Nghiên cứu khoa học của Giảng viên

Hội nghị CSLG 2024 khởi động với phân ban “Chuyển động của TP.HCM trong bối cảnh toàn cầu mới”

14/05/2024
Nằm trong khuôn khổ của Hội nghị khoa học quốc gia: Biến đổi xã hội, ngôn ngữ và quản trị toàn cầu - CSLG 2024, phân ban với chủ đề “Chuyển động của TP.HCM trong bối cảnh toàn cầu mới” đã diễn ra thành công tốt đẹp vào sáng 14/5. Hoạt động đánh dấu sự khởi đầu thuận lợi của hội nghị về lĩnh vực văn hóa, xã hội, ngôn ngữ khi lần đầu tiên được tổ chức tại UEF. 
 


Phân ban sáng nay diễn ra với 3 tham luận được trình bày
 
Chương trình có sự tham dự của TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng UEF và được chủ trì bởi PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, ThS. Nguyễn Thị Bích Vân - Phó trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông. 
Theo chia sẻ từ TS. Ngô Minh Hải, hội nghị có 73 bài viết đã được đăng kỷ yếu. Trong số đó, 6 bài viết được đăng trên Tạp chí Phát triển và Hội nhập UEF. Hội nghị sẽ có 6 phiên, trong đó có 2 phiên diễn ra bằng tiếng Anh. Căn cứ vào những thông tin này có thể thấy hội nghị đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với nhiều bài viết chất lượng, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. 
 

TS. Ngô Minh Hải chia sẻ về sự hưởng ứng của các tác giả với hội nghị lần này
 
Trong phiên mở đầu này có 3 tham luận được trình bày. Các tác giả đều là giảng viên của UEF. 
Tham luận đầu tiên là của ThS. Đoàn Ngọc Thanh Tâm - Giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông với đề tài “Ứng dụng AI-Powered Chatbot vào truyền thông nội bộ”. Bài nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của việc truyền thông nội bộ đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tổ chức. Tác giả đưa ra những thách thức trong việc truyền thông nội truyền thống như quá tải, mất kiểm soát thông tin; khả năng tiếp cận, cá nhân hóa thông điệp chưa cao; thiếu tương tác và không hấp dẫn nhân viên. Dựa vào đó, các doanh nghiệp đang chuyển dần sang việc tận dụng AI-powered chatbot để quản lý thông tin nội bộ, tối ưu hóa kênh truyền thông nội bộ và thúc đẩy tương tác nội bộ. Tuy nhiên, tác giả đặt ra lưu ý về trách nhiệm và đạo đức trong việc triển khai chatbot kèm với những khó khăn mới khác được đặt ra. 
Tiếp đó, bài viết “Các khía cạnh văn hóa ảnh hưởng hành vi sử dụng sản phẩm văn hóa" của ThS. Nguyễn Anh Khoa - Giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông đã giới thiệu đến hội nghị mô hình của Geert Hofstede về 6 khía cạnh văn hóa và phân tích ảnh hưởng của chúng tới hành vi tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Bài nghiên cứu cho thấy các sản phẩm văn hóa có thể được đón nhận dễ dàng khi chúng đề cao sự đồng cảm, sự hợp tác; truyền tải thông điệp về sự kiên trì, nhẫn nại và trì hoãn sự thỏa mãn tức thời hoặc tôn vinh sự tự kỷ luật, tiết kiệm và kiềm chế về mặt đạo đức.
 



Ba đề tài được các nhà nghiên cứu đón nhận vì tính mới và giá trị khoa học cao
 
Cuối cùng, thầy Maxime Vigier - Giảng viên Viện Quốc tế đã mang đến tham luận “A Preliminary study on how computational linguistics could extract cultural traits and leadership styles from world”. Công trình đưa ra đề xuất phân tích các đặc điểm văn hóa bằng ngôn ngữ học tính toán. Bởi theo tác giả để đánh giá các nền văn hóa trên khắp thế giới, người ta thường sử dụng rộng rãi là phương pháp đánh giá “đặc điểm văn hóa” thông qua bảng câu hỏi tự đánh giá. Tuy nhiên, kết quả của phương pháp này còn nhiều sự chênh lệch. Vì vậy, tác giả đã xem xét kỹ lưỡng thông qua bốn đặc điểm văn hóa của Hofstede, đó là chủ nghĩa cá nhân, khoảng cách quyền lực, định hướng lâu dài và sự đam mê.
 




Các thầy cô tích cực trao đổi sau mỗi tham luận
 
Với ba tham luận, phân ban đã đưa ra nhiều góc nhìn thiết thực gắn với lĩnh vực văn hóa, xã hội. Các thành viên tham gia hội nghị cũng tích cực đưa ra những trao đổi dưới góc độ cá nhân cũng như đặt câu hỏi để phát triển đề tài. Được biết, hội nghị chính thức sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới đây, 5 phân ban còn lại gồm có: Pháp luật trong thế giới biến đổi; Nghiên cứu và dạy học tiếng Anh trong thời đại kỹ thuật số; Xu hướng biến đổi trong xã hội, ngôn ngữ và quan hệ quốc tế ở Nhật Bản; Xu hướng biến đổi xã hội, ngôn ngữ và quan hệ quốc tế ở các nước Hàn, Trung; Law in a Changing World. 
 
TT.TT-TT
 
TIN LIÊN QUAN