Hoạt động học thuật

Tọa đàm Khoa học "Ngoại giao thời COVID"

16/09/2021

Nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận cho giảng viên và sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế (QHQT) về chủ đề thời sự: quan hệ quốc tế và văn hoá ngoại giao trong thời kỳ COVID, nâng cao kiến thức chuyên ngành cho sinh viên Quan hệ Quốc tế về các vấn đề toàn cầu và sự tác động của các sự kiện chính trị đến mối quan hệ giữa các quốc gia, đồng thời cải thiện kỹ năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, liên hệ kiến thức giữa các môn học và sự kiện chính trị, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức Tọa đàm Khoa học "Ngoại giao thời COVID" vào lúc 19h00, thứ Tư, ngày 15/09/2021 bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom. Sự kiện có sự tham gia của CB-GV-NV Khoa Quan hệ Quốc tế và đặc biệt thu hút hơn 180 bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TPHCM; Học viện Ngoại giao Việt Nam; Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM.

Tọa đàm có phần dẫn dắt của TS. Đào Minh Hồng, Phó Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế, phần thảo luận có sự tham gia của ThS. Nguyễn Thế Phương, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế.

 

Sự kiện lần này có một điều đặc biệt là diễn giả của tọa đàm đã được giữ bí mật đến phút cuối cùng. Mở đầu TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế đã có bài phát biểu khai mạc, đề cập đến những khó khăn mà các nhà ngoại giao Việt Nam đã và đang gặp phải trong lúc làm nhiệm vụ ở nước ngoài; công tác ngoại giao có gì khác biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID đang diễn ra phức tạp. Sau đó, TS. Trần Thanh Huyền đã giới thiệu diễn giả của tọa đàm. Đó là TS. Đỗ Thanh Hải - Tham tán Công sứ - Người thứ hai tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ; Nghiên cứu viên cao cấp và Tập sự phó Vụ trưởng tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV)

TS. Đỗ Thanh Hải là tác giả của nhiều bài báo, công trình Khoa học trên các tạp chí như: The Pacific Review, Journal of Contemporary East Asia Studies, East Asia Policy, The ASAN Forum, CSIS PacNet, Journal of International Review (DAV) và nhiều hãng tin tức. Tác giả của các cuốn sách: "Việt Nam và Biển Đông: Chính trị, An ninh và Pháp lý" (2017); "Biển Đông: Từ Hàng hải Khu vực Tranh chấp về Cạnh tranh Địa chiến lược" (2019); "Các vấn đề Hàng hải và Trật tự Khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (2021)

Buổi tọa đàm bao gồm 03 nội dung chính: (1) Con đường trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp; (2) Ngoại giao thế giới thời COVID - những thay đổi cơ bản. (3) Làm thế nào để sinh viên nhận thức thực chất và hành động thực tiễn nhất về vấn đề Biển Đông?

Đầu tiên, về con đường trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp, diễn giả đã chia sẻ về những hành trang quý giá ở giảng đường Đại học, đó là kỹ năng làm việc nhóm (teamwork), sự trải nghiệm thực tế, sự kiên trì, kỹ năng giao tiếp, ý thức về tài chính được thể hiện qua sự chăm chỉ và thái độ tích cực trong công việc. Thứ hai, diễn giả đề cập đến việc nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển từ nghiên cứu sang ngoại giao chuyên nghiệp, cụ thể: nghiên cứu là cái gốc của vấn đề, một khi nắm vững bản chất sẽ dễ giải quyết vấn đề hơn; kỹ năng nghiên cứu tốt sẽ hình thành tư duy logic và tính sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và  giá trị của sự sáng tạo. Thứ ba, TS. Đỗ Thanh Hải cũng chia sẻ những khó khăn của cán bộ ngoại giao trong thời điểm dịch COVID như gặp phải nhiều rủi ro về sức khỏe, bắt buộc nhận nhiệm vụ trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, diễn giả cũng đã chia sẻ thực tế tình hình tại Ấn Độ là khi cán bộ Đại sứ quán phải tích cực thực hiện công tác bảo hộ công dân, lo lắng bữa ăn tại sân bay cho bà con về nước cách ly y tế. Tổng kết phần đầu tiên, TS. Đào Minh Hồng đưa ra kết luận ngoại giao là nghề đầy mạo hiểm và thách thức do đó nhà ngoại giao phải giữ vững tinh thần trước những tình huống xấu nhất.


Nội dung thứ hai là ngoại giao COVID. Ngoại giao thế giới trước và trong dịch COVID thay đổi nhiều nhất ở mục đích ngoại giao. Trước khi dịch bệnh xuất hiện, ngoại giao tập trung vào việc xem xét tình hình thế giới; thúc đẩy quan hệ với các quốc gia; phân tích sự cạnh tranh  giữa các nước lớn trong mối quan hệ tương quan về tiềm lực quốc gia. Khi đại dịch xuất hiện, thứ nhất, nhiệm vụ của cơ quan ngoại giao tập trung vào việc phòng-chống dịch; hỗ trợ đất nước chống dịch qua các hình thức kết nối, trao đổi, thương lượng, đàm phán với các quốc gia khác về vacxin, thuốc và thiết bị y tế. Thứ hai, ngoại giao trong thời điểm COVID 19 phải gắn liền với quá trình số hóa dữ liệu, cải thiện công nghệ nhằm phục vụ tốt cho công việc ngoại giao. Thứ ba, cán bộ ngoại giao cần tích cực khuyến nghị chính sách chống dịch cho quốc gia từ thực tế chống dịch tại quốc gia sở tại. Thứ tư, phương thức tổ chức sự kiện mang tính ngoại giao đã thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến.

 

Tiếp theo, Diễn giả đã đưa ra những dự báo về tình hình ngoại giao sau đại dịch COVID-19, cụ thể:

- Quá trình đánh giá sức mạnh toàn diện của một quốc gia sẽ khác so với trước khi dịch bệnh xuất hiện.
-
Nền tảng Khoa học công nghệ cần được nâng cao.

- Khái niệm an ninh quốc gia sẽ mở rộng bởi vì công nghệ, y tế sẽ trở thành những lĩnh vực mới của an ninh quốc gia.

- Các nước sẽ chú ý vào lợi ích quốc gia nhiều hơn.

- Chủ nghĩa dân tộc về công nghệ, y tế, an ninh lương thực tăng cao.

- Thời kỳ toàn cầu hóa sẽ có những thời điểm thoái trào.

- Mối liên hệ về kinh tế, văn hóa, chính trị giữa các quốc gia sẽ thay đổi.

 

TS. Đào Minh Hồng đã tổng kết thông tin phần chia sẻ thứ hai rằng: Ngoại giao truyền thống đã thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, hình thành sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, do đó, mỗi chúng ta cần quan sát tình hình thực tế để chứng minh được những nhận định về quan hệ quốc tế trong thời điểm dịch COVID.

Phần thứ ba của buổi tọa đàm là phần thảo luận giữa Diễn giả - TS. Đỗ Thanh Hải và ThS. Nguyễn Thế Phương, Giảng viên, Khoa Quan hệ Quốc tế. Câu hỏi đầu tiên mà ThS. Nguyễn Thế Phương dành cho diễn giả là làm sao khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học, theo đuổi hướng chính trị-ngoại giao của các bạn sinh viên QHQT khu vực phía Nam. Diễn giả cho rằng, thứ nhất các bạn sinh viên QHQT phía Nam cần xác định rõ thế mạnh của địa phương mình (tức là TPHCM), cụ thể: TPHCM là nơi có thế mạnh về kinh tế đối ngoại, luật quốc tế, luật thương mại và sự tương tác văn hóa nhiều vùng miền của quốc gia lẫn quốc tế. Thứ hai, các bạn sinh viên QHQT nên tư duy điều mà xã hội đang cần. Thứ ba, sinh viên cần tạo ra sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu của mình. Qua phần trao đổi với TS. Đỗ Thanh Hải, ThS. Nguyễn Thế Phương đã có hai kết luận:  (1) Sinh viên nên mở rộng vấn đề nghiên cứu theo những hướng mới. (2)  Xem xét việc thay đổi phương pháp nghiên cứu từ định tính sang định lượng.

 

Vấn đề trao đổi thứ hai là sự khác biệt giữa quá trình công tác tại Đại sứ quán với việc nghiên cứu hàn lâm. Khác biệt lớn nhất là việc chuyển giao từ vị trí nghiên cứu, hoạch định, tham mưu, khuyến nghị chính sách quốc gia sang hướng hành động thực tiễn khi công tác tại Đại sứ quán. Từ đó, diễn giả nhấn mạnh rằng, một nhà ngoại giao cần vận dụng linh hoạt kiến thức chuyên môn vào quá trình thực tiễn để đạt hiệu quả ngoại giao tốt nhất.

Vấn đề trao đổi cuối cùng của buổi tọa đàm là nhận thức thực chất và hành động thực tiễn của sinh viên về vấn đề biển Đông. Xét về góc độ nhận thức, sinh viên cần phải nhận thức được vấn đề tranh chấp trên biển Đông mang tính phức tạp, gắn liền với lợi ích của nhiều quốc gia; tiềm lực quốc gia mạnh mới bảo vệ được lợi ích cơ bản của quốc gia đó; Xét ở góc độ hành động thực tiễn, sinh viên nên mở rộng hơn hướng nghiên cứu và cách tiếp cận về vấn đề biển Đông.


 

Phần cuối của buổi tọa đàm, TS. Đỗ Thanh Hải đã nhấn mạnh rằng: Điều kiện đủ để quốc gia mạnh là cần có những cá thể mạnh, điều kiện cần là cá thể mạnh đó phải làm việc nhóm tốt, phối hợp linh hoạt với tổ chức, nhóm để hành động hiệu quả, đoàn kết để phát huy tối đa chất lượng của công việc ngoại giao cũng như trong thực tế cuộc sống.

Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế

 
TIN LIÊN QUAN