NCSEIF - Thời gian qua, ở Việt Nam những hành vi chuyển giá để trốn thuế diễn ra khá phức tạp và là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng.Hoạt động này được nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư ưa dùng để giảm nghĩa vụ nộp thuế, gia tăng lợi ích cục bộ.Tuy nhiên, xét về lâu dài thì hoạt động chuyển giá không những tạo ra rủi to cho DN mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong cơ chế thị trường, ảnh hưởng đến chính sách quản lý và điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Chính vì vậy, chuyển giá là hoạt động cần phải ngăn chặn.
Chuyển giá không phải là khái niệm mới đối với nền kinh tế thị trường phát triển, khi các quan hệ kinh tế được thiết lập đa dạng, có sự liên kết, phối hợp giữa các chủ thể kinh doanh, khi mà việc xác định lợi ích kinh tế đã vượt ra ngoài phạm vi của một chủ thể riêng lẻ, được tính trong lợi ích chung của cả tập đoàn hay nhóm liên kết. Tuy nhiên, tùy theo cách tiếp cận mà khái niệm về chuyển giá được hiểu khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi đó có đối tượng tác động chính là giá cả, chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, lại có ý kiến cho rằng chuyển giá là hoạt động tối thiểu hóa nghĩa vụ đóng thuế trong kinh doanh thông qua việc vận dụng các điều khoản trong luật pháp nhằm tăng chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra vì lợi ích của một nhóm liên kết kinh tế.
Như vậy, có nhiều khái niệm khác nhau về chuyển giá, song, tựu chung lại thì chuyển giá được hiểu là một hoạt động được sắp đặt trước bởi các chủ thể kinh doanh có mối quan hệ liên kết nhằm thay đổi mức giá trong quan hệ mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn, tài sản... có sự khác biệt so với giá thị trường. Mục tiêu của chuyển giá là nhằm tối đa hóa lợi nhuận của cả một nhóm có quan hệ liên kết kinh tế (tập đoàn, công ty đa quốc gia hay nhóm công ty có mối quan hệ liên kết) trên cơ sở giảm thiểu nghĩa vụ về thuế. Đối tượng tác động chính của hoạt động chuyển giá chính là giá cả.
Nguyên nhân của hoạt động chuyển giá
Thực tế cho thấy, chuyển giá là hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường, do nhiều nguyên nhân sau:
Một là, các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đầu tư vào kinh doanh vì mục đích lợi nhuận. Chủ thể thực hiện hành vi chuyển giá chủ yếu nhằm mục đích giảm hoặc tránh mức thuế phải nộp để mang lại lợi nhuận cao nhất. Trong khi việc kiểm soát hành vi chuyển giá lại không dễ dàng, do vậy, nhiều chủ thể kinh doanh đã lợi dụng điều đó để chuyển giá.
Chủ thể thực hiện hành vi chuyển giá còn nhằm tối đa hóa lợi ích của mình trong các quan hệ góp vốn, quan hệ kinh doanh… trên cơ sở làm giảm lợi ích của các chủ thể khác.
Hai là, trong điều kiện nền kinh tế thị trường các chủ thể kinh doanh có quyền tự định đoạt, quyền tự chủ trong kinh doanh. Do đó, việc thỏa thuận với nhau về giá cả hàng hóa, tài sản, dịch vụ là do các bên tham gia quan hệ hợp đồng thỏa thuận. Lợi dụng điều này mà hành vi chuyển giá trở nên phổ biến.
Ba là, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích kinh tế giữa các thành viên trong nhóm liên kết (giữa các công ty trong cùng tập đoàn, giữa công ty mẹ với công ty con, giữa các thành viên liên doanh…). Khi thực hiện chuyển giá giữa các thành viên này sẽ không làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của cả nhóm, làm lợi ích kinh tế trong nhóm sẽ tăng. Thông qua hành vi chuyển giá mà nghĩa vụ thuế của các bên chuyển giá bị chuyển từ nơi điều tiết cao sang nơi điều tiết thấp hơn và ngược lại.
Bốn là, hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa đủ cơ sở pháp lý cho việc xác định các hành vi chuyển giá và chế tài áp dụng còn yếu và thiếu. Mặt khác, hệ thống pháp luật hiện hành còn có quá nhiều khe hở, chưa đồng bộ, từ đó tạo điều kiện cho hành vi chuyển giá dễ dàng được thực hiện.
Năm là, cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán còn nhiều bất cập, chưa đủ sức phát hiện để xử lý tất cả các hành vi chuyển giá.
Sáu là, vai trò quản lý của Nhà nước còn yếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ quản lý chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ của một số doanh nhân khi cùng góp vốn với đối tác cũng còn nhiều hạn chế, do vậy thường bị yếu thế trong kinh doanh, đối tác lợi dụng để chuyển giá.
Các hình thức chuyển giá ở Việt Nam
Trong thời gian gần đây, hoạt động chuyển giá ở Việt Nam đã diễn ra hết sức phức tạp với nhiều hình thức khác nhau, tinh vi và khó phát hiện hơn. Xuất hiện nhiều loại hình DN, không chỉ các DN có vốn đầu tư nước ngoài mà cả trong các DN trong nước, thậm chí cả DN nhà nước cũng tham gia vào hoạt động chuyển giá. Thông thường, hành vi chuyển giá được thực hiện qua các hình thức sau:
Chuyển giá thông qua tăng chi phí đầu vào: Hoạt động này thường được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) thực hiện thông qua các giao dịch với các công ty mẹ ở nước ngoài như mua thiết bị, máy móc, vật tư với giá cao hơn bình thường hoặc đẩy giá các tài sản sở hữu trí tuệ dưới dạng nhãn hiệu thương mại, nhượng quyền giấy phép sản xuất, phí bản quyền, chi trả lãi vay vốn trong quá trính sản xuất kinh doanh….
Chuyển giá thông qua hạ thấp giá bán sản phẩm: Hoạt động này thường được các DN FDI thực hiện thông qua các hợp đồng xuất khẩu cho công ty mẹ hoặc các đối tác liên kết của công ty mẹ ở nước ngoài.
Chuyển giá thông qua nâng khống giá trị tài sản hữu hình và tài sản vô hình trong quá trình góp vốn liên doanh, liên kết. Việc nâng khống giá trị tài sản làm tăng vốn góp không chỉ đem lại cho nhà đầu tư nước ngoài quyền kiểm soát và điều hành DN, từ đó biến DN liên doanh thành DN 100% vốn nước ngoài mà còn thu lợi ích thông qua khấu hao tài sản, phân chia lợi nhuận.
Chuyển giá thông qua cơ chế giá cung cấp dịch vụ: Hành vi này thường được các tập đoàn áp dụng thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ nội bộ của các đơn vị trong một tập đoàn. Do dịch vụ thường đa dạng và mang tính đặc thù nên rất khó định giá như dịch vụ kế toán, tài chính, tư vấn… nên các tập đoàn thường tính giá ở mức rất cao để chuyển lợi nhuận từ DN thành viên tại Việt Nam sang bên liên kết nước ngoài nhằm giảm nghĩa vụ thế thu nhập doanh nghiệp của DN thành viên tại Việt Nam, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Chuyển giá thông qua các hợp đồng độc quyền về nhập khẩu, phân phối hàng hóa hoặc qua các hợp đồng độc quyền bao tiêu sản phẩm ký với các DN nước ngoài, các DN trong nước đã tiếp tay cho các tập đoàn nước ngoài thực hiện chiến lược kinh doanh tổng thể, tối đa hóa lợi nhuận do lấy được các nguồn lực trong nước.
Trích nguồn:
Tác giả: Phương Ly (Tổng hợp)