Tin tức sự kiện

7 hành động khiến nhà tuyển dụng “hết muốn” gặp lại bạn

18/12/2015

Sau nhiều cố gắng, bạn đã được gọi tới cuộc phỏng vấn cho công việc mong muốn. Nhưng sau đó, nhà tuyển dụng đã không bao giờ gọi lại cho bạn lần nữa. Điều gì đã xảy ra?
Rất có thể nhà tuyển dụng nhận thấy bạn không phù hợp với công việc mà họ đang tuyển, hoặc công ty không đáp ứng được mức lương mong muốn của bạn. Nhưng cũng rất có khả năng bạn đã mắc phải một vài lỗi ngớ ngẩn và hoàn toàn có thể tránh được trong cuộc phỏng vấn. 
Theo các chuyên gia về nghề nghiệp, ngay cả các ứng viên cho những vị trí cao nhất cũng có thể mắc lỗi, chứ chưa nói gì tới ứng viên cho các cấp bậc trung bình và thấp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và việc làm không hề dễ kiếm như hiện nay, bạn cần hết sức tránh những lỗi dưới đây khi đi phỏng vấn để không bị tuột mất cơ hội tìm được công việc mong muốn: 

1. Bạn để điện thoại di động ở chế độ bật
Khi bạn đang trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng, tiếng chuông điện thoại di động của bạn vang lên, khiến cuộc đối thoại bị gián đoạn. Thử đoán xem cơ hội của bạn sẽ như thế nào?
Một nhà tuyển dụng ở Manhattan, New York, Mỹ, cho biết, bà thường gặp tình huống như vậy, nhưng lần nào cũng cảm thấy ngạc nhiên. “Các ứng viên thường nói: ‘Ồ, tôi xin lỗi’, và bắt đầu tắt điện thoại của họ. Nhưng tại sao họ không nghĩ tới việc đó trước khi họ bước vào phòng phỏng vấn. Đối với tôi, điều đó cho thấy sự thiếu chuẩn bị, và cũng là thiếu chín chắn”, nhà tuyển dụng này nói.
Và nếu bạn thực sự nhận cuộc gọi đó hoặc gửi tin nhắn trong cuộc phỏng vấn như một số người vẫn làm, thì đừng bao giờ băn khoăn tại sao bạn không được nhà tuyển dụng gọi thêm lần nữa.
2. Bạn quá tập trung vào bản thân
Nếu bạn lạm dụng từ “tôi” trong cuộc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng có thể hình dung ra một con người tự cao tự đại đang đứng trước mặt họ. “Nhiều ứng viên nói liên tục để ‘quảng cáo’ bản thân mà đưa ra ít hoặc thậm chí không đưa ra được thông tin nào liên quan tới công việc đang cần tuyển”, bà Dana Manciagli, một chuyên gia nghề nghiệp ở Seattle, nói. “Cho dù có thể là do họ lo lắng, hoặc thiếu nhận thức về bản thân, hoặc ngây ngô, thì cách ứng xử như vậy cũng sẽ làm hạn chế cơ hội được tuyển dụng của họ”.
Nếu bạn không thể trình bày rõ ràng việc bạn có thể giúp công ty thành công hay giải quyết vấn đề ra sao, thì có lẽ bạn không phải là ứng cử viên hàng đầu. “Điều tối quan trọng là bạn biết các kỹ năng và kiến thức cụ thể mà nhà tuyển dụng cần. Đây là điều cơ bản mà bạn phải chuẩn bị từ trước, nhưng nhiều người không làm.
Trong cuộc phỏng vấn, bạn cần trình bày súc tích: ‘Theo như tôi hiểu về công việc, ông/bà đang cần những kỹ năng như thế này’. Tiếp đó, hãy nói cụ thể về những kỹ năng mà bạn có thể đáp ứng”, bà Manciagli đưa ra lời khuyên.
3. Bạn thể hiện mình đang tuyệt vọng
Một số người bị thất nghiệp đã lâu và cần công việc đến nỗi họ có thể nói bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, sự hăng hái hay lo lắng thái quá trong cuộc phỏng vấn đều đem tới “điểm trừ”. “Họ nói câu ‘Chắc chắn tôi có thể làm việc đó’ trước bất kỳ một vấn đề gì được nêu ra trong cuộc phỏng vấn”, chiến lược gia nghề nghiệp Michele Woodward ở Arlington, Virginia, Mỹ nhận xét về những ứng viên như vậy. “Sự thật là họ đang nghĩ nhiều hơn tới việc có tiền để trang trải cuộc sống của bản thân thay vì giải quyết những vấn đề mà công ty đang đối mặt”.
Nhiều ứng viên cũng có xu hướng nói rông dài khi họ lo lắng. Tốt hơn cả là bạn nên đưa ra những câu trả lời ngắn gọn, chính xác cho những câu hỏi thường gặp mà bạn đã chuẩn bị từ trước. Sau khi đã trả lời, hãy mỉm cười, thực hiện giao tiếp bằng ánh mắt (eye contact) và im lặng chờ câu hỏi tiếp theo.
 

4. Bạn không thể trả lời những câu hỏi cơ bản về năng lực của bản thân
Một trong những câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất là: “Thế mạnh của anh/chị là gì?” Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cho biết có quá nhiều ứng viên không thể trả lời chuẩn xác câu hỏi này.
“Ngay cả các ứng viên cho các vị trí cấp cao cũng thường liệt kê một loạt công việc mà họ đã làm trước đó, hoặc nói những câu đại loại như: ‘Tôi là một người tham công tiếc việc và muốn hoàn thành mọi công việc’. Trả lời như thế là chưa đủ”, chuyên gia Manciagli nói.
“Các công ty đều muốn biết liệu bạn có thực sự phù hợp với công việc mà họ cần tuyển. Họ muốn biết cụ thể các chi tiết, các kỹ năng, thành tích mà bạn đã đạt được. Bạn có thể nói: ‘Tôi đã vượt mục tiêu doanh số hàng quý’ hoặc ‘Bộ phận của tôi cứ mỗi tháng lại có thêm 5 khách hàng mới’ hoặc ‘Chúng tôi đã tạo ra ba chương trình quảng cáo mới, giúp thúc đẩy doanh thu tăng thêm x %’”, bà Manciagli khuyến nghị.
Và khi bạn được hỏi: “Yếu điểm lớn nhất của bạn là gì?”, thì đó chính là một cơ hội để bạn biến tiêu cực thành tích cực. Hãy tập dượt từ trước. Bạn có thể nói: “Trước đây, tôi có xu hướng ôm đồm quá nhiều công việc, nhưng bằng cách san sẻ nhiệm vụ với đồng nghiệp, giờ tôi đã có thể hoàn thành khối lượng công việc nhiều gấp đôi”.
5. Bạn đến muộn
Một nhà tuyển dụng cho biết, ông đã nghe đủ lý do mà các ứng viên đưa ra để bao biện cho việc mình đến muộn: “Tôi gặp tắc đường”, “Tôi không tìm được tòa nhà”, “Nơi này rộng quá nên tôi bị lạc”… Cho dù lý do mà bạn đưa ra là gì, thì gốc rễ của vấn đề vẫn là bạn không chuẩn bị đủ thời gian. Vì vậy, hãy lường trước những tình huống có thể xảy ra để xác định thời điểm hợp lý để lên đường tới nơi phỏng vấn, tránh bị muộn.
6. Bạn biết ít hoặc không biết gì về văn hóa của công ty
Hãy tìm hiểu từ trước, có thể trên mạng Internet hoặc thông qua bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là hỏi các chuyên gia về nghề nghiệp. Liệu đây có phải là một công ty bảo thủ hay không? Nhân viên của công ty có được ăn mặc tùy ý khi đi làm? Hãy tìm hiểu tất cả những gì có thể, và xuất hiện với trang phục phù hợp với văn hóa của công ty đó khi bạn tới phỏng vấn.
“Tôi có thể biết ngay một ứng viên đã có sự tìm hiểu căn bản về văn hóa công ty hay chưa, dựa trên cách ăn mặc của anh/cô ấy”, một nhà tuyển dụng nói. Nếu bạn cảm thấy có điều gì nghi ngờ, tốt hơn hết hãy ăn mặc lịch sự, trang trọng.
7. Bạn nói xấu công ty cũ
Thái độ tiêu cực chẳng hấp dẫn được ai, mà thế giới này lại thật nhỏ bé. Vì thế, hãy thận trọng với những gì bạn nói về công ty cũ, nhất là khi bạn không còn cảnh giác. Cho dù lý do bạn nghỉ công việc cũ là gì, hay trải nghiệm của bạn ở đó ra sao, thì vẫn có những cách khôn ngoan để giải thích một tình huống không hay, cho dù môi trường làm việc, sếp, mức lương hay công ty cũ khiến bạn “phát ốm”.
Bạn có thể nói rằng, bạn quan tâm tới những nhiệm vụ mới, thách thức mới, muốn được trao thêm thẩm quyền, hay muốn thay đổi nơi làm việc để đỡ phải di chuyển nhiều, hoặc đơn giản chỉ vì công việc đang cần tuyển hấp dẫn đến nỗi bạn không thể không thử vận may.

Theo Infonet.vn

TIN LIÊN QUAN