Nhằm giúp cho sinh viên cập nhật và phân tích tình hình thời sự quốc tế dưới góc nhìn đa chiều và tạo cơ hội cho giảng viên và học viên ngành Quan hệ Quốc tế gặp gỡ, giao lưu học thuật, Khoa Quan hệ Quốc tế UEF tổ chức Tọa đàm Khoa học: "Lý trí và phi lý trí trong dự báo xung đột Nga-Ukraine" vào lúc 14h00, Thứ Hai, ngày 04/04/2022 tại phòng học A. 10-06 – Cơ sở 141 - Trường ĐH Kinh tế-Tài chính Tp.HCM.
Sự kiện có sự tham gia của TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế, TS. Đào Minh Hồng, Phó Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế, diễn giả khách mời là Anh NGÔ DI LÂN, Nghiên cứu sinh, chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Buổi tọa đàm thu hút nhiều sự quan tâm của Giảng viên, Học viên Cao học, Sinh viên (từ Năm thứ 2 trở lên) ngành Quan hệ Quốc tế của các Trường Đại học ở phía Nam như: Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Sư phạm TPHCM, HUFLIT.
Mở đầu là phần phát biểu chào mừng của TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế. Cô Huyền đã chia sẻ rằng tọa đàm "Lý trí và phi lý trí trong dự báo xung đột Nga-Ukraine" là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi webinar học thuật của Khoa xoay quanh chủ đề thời sự này. Bên cạnh đó, thay mặt cho Khoa Quan hệ Quốc tế UEF, TS. Trần Thanh Huyền đã gửi lời cảm ơn chân thành cùng món quà nhỏ đến anh Ngô Di Lân vì đã dành thời gian của mình đến chia sẻ góc nhìn, quan điểm của anh về xung đột Nga-Ukraine với Quý Giảng viên, Học viên Cao học và các bạn sinh viên QHQT của các Trường ở phía Nam.
Thông qua 3 sự kiện lịch sử tiêu biểu của thế giới là Hitler tuyên chiến với Mỹ sau trận không kích Trân Châu Cảng, chiến tranh Falkland giữa Argentina và Anh, Hoa Kỳ lật đổ chính quyền Saddam Hussein với yêu cầu rằng phải rời khỏi Iraq, hoặc phải đối mặt với chiến tranh, anh Ngô Di Lân nhấn mạnh sự khác biệt giữa lý trí và phi lý trí trong Quan hệ Quốc tế. Theo anh Lân, việc xác định rõ mục tiêu cần theo đuổi, cân nhắc lợi - hại của các lựa chọn khả dĩ, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và đưa ra quyết định có lợi nhất được xem là dấu hiệu của lý trí. Ngược lại, phi lý trí là việc tự đe dọa lợi ích của bản thân, ngăn cản mình đạt được mục tiêu đề ra và để cảm xúc dẫn dắt hành động.
Tiếp theo đó, anh Ngô Di Lân đã lý giải cho các bạn sinh viên về khái niệm của thiên kiến (bias) hay gọi cách khác là điểm mù tâm lý. Anh nhấn mạnh rằng, khi có sự kiện xảy ra, con người thường có xu hướng tập trung vào các dữ kiện liên quan đến số liệu, câu từ thu hút sự chú ý, các tính từ miêu tả, đề cao những thông tin bản thân biết được và chấp nhận tư tưởng, quan niệm cách nhìn nhận của số đông. Bên cạnh đó, anh còn cho biết con người có rất khó thay đổi suy nghĩ và cách nhìn nhận của mình với vấn đề. Qua việc phân tích kỹ về khái niệm bias, diễn giả đã nhấn mạnh rằng con người luôn có xu hướng lọc ý kiến trái chiều.
Để phân tích rõ tính lý trí của những dự báo xoay quanh chiến sự Nga-Ukraine, anh Lân đã đặt ra câu hỏi: Những dự báo trước ngày 24/02 có đặc điểm gì? Thứ nhất, những dự báo đều dựa trên suy nghĩ lý tính của lãnh đạo Nga - ông Putin. Tuy nhiên đặc điểm này sẽ mang lại nhiều nguy hiểm vì hoàn toàn dựa trên đặc điểm tính cách của người lãnh đạo đất nước. Thứ hai, rất nhiều dự báo sai xoay quanh chiến sự này. Qua đó, anh Lân đã lồng ghép giới thiệu cho một thuật ngữ mới Superforecaster” (siêu dự báo). Là những người biết chọn những câu hỏi dự báo có độ khó vừa phải, sử dụng nguồn dữ liệu phong phú từ nhiều nguồn ở cả phe ủng hộ lẫn phản đối, có khả năng đưa ra giả thiết hợp lý và ước lượng được tính chính xác. Đặc biệt, các siêu dự báo sẽ là người đưa ra dự báo mang tính chính xác nhất có thể (ví dụ: 47% sẽ xảy ra,...) và chủ động trong việc cập nhật dự báo của mình mỗi khi có thông tin mới xuất hiện.
Vậy để đưa ra những dự báo chính xác, anh Lân đã có khuyến nghị đến sinh viên 5 điều quan trọng sau trong Quan hệ Quốc tế: Nhắc nhở bản thân rằng con người không lý trí hoàn toàn, bao gồm chính bản thân; sử dụng nhiều nguồn thông tin đa dạng nhất trong quá trình phân tích bằng cách đọc - đặt câu hỏi “tại sao người ta lại có suy nghĩ như thế?”; sẵn sàng cập nhật khi có thông tin mới nhất, đặc biệt là xu hướng trái chiều; tự đặt ra câu hỏi “khi nào dự báo của tôi sẽ sai?”; phải có thói quen lưu trữ kết quả dự báo và thực hiện phân tích, rà soát lại những gì đã diễn ra so với dự báo.
Cuối cùng là phần chia sẻ, giao lưu giữa anh Ngô Di Lân với người tham dự. Ở phần này, TS. Đào Minh Hồng đã có những chia sẻ về việc TS. Trần Thanh Huyền và TS. Đào Minh Hồng là những người có những dự báo chính xác về leo thang giữa Nga-Ukraine. Cô Hồng cho biết rằng việc tiếp cận thông tin từ nguồn từ tiếng Nga đã mang lại rất nhiều thông tin hữu ích trong quá trình đưa ra dự báo. Bên cạnh đó, dựa trên kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức chuyên môn của Ban chủ nhiệm Khoa thì việc thế giới cần có sự thay đổi cách vận hành từ khi Tuyên ngôn 14 điểm của Woodrow Wilson ra đời là điều cực kỳ cần thiết hay nói cụ thể hơn đó là thay đổi nguyên tắc hoạt động của đồng minh.
Buổi nói chuyện đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích, mới mẻ cũng như cơ hội giao lưu học thuật giữa Giảng viên, Học sinh Cao học và Sinh viên ngành QHQT. Dự báo là một công việc quan trọng của sinh viên Ngành Quan hệ Quốc tế nói chung cũng như của nhà nghiên cứu, cán bộ Ngoại giao nói chung, vì thế nội dung của tọa đàm là cực kỳ thiết thực.