Trong 10 năm qua, nền kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả trên nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Có nhiều chủ trương, giải pháp cho việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số được đề xuất. Nắm bắt xu hướng và triển vọng của ngành Kinh tế số, sáng ngày 25/5, Khoa Kinh tế đã tổ chức chương trình FOE Career Talk với chủ đề “Kinh tế số và triển vọng nghề nghiệp”.
Chương trình FOE Career Talk mang đến nhiều thông tin bổ ích về kinh tế số cho sinh viên
Diễn giả của chương trình gồm ThS. Ngô Phương Chí - Chủ tịch Công ty Cổ phần DGV Digital; ông Wilson Lieu - Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Việt Nam (VDCC), Trưởng ban cố vấn AI BNI Việt Nam, Chủ tịch - Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam; TS. Nguyễn Trần Thái Hà - Giảng viên ngành Kinh tế số UEF.
Về phía UEF có sự tham dự của TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Kinh tế cùng thành viên Ban Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và các giảng viên.
Đại diện UEF trao thư cảm ơn đến diễn giả
Phát biểu tại chương trình, TS. Ngô Minh Hải đã nhấn mạnh bối cảnh của nền kinh tế trong sự phát triển của công nghệ số, điều này đặt ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp, đòi hỏi các tổ chức không chỉ cần thích ứng tốt mà còn phải tạo động lực để phát triển.
TS. Ngô Minh Hải phát biểu mở đầu chương trình
Với chủ đề “Kinh tế số và triển vọng nghề nghiệp”, các diễn giả đã mang đến góc nhìn trực quan cho sinh viên. ThS. Ngô Phương Chí giúp các bạn hiểu hơn về các khái niệm: kinh tế số, nền tảng số, số hóa và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, diễn giả còn phân tích mô hình kinh doanh kết hợp giữa truyền thống và số hóa. Có thể nói kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn các lý thuyết truyền thống về kinh tế, mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp, song, yêu cầu về nguồn nhân lực là tác động tích cực đối với ngành Kinh tế số.
Bức tranh về nền kinh tế số và ứng dụng AI tại các doanh nghiệp được hai diễn giả chia sẻ
Trong quá trình chuyển đổi số, vấn đề ứng dụng AI là điều có thể dễ dàng nhận thấy. Diễn giả Wilson Lieu đã phân tích cặn kẽ về kết quả của các doanh nghiệp khi ứng dụng AI để tăng năng suất.
Tại phiên thảo luận chung về triển vọng nghề nghiệp của ngành Kinh tế số, các diễn giả đã chỉ ra các lĩnh vực tiềm năng như Phân tích dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và Fintech, Thương mại điện tử. Những kỹ năng cần thiết cho các ngành nghề trong kinh tế số cũng được đề cập cho sinh viên: kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu, kỹ năng lập trình và phát triển phần mềm, kỹ năng tư duy chiến lược và giải quyết vấn đề.
Sinh viên được trang bị kiến thức và giải đáp thắc mắc về triển vọng nghề nghiệp của ngành Kinh tế số
Trong khuôn khổ chương trình, Khoa Kinh tế cũng đã trao chứng nhận cho các nhóm sinh viên đạt thành tích cao tại cuộc thi Young Economist. Đây là sân chơi dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, giúp các bạn rèn luyện kỹ năng nghiên cứu bao gồm tìm kiếm, thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp dữ liệu thông tin và phát huy năng lực tư duy sáng tạo.
Trao chứng nhận cho các nhóm sinh viên đạt thành tích cao tại cuộc thi Young Economist
Từ những chia sẻ thực tiễn của các diễn giả, sinh viên đã được trang bị kiến thức và giải đáp các thắc mắc về ngành Kinh tế số, cũng như có cái nhìn tổng quan hơn về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
TT.TT-TT