Hoạt động sinh viên

Nguyễn Bùi Thanh Duy: Hành trình trưởng thành với ngành Công nghệ Truyền thông

21/08/2024
Chỉ còn vài giờ nữa thôi, mình sẽ chính thức cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, kết thúc hành trình bốn năm đầy ắp kỷ niệm tại UEF. Mình cảm tưởng bốn năm đại học trôi qua nhanh như một cơn gió, nhưng cũng cảm thấy nó chậm như chờ đèn xanh ở Mai Chí Thọ vậy. Nó đủ nhanh để mình giật mình nhận ra bản thân đã trưởng thành thêm nhiều, và cũng đủ chậm để mình cảm nhận được trọn vẹn sự trưởng thành ấy. Nhìn lại quãng đường đã qua, mình không khỏi bồi hồi và tự hỏi: "Bốn năm 'vật vã' trong ngành Công nghệ truyền thông, mình đã lớn như thế nào?".
Thanh Duy trong màu áo cử nhân UEF
Quay về những ngày đầu, dẫu đã biết rằng đại học và cấp ba là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, mình vẫn không khỏi choáng ngợp trước môi trường học tập mới này. Từ trang phục, phong thái của bạn bè xung quanh đến lớp học, văn hoá trường và kiến thức, mọi thứ đều rất “lạ”. Những điều lạ ấy mang lại cho mình khá nhiều suy nghĩ, đôi lúc là cả những lo lắng liệu mình có hoà nhập được không, nhưng cũng có khi khiến mình khá phấn khởi và hào hứng.

Về mặt học tập, năm nhất phải nói là năm mình cảm thấy "lú" nhất. Những kiến thức mới mẻ và khối lượng bài tập nhiều khiến mình cảm thấy áp lực. Đặc biệt nhất là những môn học sử dụng tiếng Anh, vốn là điểm yếu của mình, khiến mình gặp khó khăn trong việc giao tiếp và tiếp thu bài giảng.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, mình thầm cảm ơn bản thân đã không bỏ cuộc, mà thay vào đó là nỗ lực không ngừng để hòa nhập và khẳng định bản thân. Mình bắt đầu chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng bằng cách tham gia các lớp học tiếng Anh, luyện tập giao tiếp thường xuyên với bạn bè và thầy cô. Dần dần, mình trở nên tự tin hơn trong giao tiếp và thuyết trình.

Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ cũng rất đáng để cân nhắc. Chúng không chỉ giúp bản thân mình rèn luyện kỹ năng mềm mà còn là công cụ mở rộng mối quan hệ rất tốt. Là một người có niềm đam mê với âm nhạc từ nhỏ, mình đã bị thu hút bởi câu lạc bộ Sunburst ngay từ buổi giới thiệu câu lạc bộ của trường. Đó là một câu lạc bộ trẻ trung, hài hước với rất nhiều đàn anh, đàn chị tài năng.  Mình quyết định tham gia và quyết định đó đã mang lại cho mình khoảng thời gian thật đáng nhớ. Những buổi tập và buổi diễn cùng Sunburst không chỉ giúp mình thoát khỏi áp lực học tập, nạp năng lượng để tiếp tục chiến đấu với bài vở, mà còn mang đến cho mình nhiều mối quan hệ mới và mở ra nhiều cơ hội để thể hiện niềm đam mê âm nhạc của mình trong những năm học sau đó.

Thanh Duy và CLB Sunburst

Ngoài Sunburst, mình cũng tham gia một câu lạc bộ học thuật khác, đó là CLB Nội San: Dấu ấn UEF. Lúc đó, mình thuộc ban Biên tập - Radio. Nội San là nơi mình học được thêm rất nhiều kiến thức và trau dồi kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, những kỹ năng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các môn học sau này.

Tóm lại, mình khuyến khích các bạn sinh viên nên tham gia các câu lạc bộ, dù là về học thuật hay năng khiếu. Bởi vì chúng sẽ giúp bạn có thêm nhiều bạn bè, cải thiện các kỹ năng cần thiết cho học tập và công việc, và quan trọng là giúp xả stress.

Năm thứ hai đại học là năm khá đặc biệt, không chỉ với riêng mình mà còn đối với các bạn khóa K20. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tất cả hoạt động ở trường đều chuyển sang hình thức online. Phải nói khoảng thời gian này thật sự là cực hình. Việc tiếp thu bài giảng và tương tác với thầy cô, bạn bè trở nên khó khăn hơn rất nhiều mặc dù có lợi thế được học tại nhà, không phải dậy sớm để di chuyển. Tuy nhiên, việc học lúc 7h00 mỗi ngày cũng không vui vẻ gì.

Trộm vía việc phải học qua màn hình không ảnh hưởng gì nhiều đến kết quả học tập của mình, vì bản thân mình là một đứa tự học rất tốt. Để đảm bảo theo kịp bài giảng, mình thường thức dậy trước giờ học 1 tiếng để vừa có thời gian ăn sáng, vừa có thời gian đọc trước bài sẽ học. Nghe thì có vẻ vô lý khi mình "chê" việc học lúc 7h00, nhưng thật sự là việc dậy sớm hẳn như vậy giúp mình tỉnh táo hơn nhiều so với việc dậy sát giờ để vào học.

Bên cạnh đó, năm hai cũng là năm mình được tiếp cận nhiều hơn với các bài tập nhóm. Có lẽ các thầy cô giáo nhận thấy sự thiếu liên kết giữa các học sinh trong việc học online, nên hầu như môn nào cũng có từ 2 đến 3 bài tập nhóm. Ban đầu, mình gặp nhiều khó khăn khi phải làm việc cùng với những người bạn có cá tính và phong cách làm việc khác nhau. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc nhóm, mình đã học được cách dung hòa bản thân, cải thiện kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian dự án, và xử lý tình huống hiệu quả.

Giai đoạn học online này giúp mình nhận ra tầm quan trọng của làm việc nhóm, giúp mình rèn luyện khả năng liên kết với mọi người để cùng nhau hoàn thành một mục tiêu chung. Thầy cô đã rất tinh tế khi tạo điều kiện cho bọn mình rèn luyện kỹ năng này. Nó như một bước chuẩn bị vậy, vì khác với cấp ba, đa số các môn học quan trọng ở đại học đều áp dụng phương pháp làm việc nhóm. Một điều nữa là các thầy cô rất "hào phóng" điểm cộng trong lúc này lắm. Chỉ cần bạn phát biểu, có đóng góp vào bài học là điểm cộng tăng "ngút ngàn". Chính vì thế mà điểm trung bình năm hai của mình khá là "okela"!

Năm thứ ba là năm bản lề, giai đoạn này vừa hấp dẫn nhưng cũng đầy áp lực vì mình và các bạn phải dần xác định định hướng công việc trong tương lai. Muốn làm gì, thích làm gì và sẽ làm gì, năm thứ ba đại học là thời điểm mình cần phải giải đáp được những câu hỏi này nếu không muốn lạc vào cõi mông lung ở năm cuối. Các môn học chuyên ngành dần trở nên thú vị hơn, cho phép mình rèn luyện những kiến thức và kỹ năng thực tế như viết kịch bản, nghiệp vụ đạo diễn cơ bản, kỹ thuật quay dựng phim... nói chung là mình cần khẳng định năng lực đối với ngành học. Các môn học yêu cầu chúng mình thực hiện các dự án như quay phim, quay TVC cuối kỳ, và xây dựng một chương trình talkshow. Trong đó, mình phải kể đến project mà mình cảm thấy tâm đắc nhất. Không phải vì kết quả tốt mà vì nó quá bất ổn, và mình đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm từ những bất ổn đó.

Đó là project MV remake “Cuối tuần” thuộc bài thi cuối kỳ môn Kỹ thuật quay và dựng phim. Vì là project lớn và mình rất muốn cho ra một sản phẩm tốt, đây là lúc mà việc tìm và kết bạn trở nên có giá trị. Ngay khi nghe yêu cầu của project, mình đã xác định luôn các thành viên của nhóm. Những người bạn thân yêu dấu của mình là ai: Linh Đan, một bạn nữ nhỏ nhắn với tư duy content và hình ảnh thì cực giỏi, quá phù hợp cho vai trò đạo diễn của project này; Gia Bảo, "editor lỏ" đã có thâm niên trong nghề, toàn làm mấy project “khủng” như nước tăng lực Lipovitan, Grabfood,...; Minh Nguyệt, một cô bạn xinh xắn, đã có thời gian làm việc thực tế ở vị trí sản xuất tại một số công ty về mảng truyền thông, do đó Nguyệt là mảnh ghép phù hợp cho việc chỉ đạo sản xuất; và cuối cùng là mình. Mình thì không có profile khủng như các bạn cùng nhóm, nhưng mình biết một chút về mọi thứ và không ngại máy quay nên vị trí của mình trong project sẽ là hỗ trợ biên tập và diễn viên. Sau khi phân chia vai trò, mình cảm thấy tương đối tự tin là project này sẽ thật xịn mịn, nhưng không các bạn ạ, sóng gió ùa tới đỡ không kịp.
"Cuối tuần" - một dự án đầy sóng gió
 
Kể ra thì dài dòng, tóm tắt một số cái như là: đi scout địa điểm quay mấy vòng trung tâm thành phố mất nhiều ngày liền, thiếu diễn viên và hầu bao hạn chế nên phải nhờ người quen trợ lực, lên kịch bản quay rất chi tiết nhưng đến khi thực quay thì phải thay đổi on-set vì những yếu tố khách quan. Quay xong mới phát hiện quay sai trục, sai record, rồi phải ngồi hậu kỳ muốn "phát hỏa". Còn 7749 những sóng gió nữa, nhưng thật may mắn khi thành viên nhóm đều xịn cả, ai cũng tâm huyết và nhiệt tình hỗ trợ nhau nên cuối cùng sản phẩm đã ổn và được giảng viên khen.

Qua project này và nhiều project khác nữa trong năm ba, mình mới nhận ra rằng với ngành Công nghệ Truyền thông, lý thuyết và thực hành đúng là một trời một vực. Thực hành một lần tích lũy được bằng cả mười lần "gạo" lý thuyết. Nhờ có năm ba mà mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm nghề, biết cách "gọt" kịch bản, quay dựng "lên tay" hơn, nắm vững quy trình sản xuất một dự án Media và còn học được nhiều kiến thức mới nữa.

Năm cuối đại học - chặng cuối rồi, nhưng vẫn rất thử thách với nhiều bài tập, project, và đặc biệt là hai đối thủ nặng ký mang tên “đồ án” và “thực tập”. Thật ra thì mình trộm vía có một kỳ thực tập không quá thử thách, vì mình may mắn được nhận vào một agency truyền thông và được giao những công việc đúng với sở trường. Với vị trí Thực tập sinh Truyền thông, từ việc được thực chiến sản xuất nội dung trên social cho đến chạy sự kiện đã mang lại cho mình nhiều kiến thức làm nghề hơn và kéo dài thành tích trong portfolio nữa.
 
Countdown giao thừa tại thành phố Sa Đéc 2024, một trong những sự kiện mình tham gia khi thực tập
 
Tuy nhiên, đồ án chuyên ngành lại là một câu chuyện khác. Tiếp tục là một project sản xuất, và lần này đề bài cho chúng mình là video demo chương trình truyền hình thực tế. Vì tính chất quan trọng của dự án này, mình lại kết hợp với Gia Bảo, cùng với không ít đồng đội mới. Đây cũng chính là nỗi lo đầu tiên của mình khi cần phải tạo dựng liên kết với các bạn mới trong một project quan trọng. Tuy nhiên, nhờ việc được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm trong suốt các năm học trước, chúng mình đã "qua ải" dễ dàng.

Vấn đề mà mình nghĩ hầu hết các sinh viên khi bước đến năm cuối sẽ gặp phải là không có nhiều thời gian để tập trung toàn lực cho các môn học nữa vì phần lớn mọi người đều đã bắt đầu đi làm hoặc đi thực tập. Do đó, việc phân chia công việc và đảm bảo đúng tiến độ đề ra cũng là điều khó khăn nhất trong project này, nhất là khi mình lần đầu đảm nhận vai trò leader, biên kịch và sản xuất chính. Một số khó khăn khác xảy đến ở các giai đoạn khác nhau của project, như tìm chọn đề tài, câu chuyện đủ lôi cuốn, rồi tìm địa điểm thuận lợi để cả nhóm dễ dàng di chuyển. Đến nơi quay còn phải xin phép để được quay flycam, tìm kiếm đơn vị hỗ trợ quay tại địa phương, rồi chi phí và 7749 câu chuyện khác.
Team đồ án "Vạn nghề kỳ hoa"

Khó khăn có nhưng thuận lợi cũng không ít. Lần này, may mắn là mình biết đến một làng nghề dệt khăn rằn khá nổi tiếng tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, cũng chính là quê của mình. Các bạn trong nhóm nghe xong câu chuyện “giữ nghề truyền thống” cũng khá hưởng ứng, và thế là chúng mình chốt luôn đề tài, câu chuyện và địa điểm quay. Mình đã tận dụng mọi mối quan hệ có được để xin phép địa phương, cũng như xin được hỗ trợ quay, và trộm vía là chúng mình được hỗ trợ rất nhiệt tình từ đội ngũ tại địa phương. Nhờ đó, tiến độ sản xuất rất chuẩn, và rất may đến giai đoạn sản xuất thì tất cả các thành viên đều sắp xếp được lịch trình để toàn tâm vào project. Kết quả là chúng mình đã có một sản phẩm vượt kỳ vọng, mọi thứ đều nhận được đánh giá tích cực từ phía giảng viên phụ trách, từ cách quay, cách dựng, đến bố cục, câu chuyện và cả cái tên “Vạn nghề kỳ hoa” của project nữa.
 
Và thế là kết thúc 4 năm học tuy áp lực ập đến liên tục với những deadline dày đặc, nhưng mình lại cảm thấy vô cùng thích thú và tự hào khi được dốc sức hoàn thành những sản phẩm chất lượng. Mỗi dự án là một mảnh ghép quan trọng, góp phần hoàn thiện portfolio của bản thân, là minh chứng cho sự trưởng thành và nỗ lực không ngừng nghỉ của mình trong suốt hành trình đại học. Giờ đây, khi nhìn lại chặng đường 4 năm đại học, mình có thể tự tin nói rằng mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Cảm ơn UEF, các thầy cô khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông và bạn bè đã luôn đồng hành và hỗ trợ Thanh Duy. Mình đã sẵn sàng bước vào chặng đường mới, mang theo những kiến thức và kỹ năng đã tích lũy, tự tin chinh phục những thử thách phía trước.

Tạm biệt UEF, mái nhà thứ hai đã che chở và nuôi dưỡng mình trong suốt bốn năm qua. Mình sẽ luôn nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ nơi đây và những bài học quý giá mà mình đã được học hỏi. Chúc UEF sẽ ngày càng phát triển và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!
Thanh Duy
TIN LIÊN QUAN