Nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận cho Giảng viên và sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế (QHQT) về nội dung liên quan đến môn học Các tổ chức quốc tế; nâng cao kiến thức chuyên ngành, kỹ năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, liên hệ kiến thức giữa các môn học và sự kiện chính trị cho sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế nói riêng cũng như sinh viên UEF nói chung về vai trò và cách mà Luật quốc tế định hình đời sống con người, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức Webinar "International Law: Ways International Law shape our lives and the principle responsibility to protect (r2p)" vào lúc 20h30, thứ Tư ngày 30/03/2022 bằng hình thức online trên nền tảng Zoom và livestream trực tuyến trên Fanpage Khoa Quan hệ Quốc tế.
Webinar có sự hiện diện của TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế, các bạn sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế, sinh viên UEF và sinh viên các trường ĐH khác có quan tâm. Diễn giả khách mời là Đại sứ GS. Hernán Escudero Martínez, Giáo sư Luật quốc tế, Đàm phán quốc tế và các tổ chức quốc tế tại UIDE; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Ecuador (CEEI-UIDE); Đại sứ Peru; Đại diện Thường trực tại WTO, Geneva, Thụy Sĩ; Phó đại diện thường trực của Peru tại LHQ, New York; Thứ trưởng Bộ các vấn đề song phương; Đại diện thường trú của CAF (Andean Development Bank).
Mở đầu bài nói chuyện của mình, Đại sứ đã đặt ra câu hỏi “What is International Law?” Theo Đại sứ, Luật Quốc tế là một hệ thống các hiệp ước và thỏa thuận giữa các quốc gia để điều chỉnh cách thức tương tác giữa các quốc gia. Tiếp theo, Đại sứ đã liệt kê bốn nguồn của Luật quốc tế gồm có: (1) các hiệp ước, công ước; (2) tập quán, các nguyên tắc chung của luật, (3) các quyết định và (4) tư pháp. Luật quốc tế có mục đích và vai trò chính là thúc đẩy công lý, thịnh vượng và hòa bình trên toàn thế giới. Đây là biện pháp để ngăn chặn xung đột vũ trang giữa các quốc gia và giúp họ củng cố mối quan hệ tương hỗ. Các quy tắc của Luật quốc tế được tìm thấy trong các hiệp ước, công ước, tuyên bố, hiệp định, tập quán và các nguồn khác.
Nội dung chính buổi nói chuyện tập trung trả lời câu hỏi: Vai trò của Luật Quốc tế với cuộc sống? Để giúp các bạn sinh viên có cái nhìn hệ thống cho câu hỏi trên, Đại sứ đã sử dụng nhiều ví dụ cụ thể, điển hình là các hiệp ước, hiệp định, văn bản pháp luật trên phạm vi toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh 07 khía cạnh chính mà Luật Quốc tế có ảnh hưởng đến. Đó là: trong cuộc sống thường ngày (in daily life); môi trường bên ngoài (away from home); quyền tự do và cần thiết (liberty and fundamental rights); y tế công cộng và môi trường (public health and environment); phát triển kinh tế và đời sống thương mại (economic development and commercial life); an ninh và hòa bình (peace and security); an toàn công cộng và phát triển xã hội (public safety and social development)
Trước khi tiến hành phân tích chi tiết về 07 khía cạnh trên, Đại sứ đã trình chiếu video clip có tựa đề “International Law around us” nhằm cung cấp cách nhìn nhận của con người khi nhắc đến Luật Quốc tế, cụ thể sẽ có nhiều hình ảnh hiện lên như chiến tranh-hòa bình, khủng hoảng nhân đạo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ các quyền xã hội của con người hay tội ác quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi cá nhân lẫn quốc gia đều phải tương tác nhiều với nhau, do đó cần một quy tắc chung để duy trì sự tương tác và dự đoán những thay đổi trong quá trình thực hiện công việc. Do đó, luật quốc tế có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Đại sứ đã tiến hành chứng minh cho nhận định trên bằng các ví dụ cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong cuộc sống thường ngày: gửi thư từ-bưu kiện một cách dễ dàng theo hiến pháp của liên minh bưu chính toàn cầu (Universal Postal Union); lái xe an toàn hơn với sự giúp đỡ của hệ thống định vị toàn cầu - GPS (hiến pháp của liên minh viễn thông quốc tế - International Telecommunication Union); xem tin tức và sự kiện trên toàn thế giới; có những tài liệu bằng cấp quan trọng được công nhận trên toàn thế giới theo Công ước Hague bãi bỏ yêu cầu hợp pháp hóa tài liệu công nước ngoài (Hague Apostille Convention)
Thứ hai, đối với môi trường bên ngoài: thời gian bay ngắn hơn với nhiều chặng bay thẳng theo Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế (Chicago Convention on International Civil Aviation); cập nhật thời tiết điểm đến trước khi bạn khởi hành theo Công ước của Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization); công ước thống nhất các quy định vận chuyển bằng đường hàng không (Convention for the Unification of Carriage Regulations by Air)
Thứ ba, quyền tự do và quyền con người: Đại sứ đưa ra một số ví dụ như chống khủng bố nhân đạo theo Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người của Liên Hợp Quốc (Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment) hay việc tự do đi lại trong liên minh Châu Âu EU theo Hiệp định Schengen (Schengen Convention) được ký kết vào ngày 14 tháng 6 năm 1985, là một hiệp ước dẫn hầu hết các nước Châu Âu tiến tới việc xóa bỏ biên giới quốc gia của họ, để xây dựng một Châu Âu không có biên giới.
Thứ tư, y tế công cộng và môi trường (public health and environment): Phương án giải quyết, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm chiếu theo Các Quy định Y tế Quốc tế (International Health Regulations) của WHO là một công cụ pháp lý quốc tế bao gồm các biện pháp ngăn chặn sự lây lan xuyên quốc gia của các bệnh truyền nhiễm. Hay việc cho phép các quốc gia sản xuất thuốc, dược phẩm từ nguyên liệu được cấp bằng sáng chế hoặc nhập khẩu những nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng theo Hiệp định của WTO về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ (The WTO Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights) hay Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn (Vienna Convention on the protection of the ozone layer) là một thỏa thuận môi trường đa phương được ký năm 1985, cung cấp khuôn khổ cho việc giảm thiểu sản xuất chlorofluorocarbon do tác hại của chúng trong việc phá hủy tầng ozon, dẫn đến tăng nguy cơ ung thư da.
Thứ năm, Phát triển kinh tế và đời sống thương mại (economic development and commercial life): Các Nguyên tắc của Hợp đồng Thương mại Quốc tế (Principles of International Commercial Contracts) của năm 2010 là một tài liệu do Viện thống nhất luật tư quốc tế (The International Institute for the Unification of Private Law) soạn thảo nhằm hỗ trợ việc hài hòa luật quốc tế về các hợp đồng thương mại; hay việc thúc đẩy và đảm bảo giao dịch tiền tệ thế giới một cách ổn định được thể hiện trong quy định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - tổ chức quốc tế giám sát hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu.
Thứ sáu, an ninh và hòa bình (peace and security), Đại sứ đã dẫn chứng bằng Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc - cơ quan chính trị quan trọng và hoạt động thường xuyên của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, khuyến nghị kết nạp các thành viên mới của Liên Hợp Quốc vào Đại hội đồng, và thông qua bất kỳ thay đổi nào đối với Hiến chương Liên Hợp. Được thành lập vào năm 1949 với việc ký kết Hiệp ước Washington, NATO là một liên minh an ninh bao gồm 30 quốc gia từ Bắc Mỹ và Châu Âu. Mục tiêu cơ bản của NATO là bảo vệ tự do và an ninh của Đồng minh bằng các biện pháp chính trị và quân sự.
Thứ bảy, an toàn công cộng và phát triển xã hội (public safety and social development): Công ước về con tin (Hostage Convention) là một hiệp ước của Liên hợp quốc theo đó các quốc gia đồng ý cấm và trừng phạt việc bắt con tin. Ngăn chặn việc sử dụng, phát tán chất kích thích, thuốc hướng thần: Công ước về các chất hướng thần năm 1971 (Convention on Psychotropic Substances) là một hiệp ước của Liên hợp quốc được thiết kế để kiểm soát các loại thuốc kích thích thần kinh như chất kích thích dạng amphetamine, barbiturat, benzodiazepine và chất gây ảo giác, bên cạnh đó, Đại sứ cũng phân tích ví dụ liên quan đến khía cạnh như chống phân biệt đối xử trong giáo dục; bảo vệ người tị nạn, bình đẳng giới.
Cuối cùng là phần giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên tham dự liên quan đến Luật Quốc tế. Những câu hỏi tập trung vào các vấn đề thực tiễn sử dụng Luật Quốc tế, ảnh hưởng của Luật Quốc tế đến các quốc gia, hệ thống luật của Ecuador. Có thể thấy, bằng việc dẫn chứng và phân tích những văn bản pháp luật trên thế giới, Đại sứ đã cung cấp rất nhiều kiến thức chi tiết, bổ ích, mang hàm lượng chuyên môn, học thuật và tính hệ thống cao cho các bạn sinh viên có quan tâm đến Luật Quốc tế của Khoa Quan hệ Quốc tế nói riêng và các bạn sinh viên UEF nói chung.
Buổi tọa đàm đã nhận được phản hồi từ các bạn sinh viên đó là các bạn cảm thấy vô cùng thích thú với nội dung được chia sẻ, các bạn cảm thấy nội dung rất bổ ích và giúp các bạn được bổ trợ thêm kiến thức cho môn học. Các bạn cũng chia sẻ rằng mình cảm thấy rất vinh dự khi có được cơ hội học tập và lắng nghe những chia sẻ thực tiễn từ diễn giả là một chuyên gia ngoại giao và cũng là Giáo sư về Luật quốc tế như vậy.
Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế