Tin tức sự kiện

UEFers khám phá nghệ thuật “kể chuyện đời qua ảnh” cùng nhiếp ảnh gia giàu kinh nghiệm

27/06/2024
Những hình ảnh mộc mạc, chân chất trong cuộc sống thường nhật đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, cuốn hút tôi theo đuổi, săn tìm những khoảnh khắc bất chợt, rất đời, theo cái chất riêng”. Đây là lời bộc bạch của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong tại buổi workshop tại Nhà UEF.
Nằm trong chuỗi hoạt động đưa thực tiễn vào môn học, vào chiều ngày 25/6, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông (PRC) đã tổ chức buổi workshop “Ảnh và cuộc sống”. Tại đây, các bạn sinh viên đã hiểu rõ hơn về “hồn ảnh” cũng như cách vận dụng, chụp ảnh chất lượng và đúng mục đích qua những chia sẻ thú vị từ nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong.
 
Workshop giúp sinh viên học hỏi và mở rộng kiến thức về nghệ thuật nhiếp ảnh

Tham dự chương trình có ThS. Nguyễn Phát Tài, ThS. Marlon Fernandez - Giảng viên Khoa cùng đông đảo các bạn sinh viên PRC.
 
Đại diện Khoa gửi thư cảm ơn đến diễn giả

Được biết, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã trải qua chặng đường hơn 33 năm trong sự nghiệp, ông đã cho ra đời nhiều sách ảnh gần gũi với cuộc sống như: Bóng, Sài Gòn Covid-19, Cười, Hướng về miền Trung, Nhịp sống Sài Gòn, Chân dung, Mưu sinh, 45 ngày tại Thụy Sĩ, Ánh sáng cuộc sống, Vượt qua bóng tối, Đọc báo, Gánh, Nghệ sĩ đường phố, Những nẻo đường tuổi thơ, Bão Chanchu
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã có hơn 200 giải thưởng về ảnh nghệ thuật, báo chí trong và ngoài nước, 15 lần giải thưởng ảnh báo chí thành phố và quốc gia, 12 lần giải thưởng xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, vinh dự nhận giải thưởng Grand-Prix (Japan), 3 lần nhận huy chương vàng Trierenberg Super Circuit (Áo), 5 lần nhận huy chương Asahi Shimbun (Japan).
Với bề dày kinh nghiệm ấy, diễn giả Trần Thế Phong cho biết, khi chụp ảnh điều quan trọng nhất là truyền tải được nội dung mà mình muốn gửi đến người xem. Vì vậy, đan xen với những bức ảnh trưng bày cho sinh viên thấy là những câu chuyện cảm động, nhân văn và ý nghĩa được tái hiện lại từ chính tác giả.
 
Mỗi bức ảnh đều ẩn chứa đựng một câu chuyện mà khi nhắc lại, tác giả nhớ như in từng khoảnh khắc

Diễn giả chia sẻ: “Đến với nhiếp ảnh, trước tiên bạn cần có đam mê, còn phương tiện bây giờ thì dễ dàng, đôi khi chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể làm được. Đam mê kết hợp với những trải nghiệm, sự đầu tư dài và góc nhìn của bản thân sẽ tạo ra được tác phẩm có dấu ấn riêng biệt. Bất cứ nghề gì cũng cần đam mê và sự kiên trì theo đuổi. Trong bức ảnh cần phải có sự đầu tư về ý tưởng, áp dụng các kỹ thuật phù hợp của nhiếp ảnh và nhất là ảnh phải có nội dung. Cứ chụp những gì mình thích, tay nghề sẽ được rèn luyện qua từng ngày”.
Qua lời chia sẻ của diễn giả, sinh viên UEF cũng hình dung được những khó khăn, vất vả của một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Qua đó, mỗi bạn lại dành thêm niềm nhiều quý trọng cho những bức hình được chụp bởi “những bàn tay tài năng” này. Nhiều bạn bày tỏ ấn tượng sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt tới nội dung chia sẻ. 
Bên cạnh việc lắng nghe những câu chuyện thú vị, UEFers đã được xem những bộ ảnh đặc sắc do chính tác giả thực hiện. Trong đó, câu chuyện xoay quanh bộ ảnh "Sài Gòn Covid-19" của tác giả đã gây nhiều xúc động. 
 
Sinh viên chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi cho diễn giả

Hoạt động đã giúp sinh viên UEF có thêm nhiều góc nhìn chân thật, thực tế về công việc nhiếp ảnh. Hơn hết là hiểu rõ về dấu ấn phân biệt của các tác phẩm, thể loại ảnh khác nhau. Những câu chuyện mà diễn giả kể lại và hành trình để tạo nên các sản phẩm ấn tượng đã nung nấu thêm tình yêu đối với nhiếp ảnh của nhiều UEFers. Hy vọng sau workshop này, các bạn sinh viên UEF sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng với môn Nhiếp ảnh và có thêm định hướng cho hành trình phát triển bản thân sau này.
 
TT.TT-TT
 
TIN LIÊN QUAN