Talkshow có sự chia sẻ của 2 luật sư: Luật sư Hà Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật sư Võ Đan Mạch - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tapha, Bí thư Đoàn Thanh niên Luật sư TPHCM.
Talkshow "Chuyện nghề luật" là chương trình chào mừng Ngày Luật sư Việt Nam 10/10
Về phía khách mời có sự tham dự của Luật sư Nguyễn Thanh Đạm - Trưởng VPLS Việt Á Châu, Luật sư Kiều Anh Vũ - Giám đốc Công ty Luật TNHH KAV Lawyers, Luật sư Nguyễn Văn Cường - Giám đốc công ty luật Cường và cộng sự, Luật sư Trương Thu Minh - Giám đốc pháp lý Thủ Thiêm Real. Đại diện Khoa Luật và các đơn vị có ThS. Vũ Anh Sao - Phó Trưởng khoa Luật, ThS. Nguyễn Nam Trung - Trợ lý Trưởng khoa Luật, ThS. Nguyễn Huỳnh Sinh - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên.
Xoay quanh những câu chuyện về nghề luật, tại chương trình, các luật sư đã chia sẻ về con đường trở thành luật sư, các công việc của luật sư, các lưu ý để trở thành một “luật sư giỏi”, những khó khăn, trở ngại đối với nghề luật sư.
Với con đường trở thành luật sư, theo chia sẻ của các diễn giả, tùy vào tiến độ của mỗi người, nhưng trung bình một người muốn trở thành Luật sư phải mất ít nhất là hơn 6 năm. Đó là một quá trình học tập, làm việc và rèn luyện miệt mài. Hoàn thành chương trình học và có bằng cử nhân Luật, tức là các bạn đã hoàn thành được bước đi đầu tiên - một trong những tiêu chuẩn để trở thành Luật sư. Sau khi hoàn thành bước này, con đường trở thành một Luật sư bắt buộc phải trải qua các giai đoạn tiếp theo gồm: Có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư, Phải trải qua tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề Luật sư, Tham gia kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư, thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư, Gia nhập Đoàn luật sư.
Bàn về một Luật sư giỏi, các khách mời nhấn mạnh không có một khái niệm rõ ràng chung nhất, hay tiêu chí cụ thể xác định như thế nào là một “Luật sư giỏi”, nhưng thuật ngữ này giúp các bạn sinh viên dễ hình dung. Giỏi ở đây là về năng lực chuyên môn, uy tín, cùng với đó là cái tâm với nghề. Điều này là vô cùng cần thiết với những người xác định sẽ gắn bó lâu dài, “sống được” và “thành công” với nghề Luật sư.
Các Luật sư đã mang lại những chia sẻ bổ ích cho sinh viên về nghề Luật sư
Các yếu tố có thể quyết định sự thành công của một Luật sư là: Đạo đức nghề nghiệp; phải có nền tảng kiến thức tương đối tốt trong lĩnh vực mình cung cấp, thực hiện cho khách hàng, tránh tình trạng cái gì cũng biết, cũng làm nhưng không chuyên sâu; có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề, một Luật sư mà không có kỹ năng thuyết phục, giải quyết vấn đề thì không thể bào chữa hay bảo vệ cho thân chủ của mình; có óc tư duy phân tích, logic: một sự việc điều có hai mặt của một vấn đề, vì vậy nếu một Luật sư không phân tích được nhiều mặt của vấn đề thì chỉ là kẻ phiến diện, không có óc tư duy logic thì sẽ "lộn xộn", không đầu, không đuôi, không trình tự,… Các công việc liên quan đến nghề luật cũng như những khó khăn, trở ngại của nghề luật cũng được các luật sư chia sẻ từ những câu chuyện thực tế thú vị.
Những chia sẻ tại chương trình góp phần định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho sinh viên
Xã hội càng phát triển thì luật pháp cũng cần thay đổi, bổ sung cho phù hợp và tầm quan trọng của luật pháp đã quyết định đến vai trò của người Luật sư trong xã hội, từ đó kéo theo nhu cầu về đội ngũ Luật sư vững chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ ngày càng tăng.
Những chia sẻ đầy tính chuyên môn và thực tiễn tại talkshow “Chuyện nghề luật” đã mang đến cho sinh viên nhiều góc nhìn bổ ích, là sơ cở để các bạn lựa chọn hướng đi phù hợp với ngành học của mình.
TT.TT-TT