Nghiên cứu Khoa học sinh viên

Tiếp tục chuỗi workshop về nghiên cứu khoa học, IRers được chuyên gia hướng dẫn phương pháp viết luận

18/08/2023
Nằm trong chuỗi hoạt động về nghiên cứu khoa học sinh viên, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (CIS) thuộc Khoa Quan hệ quốc tế tiếp tục tổ chức buổi workshop thứ 3. Với chuyên đề "Phương pháp viết luận khoa học", ThS. Hoàng Minh Thông - Thạc sĩ Giáo dục Đại học Bristol đã mang đến cho UEFers những kiến thức bổ ích, chi tiết về cách viết các sản phẩm trong quy trình nghiên cứu. 
 

Sinh viên tiếp thu thêm phương pháp viết luận khoa học cùng chuyên gia
 
Tham dự chương trình có ThS. Lê Phương Cát Nhi - Trợ lý Trưởng Khoa, ThS. Bùi Thạch Hồng Hưng và ThS. Võ Ngọc Bích Vy - Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế.
Diễn giả đã giúp các bạn sinh viên xác định được các sản phẩm viết quan trọng trong quy trình nghiên cứu khoa học, đó là đề xuất nghiên cứu và báo cáo nghiên cứu. Trong đó, research proposal (đề xuất nghiên cứu) nhằm thuyết phục các đối tượng liên quan chấp nhận đề tài tác giả đang khai thác. Sản phẩm này sẽ nêu rõ về câu hỏi nghiên cứu, phương pháp sử dụng, công cụ đo lường, đối tượng,...
Còn research report (báo cáo nghiên cứu) sẽ là tất tần tật những gì diễn ra trong quá trình thực hiện nghiên cứu và những điều mà công trình này đã tìm ra được. Đây là hai sản phẩm quan trọng luôn gắn liền với quá trình nghiên cứu khoa học. 
 
 

Diễn giả hướng dẫn chi tiết về cấu trúc và cách viết cho sinh viên
 
Hướng dẫn chi tiết về cấu trúc để viết, ThS. Hoàng Minh Thông cho biết sẽ gồm có 3 phần. Giới thiệu là nêu lên chủ đề, luận đề và trình bày về câu hỏi nghiên cứu. Thân bài là phần trả lời chi tiết cho câu hỏi nghiên cứu và đưa ra các lý lẽ, dẫn chứng. Ở phần kết bài, tác giả phải nêu được “tôi đã trả lời cho câu hỏi nghiên cứu hay chưa?”. Ngoài ra, khách mời cũng đã giúp sinh viên phân biệt được cách viết đề xuất, báo cáo nghiên cứu theo phương pháp định tính và định lượng. Diễn giả cũng lưu ý với sinh viên về văn phong khi viết công trình khoa học phải đảm bảo ba yếu tố: trang trọng, học thuật và văn phản biện.
 


Sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả để được giải đáp thắc mắc
 
Trước khi khép lại workshop, diễn giả cũng chia sẻ một số công cụ hỗ trợ để giúp các bạn viết bài khoa học thuận tiện hơn. Được biết, buổi thứ tư của chuỗi hoạt động này sẽ diễn ra với chuyên đề "Phương pháp viết lịch sử nghiên cứu vấn đề". Các bạn sẽ được gặp gỡ, trau dồi kiến thức cùng ThS. Nguyễn Thế Phương, NCS An ninh Hàng hải Đại học Canberra. IRers lưu ý tham gia để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nhé. 
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN