Nhằm giúp cho sinh viên cập nhật và phân tích tình hình thời sự quốc tế dưới góc nhìn của những người thực hiện công tác ngoại giao; giới thiệu đến sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế công tác ngoại giao thực tiễn của các Đại sứ, Đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; đồng thời tạo cơ hội cho Giảng viên và sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế gặp gỡ, giao lưu và học hỏi từ đại diện phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức Tọa đàm khoa học “Xung đột Nga-Ukraine và Phép thử thiết lập trật tự thế giới mới” vào lúc 09h00, sáng Thứ Sáu, ngày 18/03/2022 tại Hội trường tầng 16 – Cơ sở 276 - Trường ĐH Kinh tế-Tài chính Tp.HCM
Chương trình có sự tham dự của TS. Nguyễn Thanh Giang - Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng, TS. Lý Thiên Trang - Phó Hiệu trưởng, TS. Trần Thanh Huyền - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, TS. Đào Minh Hồng - Phó Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, ThS. Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, ThS. Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chánh văn phòng cùng các thầy/cô là Lãnh đạo các Khoa tại UEF.
Về phía đại diện các đơn vị có đào tạo ngành Quan hệ Quốc tế ở khu vực phía Nam, Khoa Quan hệ Quốc tế UEF vinh dự được đón tiếp:
TS. Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Bộ môn Quốc tế học, Đại học Sư phạm TPHCM
ThS. Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng ngành Quan hệ Quốc tế, Khoa Khoa học Xã hội và Quan hệ Công chúng, HUTECH.
Đặc biệt là sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của các bạn sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế và Quốc tế học của các Trường như: Đại học KHXH&NV, ĐH QGTPHCM, HUTECH, Đại học Sư phạm, HUFLIT, Kinh tế Luật, Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Tọa đàm rất vinh dự khi có sự xuất hiện của PGS.TS. Đại sứ Đặng Đình Quý - Nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Chủ tịch Nhóm Công tác không chính thức của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về các tòa án quốc tế, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Với phong cách dẫn dắt hấp dẫn, gần gũi, bề dày về nghiên cứu và hơn hết là kinh nghiệm thực tế về Ngoại giao tại một tổ chức lớn nhất thế giới - Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã mang lại nhiều góc nhìn mới mẻ, độc đáo, chân thực cho sinh viên về sự kiện đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, học giả, nghiên cứu sinh và truyền thông Quốc tế.
Buổi tọa đàm được chia làm 02 phần chính gồm phần chia sẻ những thông tin tổng quan về tình hình chiến sự tại Nga-Ukraine và phần trao đổi trực tiếp giữa Đại sứ và người tham dự.
Ở phần đầu tiên, bài nói chuyện của Đại sứ gồm có những nội dung chính: (1) nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp của xung đột; (2) bản chất của cuộc chiến này; (3) xung đột Nga-Ukraine nhìn từ góc độ Luật Quốc tế; (4) triển vọng tình hình tại Ukraine; (5) Cục diện/trật tự thế giới mới sau xung đột; (6) Tác động và Bài học cho Việt Nam.
Nội dung đầu tiên được Đại sứ đề cập là nguyên nhân sâu xa của xung đột này. Xung đột có nguồn gốc từ việc lịch sử chia cắt lãnh thổ; việc NATO mở rộng ảnh hưởng của mình về phía Đông khiến Nga xem đây là mối đe dọa “sát sườn”; lòng tự hào dân tộc xen lẫn hận thù của cả hai bên; ý chí khôi phục không gian hậu Xô-Viết của tổng thống Putin và chính sách đối ngoại của Ukraine. Còn về nguyên nhân trực tiếp đó là việc chính quyền điện Kremlin cảm thấy an ninh bị đe dọa trước việc Ukraine đẩy nhanh tiến độ quá trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nội dung thứ hai, theo Đại sứ, về bản chất cuộc chiến, xung đột được xem là chiến tranh giữa các thế lực ly khai và chính phủ Ukraine; cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hay giữa Nga và Phương Tây.
Tiếp theo đó, PGS.TS. Đặng Đình Quý đã nhấn mạnh đến góc nhìn của Luật Quốc tế đối với xung đột này. Thứ nhất, luật Quốc tế đề cập đến khái niệm xâm lược - là hành động đưa quân đội nước mình vào lãnh thổ của nước khác. Thứ hai, cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực là nội dung quan trọng và là giải pháp lâu dài trong quá trình giải quyết xung đột ở các quốc gia. Thứ ba, quyền tự vệ quốc gia, tự quyết dân tộc và phạm vi sử dụng của các quyền này, hay nghĩa vụ tuân thủ luật nhân đạo chiếu theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc là những điểm mà giới chuyên môn cần tập trung nhìn nhận.
Nội dung thứ tư, triển vọng tình hình tại Ukraine: thứ nhất, Ukraine tuyên bố không gia nhập NATO, đồng ý tiếp tục đàm phán về các điều kiện khác của Nga, Nga tuyên bố chiến thắng và rút quân bộ, tiếp tục ủng hộ quân sự cho Donetsk và Luhansk, Ukraine tuyên bố chiến thắng (kịch bản này cần có sự tham gia của Mỹ, EU dưới một hình thức nào đó); thứ hai, Nga tấn công mạnh, Tổng Thống Zelensky sụp đổ, chính phủ thân Nga chấp nhận các điều kiện Nga đưa ra, Ukraine xung đột nội bộ mở rộng; thứ ba, Nga sa lầy như trước đây ở Afghanistan, chiến tranh du kích kéo dài. Song song với đó, Đại sứ cũng đã chỉ ra những điểm được-mất trong cuộc sống của nhân dân hai nước.
Nhìn nhận cục diện thế giới từ góc độ một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao và Quan hệ Quốc tế, đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cục diện thế giới tập trung vào các luận điểm chính là: tương quan lực lượng và chính sách của các nước lớn; xu hướng phát triển chung của tình hình thế giới; vai trò của các tổ chức đa phương và các điểm nóng, vấn đề nổi cộm của thế giới. Và Đại sứ nhấn mạnh rằng việc tương quan lực lượng giữa các quốc gia là điều ảnh hưởng lớn nhất đến động thái, chính sách đối ngoại của các quốc gia. Thế giới vẫn nằm trong “trật tự Mỹ” - Pax American - nền hòa bình kiểu Mỹ. Nhưng cục diện thế giới sẽ có những thay đổi: bước vào giai đoạn hậu Covid 19; hậu chính quyền Trump và hậu chiến tranh Ukraine. Trong đó, quan trọng nhất là sự thay đổi của tương quan lực lượng (cứng-mềm; thông minh-thực tác; bình cường-nhân hòa) và chính sách của các cường quốc.
Đứng trước bối cảnh của xung đột, Việt Nam cũng đã và đang đối mặt với những tác động trực tiếp (đối với cộng đồng người Việt tại Ukraine) và gián tiếp (tác động từ cục diện khu vực và thế giới; trong quan hệ nước lớn). Qua đó, Đại sứ khẳng định Việt Nam đã có những hành động cụ thể như quyết liệt, kịp thời bảo hộ công dân; giảm thiểu tác động tiêu cực; khẳng định lập trường, nguyên tắc và đưa tin khách quan, cân bằng. Thông qua đó, các bài học về chung sống với nước lớn, chung sống hòa bình với nước láng giềng nhỏ hơn, giữ nguyên tắc 3 không trong đối ngoại và phát huy nền ngoại giao Hồ Chí Minh là những điều được PGS.TS. Đặng Đình Quý nhấn mạnh nhằm đảm bảo mối quan hệ hòa bình, hữu nghị của Việt Nam cùng các nước.
Phần thứ hai của buổi tọa đàm - phần thu hút nhiều sự quan tâm và chờ đợi của người tham dự, đó là phần giải đáp thắc mắc những câu hỏi được đưa ra từ phía Giảng viên và sinh viên. Trao đổi, tương tác cùng Đại sứ có sự tham gia của TS. Đào Minh Hồng, Phó Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế UEF. Các câu hỏi tập trung vào các nội dung: cách tiếp cận xung đột, kỹ năng tư duy và xử lý nguồn thông tin từ truyền thông, góc nhìn cuộc chiến từ các khung lý thuyết đã thể hiện rõ sự quan tâm của những người trẻ đang theo học ngành này với tình hình chung thế giới. Đặc biệt, với việc hỗ trợ của nền tảng menti - người tham dự đã có thể chủ động đặt câu hỏi và được chiếu lên màn hình của hội trường, từ đó, tiết kiệm được nhiều thời gian của Đại sứ vả người tham dự.
Từ những phân tích, đánh giá của diễn giả, sinh viên UEF nói riêng và sinh viên Quan hệ quốc tế địa bàn TP.HCM nói chung đã mở rộng góc nhìn, học hỏi được tính khách quan, công bằng khi nhìn nhận về một sự kiện. Đó cũng là thông điệp mà đại sứ muốn truyền tải trước khi khép lại tọa đàm. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là động lực để các bạn trẻ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề này.