Khoa Quan hệ Quốc tế giới thiệu đến các bạn sinh viên bài viết "Trung Quốc đang làm gì ở đá Ba Đầu?" của ThS. Nguyễn Thế Phương, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM trên báo Tuổi trẻ ngày 23/03/2021
Tiếp tục chiến thuật "tằm ăn dâu", "cải bắp"
Trên thực tế, giới quan sát đã nhận ra sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc xung quanh đá Ba Đầu từ cách đây đúng một năm trước, vào tháng 3-2020. Khi đó một lượng nhỏ tàu Trung Quốc cũng đã neo đậu tại đá Ba Đầu trong vài ngày, sau đó di chuyển xung quanh các thực thể khác của cụm như Sinh Tồn Đông hay Sinh Tồn, với đích cuối cùng là Gạc Ma. Khoảng thời gian xuất hiện của các tàu này cũng không hẳn là ngẫu nhiên, vì tháng 3 là tháng kỷ niệm vụ thảm sát Gạc Ma 1988. Việc sử dụng dân quân biển như lực lượng tiên phong của Trung Quốc trong chiến thuật "tằm ăn dâu" giờ đây không còn là điều quá lạ lẫm, cho dù Trung Quốc nói là tàu cá. Sự kết hợp giữa "tiên quân" dân quân biển, "trung quân" cảnh sát biển với hải quân là lực lượng bảo vệ cuối cùng còn được gọi là chiến thuật "cải bắp". Chiến thuật này hữu hiệu đối với những quốc gia có mong muốn đạt được lợi thế về mặt lãnh thổ nhưng lại không muốn đẩy mọi chuyện đi quá xa dẫn tới xung đột nóng. Các lực lượng được cho là dân sự và bán quân sự như dân quân biển hay hải cảnh giúp cho Trung Quốc duy trì căng thẳng ở mức "chấp nhận được", đảm bảo rằng các mối quan hệ về kinh tế và lợi ích về an ninh của mình ở khu vực không hoàn toàn bị đứt gãy. Lợi thế về mặt công nghệ, tiền bạc và vật lực giúp cho tác động của chiến thuật này gia tăng gấp nhiều lần. Sự kiện Philippines để mất quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough là ví dụ điển hình và rõ ràng nhất về "tính hiệu quả" của chiến thuật "cải bắp".
Bắc Kinh muốn chiếm giữ Ba Đầu?
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc đang tính làm gì tại Ba Đầu, và tại sao Trung Quốc lại quan tâm với đá Ba Đầu như vậy? Hiện tại có nhiều giả thuyết được đặt ra. Thứ nhất, Trung Quốc có thể đang suy tính chiếm giữ thường xuyên bãi Ba Đầu giống như những gì mà nước này đã làm với Scarborough. Bắc Kinh có thể sử dụng chiến thuật tương tự như ở Scarborough để kiểm soát hoàn toàn Ba Đầu và vùng nước xung quanh, tạo ra một sự hiện diện thường trực và liên tục. Thứ hai, Trung Quốc cũng có thể tiến hành bồi đắp trái phép Ba Đầu, biến bãi đá này trở thành đảo nhân tạo thứ tám của nước này ở Trường Sa. Kịch bản này là kịch bản leo thang căng thẳng rất cao và Trung Quốc sẽ phải hi sinh một số lợi ích về mặt ngoại giao và uy tín quốc tế để có thể thực hiện. Nên nhớ rằng dựa trên Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) ký năm 2002, không một bên nào trong tranh chấp được quyền chiếm đóng các thực thể không có người ở Biển Đông. Thứ ba, việc xuất hiện với số lượng đông đảo tại một khu vực đang tranh chấp tự bản thân nó đã gây ra sức ép về mặt tâm lý và ngoại giao rất lớn tới các quốc gia có liên quan.
Các nhà phân tích hiện tại lo ngại về kịch bản thứ nhất nhiều hơn cả.
Về mặt chiến lược, việc kiểm soát hoàn toàn đá Ba Đầu và hoạt động ở đó một cách liên tục không bị cản trở sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo được một con đường tiếp vận xuyên suốt từ bắc xuống nam khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Điều này giúp tăng cường khả năng hoạt động dài hạn của lực lượng Trung Quốc ở phía nam Biển Đông, nhất là các lực lượng chấp pháp biển. Những quan sát thông qua vệ tinh cũng củng cố cho giả thuyết này, khi hầu như tất cả các tàu cá, tàu hậu cần, tàu hải cảnh của Trung Quốc khi muốn di chuyển từ bắc xuống nam để tới Gạc Ma đều neo đậu trước hết ở đá Ba Đầu.
PGS.TS VŨ THANH CA (khoa môi trường Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội):
Bước đi nguy hiểm của chiến thuật "vùng xám"
Trong chiến thuật "vùng xám", Trung Quốc rất chú trọng sử dụng lực lượng dân quân biển. Thành phần chính tạo nên lực lượng dân quân biển này là đội ngũ ngư dân hoạt động trên các tàu cá có vũ trang.
Các tàu này cũng được trang bị một số phương tiện đánh bắt cá, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của các tàu này không phải là đánh bắt cá mà là tổ chức các hoạt động cưỡng ép, bắt nạt các tàu cá và các tàu thực thi pháp luật hợp pháp của các nước xung quanh Biển Đông. Hoạt động của các tàu cá và tàu thực thi pháp luật này được các nước thực hiện trong vùng biển của mình, song trong mắt Trung Quốc thì đó lại là "chồng lấn" với vùng biển "thuộc quyền tài phán" phi pháp nằm trong phạm vi "đường lưỡi bò" hoặc "vùng biển liên quan" của Trung Quốc.
Từ lâu nay người ta thấy rằng các tàu này thường xuyên neo đậu tại chỗ thành từng nhóm với mục đích sẵn sàng hỗ trợ các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển các nước xung quanh Biển Đông. Trong sự kiện giàn khoan 981 vào khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam cũng như các vụ tàu khảo sát, thăm dò của Trung Quốc thăm dò tài nguyên trái phép trong vùng biển Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông khác, các "tàu cá" này đã hoạt động rất tích cực để cản trở các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và các nước khác.
Việc hơn 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa là một hoạt động rất đáng nghi ngại. Các nước xung quanh Biển Đông cần phải cảnh giác với sự kiện các tàu Trung Quốc neo đậu tại khu vực này vì rất có thể Trung Quốc đang thực hiện một âm mưu làm thay đổi hiện trạng khu vực, thậm chí chiếm đá này.NHẬT ĐĂNG ghi
Quan điểm của Việt Nam
Tại buổi họp báo ngày 14-5-2020, trả lời về thông tin rất nhiều tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc đang tập trung tại một số đá như Ba Đầu, Én Đất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Chúng tôi luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông".