Hoạt động đào tạo và doanh nghiệp

Hội thảo Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững

08/10/2024
Sáng ngày 8 tháng 10 năm 2024, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị triển lãm Bình Dương đã diễn ra Hội thảo Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững do Báo Thanh Niên cùng UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức. Khoa Marketing UEF, TS. Phan Bảo Giang, Trưởng Khoa Marketing UEF, đại diện tham dự với vai trò báo cáo viên trong phần một với chủ đề Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Hành trình gia tăng giá trị thương hiệu, cùng nội dung báo cáo Khái quát tóm tắt xu hướng thực hành CSR (Coperate Social Responsibility) Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và sáng tạo trong công tác CSR.
 


Hội thảo Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững do Báo Thanh Niên cùng UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức



Toàn cảnh Hội thảo trang trọng tại Hội trường Trung tâm Hội nghị triển lãm Bình Dương 

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đã và đang trở thành một xu hướng quen thuộc, một hoạt động vừa mang ý nghĩa cộng đồng, mang lại lợi ích đa chiều đối với các doanh nghiệp và xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là một mô hình kinh doanh mà các công ty áp dụng để cải thiện xã hội và môi trường xung quanh hoạt động kinh doanh của họ, thay vì làm suy thoái hoặc gây tác động tiêu cực đến chúng. CSR thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững và tốt đẹp của cộng đồng nơi họ hoạt động.


Đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và các báo cáo viên nhận thư cảm ơn từ Ban tổ chức

CSR không chỉ giúp cải thiện hình ảnh công ty mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích khác như: Tăng cường lòng trung thành của khách hàng: Khách hàng thường có xu hướng ủng hộ những công ty có trách nhiệm xã hội cao. Thu hút và giữ chân nhân viên tài năng: Nhân viên thường muốn làm việc cho những công ty có giá trị phù hợp với họ. Giảm thiểu rủi ro pháp lý: Bằng cách tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội, công ty có thể tránh được những rủi ro pháp lý tiềm tàng.

Đặc biệt, hội thảo lần này còn đề cập và thảo luận vấn đề CSR đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. CSR trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc tạo ra cơ hội mới cho học sinh, sinh viên mà còn là câu chuyện của tương lai, của những giá trị và kỹ năng bền vững... Hi vọng, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư từ góc độ đơn vị quản lý nhà nước; kiến giải của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện cộng đồng các các doanh nghiệp... Những ý kiến tâm huyết của các quý vị là vốn quý để lãnh đạo các địa phương cũng như các doanh nghiệp có thêm những góc nhìn mới, giải pháp hiệu quả nhăm tăng cường trách nhiệm xã hội của mình, thúc đẩy phát triển bền vững.

Với vai trò báo cáo viên đầu tiên TS. Phan Bảo Giang, Trưởng Khoa Marketing đã trình bày sự sáng tạo trong CSR không chỉ dừng lại ở việc đóng góp tài chính hay thực hiện các hoạt động từ thiện, mà còn bao gồm việc phát triển các chiến lược bền vững và sáng tạo nhằm tạo ra giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và cộng đồng, trong đó các hoạt động như: Phát triển bền vững bao gồm việc cải tiến quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, hoặc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hợp tác đa bên giữa các doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, chính phủ, và cộng đồng địa phương để thực hiện các dự án CSR. Ví dụ, Teach For Viet Nam đã hợp tác với Bosch để xây dựng không gian STEM Lab tại một trường học, nơi Bosch cung cấp cơ sở vật chất và trường học cung cấp phòng học. Khuyến khích sự tham gia của nhân viên tham gia vào các hoạt động cộng đồng như một phần của chiến lược CSR của họ như HSBC Việt Nam đã thực hiện chương trình “nhân viên HSBC hoạt động vì cộng đồng”, cho phép nhân viên nghỉ hai ngày mỗi năm để tham gia tình nguyện. Và Tập trung vào giáo dục và đào tạo, đầu tư vào giáo dục và đào tạo như một phần của chiến lược CSR của họ.
 

TS. Phan Bảo Giang, Trưởng Khoa Marketing UEF nhấn mạnh tầm quan trọng của CSR đối với các doanh nghiệp cũng như việc phát triển các hoạt động CSR như thế nào sáng tạo, phù hợp với xu thế và cung cấp cho doanh nghiệp một hướng phát triển tăng lợi nhuận toàn diện cùng CSR đó là CSV

Đặc biệt, CSR trong giáo dục tập trung vào việc cải thiện chất lượng giáo dục và tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm yếu thế trong xã hội như: Xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục nhiều doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng trường học, thư viện, phòng thí nghiệm để cải thiện điều kiện học tập cho học sinh. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng những cơ sở này được sử dụng hiệu quả sau khi hoàn thành. Chương trình hỗ trợ học sinh yếu thế, các chương trình hỗ trợ dành cho trẻ em đường phố hoặc trẻ em có khó khăn về vận động và suy nghĩ cũng là một phần quan trọng của CSR trong giáo dục. Đào tạo giáo viên và phát triển chương trình giảng dạy để đảm bảo tính bền vững của các dự án giáo dục, cần phải đào tạo giáo viên và phát triển chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của cộng đồng địa phương. Và Thay đổi tư duy phát triển kỹ năng mềm, ngoài kiến thức hàn lâm, nhiều chương trình CSR còn tập trung vào việc thay đổi tư duy và phát triển kỹ năng mềm cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm thực tế.
 

Ông Trần Tuấn Anh, đồng sáng lập và CEO của Solano Energy, trình bày những trải nghiệm và góc nhìn về hoạt động CSR hướng tới phát triển bền vững thông qua phát triển hệ thống năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp tại Việt Nam


TS. Lý Duy Khiêm, Giám đốc Trung tâm điều hành thông minh phụ trách Môi trường của Tổng công ty Becamex IDC, trình bày những kinh nghiệm trong thực hành CSR hướng tới phát triển bền vững tại Bình Dương, cũng như chia sẽ những dự án mà Becamex đã thực hiện và đang thực hiện trong kế hoạch CSR của doanh nghiệp

Tại Hội thảo còn các nội dung thảo luận khác như CSR trong Giáo dục - Tác động tích cực và lâu dài đối với phát triển bền vững như TS. Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM chia sẻ góc độ trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong việc đảm bảo phúc lợi lao động, an toàn lao động và các quyền lợi khác của người lao động tại các doanh nghiệp. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trưởng ban Trách nhiệm xã hội - Tập đoàn Giáo dục IGC chia sẻ câu chuyện cụ thể và sinh động liên quan đến hoạt động CSR mà Tập đoàn ICG kiên trì theo đuổi nhiều năm qua. TS. Nguyễn Thanh Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc Tế Miền Đông: đào tạo lồng ghép các khóa học trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong một số môn học kinh doanh, chương trình đào tạo và các chiến dịch truyền thông hướng tới cộng đồng. Và Ông Lê Thắng Lợi, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TPHCM, Quyền Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam - Bộ GD-ĐT, ý kiến về hoạt động CSR trong giáo dục từ góc độ cơ quan quản lý. Cũng như phiên thảo luận chung các chủ đề hết sức hấp dẫn, những chia sẻ thực tiễn, cung cấp cái nhìn toàn cảnh kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội CSR của các doanh nghiệp.

KHOA MARKETING UEF

 
TIN LIÊN QUAN