Sáng nay - 15/12, UEF vinh dự đón tiếp Tiến sĩ - Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao đến thăm và giao lưu, chia sẻ cùng học viên, sinh viên khối ngành luật của Nhà trường. Thông qua buổi gặp gỡ, UEFers đã được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn về nghề nghiệp cũng như trau dồi những phẩm chất cần thiết trong lĩnh vực đặc thù này.
Sáng nay, UEF vinh dự đón tiếp Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao đến thăm và giao lưu
Đến thăm UEF còn có Thẩm phán trung cấp Phạm Ngọc Duy - Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân TP.HCM; Thẩm phán trung cấp Đỗ Quốc Đạt - Chánh Tòa án kinh tế; Thẩm phán trung cấp Đào Quốc Thịnh - Phó Chánh tòa án kinh tế; ThS. Lê Thành Duyên - Phó Tổng Giám đốc Audi Việt Nam, Giảng viên doanh nhân UEF.
Tiếp đón Đoàn thẩm phán, về phía UEF có TS. Kiều Xuân Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường; ông Đỗ Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực; TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng; TS. Hồ Viễn Phương - Phó Hiệu trưởng; ThS. Huỳnh Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp; ThS. Bùi Quang Đông - Trưởng phòng Công tác sinh viên; ThS. Mạch Trần Huy - Phó Chánh Văn phòng trường cùng Ban lãnh đạo Khoa Luật.
Tiến sĩ - Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ chia sẻ nhiều bài học thực tiễn cho học viên, sinh viên Luật
Phát biểu mở đầu chương trình giao lưu, ông Đỗ Quốc Anh đã giới thiệu sơ lược về trường cũng như các thành quả tích cực đã đạt được trong đào tạo. Ông chia sẻ: “UEF với phương châm đào tạo gắn kết thực tiễn nên rất vui mừng đón tiếp lãnh đạo cấp cao đến để chia sẻ cùng các bạn học viên, sinh viên khối ngành luật. Khoa Luật là một trong những khoa có sự tăng trưởng mạnh mẽ của Nhà trường. Các bạn sinh viên cũng được tổ chức nhiều hoạt động để học tập từ thực tiễn. Với cơ hội quý báu này, các bạn hãy cố gắng tiếp thu những kinh nghiệm từ Thẩm phán để làm giàu hành trang nghề nghiệp sau này”.
Ông Đỗ Quốc Anh phát biểu mở đầu chương trình "Giao lưu với người làm công tác thực tiễn pháp luật"
Trong phần giao lưu cùng học viên, sinh viên UEF, Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ đã tóm tắt hành trình nghề nghiệp của bản thân, cũng như vai trò, vị trí của Tòa án trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ông cho biết thêm, việc xây dựng Tòa án điện tử là điểm mới trong chiến lược cải cách tư pháp. Một trong những bước đệm đầu tiên là việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Một số lợi ích của việc xây dựng tòa án điện tử như: giúp tăng năng suất lao động của Tòa án; tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí của người dân; công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án;...
Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ giải đáp các thắc mắc về các khía cạnh của lĩnh vực Luật cho UEFers
Trao đổi về những phẩm chất cần có của người làm Thẩm phán nói riêng và người làm trong lĩnh vực luật pháp nói chung, Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cần phải được đặt lên trên hết. Bên cạnh đó, một số tố chất khác như tính nghiêm túc, ngay thẳng trong công việc; tính độc lập; tính vô tư, khách quan; những quy tắc ứng xử ở cơ quan, gia đình và xã hội cũng cần phải có chuẩn mực. “Những người làm luật nói chung đều phải giữ tư cách đạo đức. Điều này rất quan trọng. Môi trường học tập sẽ trang bị cho các bạn về kiến thức nhưng mỗi sinh viên cũng cần không ngừng rèn luyện đạo đức, lễ nghi” - Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ nhắn nhủ.
Chia sẻ về áp lực lớn nhất khi hành nghề Thẩm phán, diễn giả cho biết đó là phải làm sao cho đúng. Bản án là "vũ khí" của người Thẩm phán để tự bảo vệ mình.
Sinh viên đặt ra nhiều câu hỏi, băn khoăn về nghề nghiệp và được khách mời giải đáp tận tình
Được trực tiếp giao lưu và lắng nghe những chia sẻ từ người có chức vụ cấp cao trong bộ máy pháp luật là cơ hội quý báu để các học viên, sinh viên ngành Luật nói riêng và sinh viên UEF có quan tâm đến lĩnh vực này nói chung được mở rộng kiến thức thực tiễn. Những kinh nghiệm từ Tiến sĩ, Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ sẽ là bài học sâu sắc theo chân các UEFers trong hành trình nghề nghiệp sau này.
Quy Nguyễn
Ảnh: Thái Sơn