Một loạt thương vụ nhỏ được công bố hồi giữa tuần qua đã chính thức đưa năm 2015 trở thành năm mà hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp trên toàn cầu đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay.
Tờ Wall Street Journal dẫn dữ liệu từ công ty Dealogic cho biết, trong ngày 2/12, có tới 112 thỏa thuận M&A được công bố, trị giá tổng cộng 8,5 tỷ USD, nâng giá trị M&A toàn cầu từ đầu năm lên 4.304 tỷ USD.
Kết quả này phá vỡ kỷ lục trước đó thiết lập vào năm 2007, khi giá trị M&A toàn cầu đạt 4.296 tỷ USD.
Với một số thương vụ dự báo sẽ được công bố trong thời gian còn lại của năm, giá trị M&A toàn cầu năm nay có khả năng đạt khoảng 4.700 tỷ USD.
Theo giới phân tích, những yếu tố quan trọng dẫn tới sự nở rộ của hoạt động M&A trên toàn cầu trong năm nay bao gồm sự lạc quan gia tăng của các doanh nghiệp, lãi suất vay vốn thấp, và áp lực phải hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, và mong muốn theo kịp các đối thủ đã tiến hành M&A trước đó.
Giá trị M&A tại thị trường Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử cán mốc 2.000 tỷ USD. Chăm sóc sức khỏe và công nghệ-công nghiệp là những lĩnh vực diễn ra hoạt động M&A sôi động nhất trong năm nay và đang cạnh tranh giành vị trí số 1 về tổng giá trị các thương vụ.
Thương vụ lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã được công bố vào tháng 11, khi hãng dược phẩm Pfizer chi gần 160 tỷ USD để thâu tóm đối thủ Allergan. Đây cũng là thương vụ lớn thứ nhì trong lịch sử M&A toàn cầu nói chung.
Năm nay cũng chứng kiến vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử công nghệ, khi hãng máy tính Dell chi 67 tỷ USD để mua lại công ty lưu trữ EMC.
Một thương vụ “khủng” khác của năm 2015 không thể không nhắc tới là vụ hãng bia Anheuser-Busch InBev chi 108 tỷ USD để mua lại đối thủ SABMiller. Đây chính là vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay trong ngành bia toàn cầu.
Năm nay cũng chứng kiến vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử công nghệ, khi hãng máy tính Dell chi 67 tỷ USD để mua lại công ty lưu trữ EMC
Đã có 9 thương vụ trị giá ít nhất 50 tỷ USD và 58 thương vụ trị giá từ 10 ỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra thận trọng, cho rằng tốc độ hiện nay của hoạt động M&A toàn cầu sẽ không bên vững.
Chẳng hạn, một số thương vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, như vụ Pfizer thâu tóm Allergan, chủ nhiều nhằm một đích tránh thuế. Một khi Quốc hội Mỹ đưa ra những dự luật mới để chống trốn thuế, thì những thương vụ như thế sẽ sớm giảm xuống.
Sau mấy năm liên tiếp chứng kiến hoạt động sáp nhập sôi động của ngành rượu bia, dư địa cho những thương vụ lớn như AB InBev-SAB Miller không còn nhiều. Dự báo tương tự cũng được đưa ra với lĩnh vực chất bán dẫn, vốn là động lực chính cho M&A trong ngành công nghệ.
Ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng tất cả các thương vụ được công bố sẽ thành công. Cổ phiếu của nhiều công ty là mục tiêu mua lại đang giao dịch ở mức thấp hơn rất nhiều so với giá thương vụ, dẫn tới khả năng các cơ quan chức năng sẽ không nhất trí cho thương vụ được diễn ra.
Nhưng dù sao, sự bùng nổ của hoạt động M&A năm 2015 cũng là cơ hội kiếm tiền cho các ngân hàng đầu tư. Theo Dealogic, các ngân hàng đầu tư đã kiếm được 21 tỷ USD phí tư vấn M&A trong năm nay.
Kiếm đậm nhất từ M&A trong năm nay phải kể tới Goldman Sachs với tổng giá trị các thương vụ được ngân hàng này tư vấn là 1.600 tỷ USD; JPMorgan Chase với 1.500 tỷ USD; và Mortan Stanley với 1.400 tỷ USD.
(Theo neconomy.vn)