lực của các địa phương, bộ/ngành còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế; các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động chưa chú trọng công tác định hướng và dự báo nhu cầu nhân lực cần sử dụng của mình… dẫn đến công tác quản lý lao động và việc làm gặp khó khăn và một phần do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thời gian qua.
Bên cạnh đó, trong xã hội vẫn tồn tại tâm lý “chuộng bằng cấp”; còn phổ biến thói quen “đi xin việc”, “tìm việc” sau khi tốt nghiệp ra trường vào các cơ quan nhà nước, ở tại các thành phố lớn mà chưa có ý trí, hoài bão “tự thân lập nghiệp”, tự mình tạo ra việc làm cho bản thân và xã hội.
15 giải pháp
Tại phiên báo cáo giải trình với Chính phủBộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận đã đưa ra 15 giải pháp khắc phục và kiến nghị giải quyết tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp. Cụ thể:
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người học và xã hội về cách lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng và nhu cầu của TTLĐ; nâng cao nhận thức đối với nhà trường và người học về đào tạo và tự tích luỹ toàn diện về trình độ chuyên môn (lý thuyết nền tảng, kiến thức thực tế và kỹ năng làm việc), ngoại ngữ, kỹ năng mềm để nâng cao khả năng tìm việc làm cho SV...Đồng thời, nâng cao nhận thức của học sinh, SV để nuôi dưỡng ý trí và hoài bão “tự thân lập nghiệp”; nâng cao nhận thức của khối doanh nghiệp về sự cần thiết phải hợp tác và hỗ trợ cơ sở đào tạo.
Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô, cơ cấu nghề nghiệp, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu cơ cấu nhân lực cần sử dụng của TTLĐ.
Tăng cường điều tra, khảo sát, dự báo và đẩy mạng công tác kế hoạch… để thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực sát thực tế, theo từng giai đoạn, ngành nghề, trình độ đào tạo.
Thực hiện hiệu quả dự án hỗ trợ đào tạo giảng viên; xây dựng cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trung cấp, đào tạo cao đẳng, đại học hàng năm trên cơ sở nhu cầu của TTLĐ, năng lực đào tạo và tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm của cơ sở đào tạo; chỉ đạo các cơ sở đào tạo đầu tư nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, hợp tác với đơn vị sử dụng lao động để xây dựng chương trình đào tạo cân đối giữa lý thuyết và thực hành, xây dựng chuẩn đầu ra, hỗ trợ SV thực tập và đánh giá SV tốt nghiệp theo yêu cầu của TTLĐ.
Thiết lập cơ chế phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào và người học trong việc nắm bắt nhu cầu sử dụng, đặt hàng đào tạo cung ứng cho người sử dụng lao động, trước mắt áp dụng thí điểm cơ chế này tại các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, sau đó sẽ áp dụng đồng bộ tại các ngành, địa phương trong phạm vi cả nước...
Chỉ đạo thống nhất việc quản lý nhà nước đối với GDĐH và giáo dục nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương để làm cơ sở cho việc quy hoạch lại mạng lưới GDĐH gắn với mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, với nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương và quốc gia.
Tiếp tục xây dựng Đề án giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp ở trong và ngoài nước trên cơ sở điều chỉnh lại cơ quan chủ trì, phối hợp theo chức năng quản lý nhà nước của từng cơ quan…
Xây dựng hệ thống và tăng cường cung cấp thông tin về TTLĐ theo địa phương, vùng, ngành và kết nối thành thông tin TTLĐ quốc gia; thực hiện các giải pháp hữu hiệu để thu hút lao động đã qua đào tạo từ nơi dư thừa (các thành phố lớn, vùng đã phát triển) đến làm việc ở nơi có nhu cầu.
Xây dựng cơ chế, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với người tốt nghiệp trình độ ĐH, CĐ có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp nhằm tạo cơ hội và khuyến khích SV chủ động tự tạo việc làm cho bản thân và những người lao động khác qua các dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh, giúp người mới tốt nghiệp tiếp cận, thụ hưởng nguồn vốn cho vay ưu đãi để tạo việc làm.
Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về Đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập; thực hiện việc phân tầng, xếp hạng, ban hành và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH…
Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia và việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại cho người lao động thất nghiệp, chuyển nghề.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục theo hướng: Xây dựng cơ chế đầu tư, ưu đãi về đất đai, vốn để hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập; Xây dựng cơ chế cho thuê cơ sở vật chất ở các cơ sở công lập sau khi quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường học; Xây dựng chính sách đảm bảo sự công bằng về hỗ trợ cho nhà giáo và SV trong các cơ sở đào tạo, không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập để nâng cao chất lượng đào tạo ở cả hai khu vực.
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển kinh tế để tăng chỗ làm việc; hoàn thiện các thể chế, các yếu tố của TTLĐ; Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW để góp phần giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp;
Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường cập nhật chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN, tăng cường năng lực ngoại ngữ cho sinh viên để chủ động tham gia thị trường lao động ở các nước trong khu vực khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành cuối năm 2015.
Giải pháp cuối cùng, Bộ Giáo dục kiến nghị là: Các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên, cấp đủ ngân sách và sử dụng hiệu quả ngân sách để thực hiện các giải pháp trên.
Hồng Hạnh (Theo Dân Trí)