Tiếp nối chương trình “Mỗi ngày trải nghiệm một nghề luật”, chiều 29/11 vừa qua, sinh viên Khoa Luật UEF đã có dịp đến tham quan và gặp gỡ đại diện của Công ty luật Nhật Bản Anderson Mori & Tomotsune.
Ở chuyến học tập thực tế này, UEFers có dịp gặp gỡ anh Trần Quang Huy - Luật sư thành viên đón đoàn. Anh đã giới thiệu tổng quan về văn phòng, đặc biệt nhấn mạnh đây là 1 trong 4 văn phòng luật lớn nhất của Nhật Bản, một trong những nền luật pháp lâu đời nhất; khách hàng của văn phòng trải khắp trên toàn thế giới, từ Anh, Thái Lan đến Thượng Hải, Singapore,... Đây không phải văn phòng Nhật đơn thuần mà còn pha trộn nhiều yếu tố khác mang tính quốc tế do lý do lịch sử.
Đồng hành với sinh viên Khoa Luật trong chuyến đi có ThS. Nguyễn Nam Trung – Trợ lý Trưởng khoa và ThS. Hồ Mỹ Hạnh – Giảng viên tập sự.
Phần chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các anh chị nhân viên công ty
Công ty sẽ mang đến những cơ hội thực tập cho sinh viên UEF tùy vào năng lực và kiến thức của từng bạn
Đại diện Khoa Luật UEF gửi thư và quà cảm ơn đến đại diện công ty
Phần chia sẻ của anh Quang Huy - cựu sinh viên Đại học Luật, trước khi đầu quân vào Anderson Mori & Tomotsune đã có 8 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí luật sư, không đánh mạnh về lý thuyết mà chủ yếu bàn luận về những kinh nghiệm thực tiễn của người trong ngành.
Câu hỏi thường thấy là "Học ngành luật ra trường làm gì? Công việc cụ thể của một luật sư là gì?"
Theo anh, làm luật sư thực tế không là “màu hồng” như chúng ta thường thấy trên phim ảnh, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một bài toán nan giải cho mỗi luật sư.
Đại diện văn phòng cũng đã đặt ra câu hỏi cho sinh viên UEF về những kỹ năng mềm cần có của một luật sư. Theo đó, công việc của luật sư không còn đơn thuần là tranh luận, biện hộ cho thân chủ mà đi cùng với sự phát triển của xã hội còn có các công tác soạn thảo hợp đồng, ký kết hợp đồng,...
Việc học luật là điều ai cũng có thể làm được nhưng để làm được công việc này, yếu tố quan trọng nhất là vận dụng luật linh hoạt, chuẩn xác vào các trường hợp cụ thể.
Kỹ năng tranh luận là yếu tố cực kỳ quan trọng mà anh Huy mong muốn sinh viên chú trọng khi còn ngồi trên ghế Nhà trường.
Việc trau dồi 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt sẽ là chiếc chìa khóa mở ra nhiều cơ hội cho người làm việc ở lĩnh vực này.
Nhiều thông tin giá trị được anh Huy chia sẻ
Trong quá trình trao đổi, một số câu hỏi được sinh viên quan tâm là: làm việc tại công ty luật của Nhật có cần tiếng Nhật không? Cơ hội làm việc tại các chi nhánh của văn phòng trong và ngoài nước? Đối tượng khách hàng thường thấy? Những câu hỏi có thể được đặt ra ở vòng tuyển dụng?,…
Theo chuyên gia, nếu sinh viên muốn ứng tuyển vào công ty Nhật, các bạn cần chú ý đến các chi tiết dù là nhỏ nhất từ hình ảnh, chính tả khi viết CV, cover letter, giờ giấc, trang phục, tác phong,...
Anh Huy bật mí, ở vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng chú trọng hỏi về các kiến thức nền căn bản đồng thời lắng nghe cách người trả lời phỏng vấn phân tích ở các tình huống cụ thể để đánh giá. Sự bình tĩnh, tự tin cũng giúp các bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Đến với cơ cấu hoạt động của mỗi công ty luật, chị Trang đã cung cấp lộ trình thăng tiến cụ thể từ trainee, associate, senior associate, council, cho đến partner. Tùy vào mô hình của từng quốc gia mà các vị trí có sự lược bớt ở một vài vị trí.
Hành trình khám phá "mỗi ngày một nghề luật" tiếp tục được nối dài
Ở phần gặp gỡ trực tuyến cùng với các nhân viên hiện đang làm việc tại văn phòng Tokyo của Nhật, UEFers đã được giải đáp cặn kẽ các vấn đề như: yêu cầu về khả năng tiếng Nhật khi muốn du học ngành luật ở Nhật, sự khác nhau cơ bản giữa luật Pháp Việt Nam và Nhật Bản, cách vượt qua áp lực, sốc văn hóa khi du học,...
Ở một khu vực khác của văn phòng, sinh viên UEF gặp gỡ các anh chị nhân viên và cùng làm rõ nhiều vấn đề mới xoay quanh việc có nên thực tập sớm hay chỉ nên tập trung học đến khi ra trường hoặc sau khi ra trường, sinh viên cần học thêm những kỹ năng, bằng cấp nào?.
Khép lại chuyến đi, bên cạnh sự ấn tượng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sinh viên Khoa Luật còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế, phục vụ cho việc thực tập và làm việc sau này.
Minh Hảo
Ảnh: Thái Sơn