Đồng hành với các bạn sinh viên trong sự kiện này có ông Nguyễn Huỳnh Đức Khoa - CEO VSMCHome, Trọng tài viên Tracent, Phó viện trưởng Viện khoa học pháp lý trọng tài (ARI); ông Harold Vo - Chairman/CTO VSMCHome.
Chương trình thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên
Về phía Khoa Kinh tế có ThS. Tăng Mỹ Hà - Phó Trưởng Khoa, Trưởng ngành Kinh tế số; ThS. Đỗ Thị Thu Hà - Phó Trưởng Khoa, Trưởng ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân - Phó Trưởng Khoa, Trưởng ngành Kinh doanh quốc tế; TS. Phạm Quốc Hải - Trưởng ngành Kinh tế quốc tế; ThS. Trần Hoàng Nam - Trưởng ngành Bất động sản.
Về phía khách mời có ông Vũ Trọng Khang - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại TP.HCM, Chủ tịch Viện khoa học pháp lý trọng tài (ARI); ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng Lab Khoa học vật liệu và sự sống Viện khoa học công nghệ ứng dụng; ông Dương Nguyên Hãn - Giám đốc Công ty TNHH Tiên Phong; ông Nguyễn Phước Quỳnh Vinh - Giám đốc Trung tâm CVC VSMCHome và bà Văn Thị Minh Hoa - Tổng thư ký Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA).
Đại diện Khoa Kinh tế trao thư cảm ơn đến các diễn giả
Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Huỳnh Đức Khoa đã cùng UEFers khám phá vai trò vô cùng quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt Netzero vào năm 2050.
Với những kiến thức chuyên sâu, diễn giả đã giải thích khái niệm của kinh tế số và kinh tế xanh, làm rõ tầm quan trọng của con chip bán dẫn - “bộ não” của tất cả các thiết bị điện tử hiện đại. Thông qua một “chuyến du hành” đặc biệt vào bên trong một con chip, ông giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về cấu trúc phức tạp và ứng dụng rộng rãi của chip trong đời sống 4.0. Được biết, mỗi người tiêu dùng bình quân sử dụng đến 120 con chip mỗi năm, từ điện thoại di động đến các thiết bị gia dụng, phương tiện di chuyển và nhiều sản phẩm công nghệ khác.
Ông Nguyễn Huỳnh Đức Khoa cùng UEFers khám phá vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huỳnh Đức Khoa cũng khẳng định tiềm năng nghề nghiệp vô cùng phong phú cho sinh viên khối ngành kinh tế trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử và các nhóm ngành công nghệ lõi khác. Đồng thời, các cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn cũng đang mở ra, không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn tạo ra một hệ sinh thái công nghệ bền vững cho Việt Nam trong tương lai.
Ông Harold Vo chia sẻ về tác động mạnh mẽ của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở TP.HCM và Việt Nam
Tiếp nối chương trình, ông Harold Vo đã mang đến một cái nhìn sâu sắc về nhu cầu cấp thiết trong việc phổ cập và đào tạo nguồn nhân lực cho khối ngành kinh tế bán dẫn tại Việt Nam. Ông chia sẻ về tác động mạnh mẽ của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đối với nền kinh tế TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời lý giải vì sao Việt Nam nên áp dụng mô hình FABLESS để tận dụng tối đa lợi thế về chi phí và nguồn nhân lực chất lượng cao. Diễn giả cũng nhấn mạnh những yếu tố cần chuẩn bị khi lựa chọn mô hình FABLESS, trong đó, việc phát triển sản phẩm PMIC (Power Management Integrated Circuits) và các thiết bị Analog Devices đóng vai trò then chốt.
UEFers tích cực tương tác, trao đổi thông tin cùng diễn giả
Nằm trong chuỗi hoạt động của FOE Mentoring, chương trình FOE Career Talk lần này đã giúp các UEFers có cơ hội tiếp cận những kiến thức quý báu về ngành bán dẫn, từ vai trò quan trọng của công nghiệp vi mạch trong nền kinh tế Việt Nam đến những tiềm năng rộng mở trong tương lai. Tin rằng, đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp các bạn sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động ở thời đại 4.0, sẵn sàng đón nhận những cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng trong ngành công nghệ cao.
TT.TT-TT