Tin tức sự kiện

"Trốn hay Chốn": Chương trình tọa đàm kết hợp triển lãm với thông điệp sâu sắc của IRers

23/10/2024
Vào ngày 23/10, Đoàn Hội Khoa Quan hệ quốc tế đã tổ chức số đầu tiên của buổi tọa đàm “Âm Sắc” kết hợp với triển lãm tương tác “Chạm Sắc”, mang chủ đề đặc biệt: “Trốn hay Chốn”. Sự kiện đã mang đến cho sinh viên và phụ huynh những góc nhìn sâu sắc về các mối quan hệ, sự phát triển cá nhân và tâm lý trong môi trường gia đình. 
Đây là chủ đề thu hút sự quan tâm của giới trẻ, góp phần mở ra không gian để thảo luận về các khía cạnh tâm lý, cảm xúc phức tạp mà các thành viên trong gia đình thường gặp phải.
 



Triển lãm “Chạm sắc” mang đến nhiều hoạt động để các bạn bày tỏ cảm xúc 
 
Triển lãm đã tạo ra một không gian nghệ thuật phong phú, nơi các tác phẩm tương tác phản ánh cảm xúc và trải nghiệm của mỗi người trong cuộc sống. Chủ đề “Trốn hay Chốn” mời gọi người tham dự suy ngẫm về bản chất của gia đình: liệu đó là nơi mà chúng ta muốn trốn chạy khỏi áp lực, hay là chốn an lành mà ta có thể tìm về.
Tại buổi giao lưu, ThS. Nguyễn Anh Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật, giảng viên ngành Tâm lý học là diễn giả chính. Với kinh nghiệm dày dặn hoạt động trong lĩnh vực này, thầy đã chia sẻ những khía cạnh quan trọng liên quan đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Thầy nhấn mạnh rằng, việc lần đầu làm cha mẹ hoặc làm con thường phải đối mặt với xung đột và sự căng thẳng, gây ra cảm giác sợ hãi và xa cách. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến cha mẹ mà còn để lại những vết thương tâm lý cho trẻ em.
 


Tiểu phẩm mở đầu khắc họa một gia đình sống trong xung đột cảm xúc
 
Tiếp theo đó, thầy Anh Khoa đã có chia sẻ về “silent treatment”. Khi các thành viên trong gia đình giao tiếp không bằng lời nói mà dùng sự im lặng để thể hiện sự không hài lòng, nó có thể gây ra sự tổn thương sâu sắc. Những tổn thương này đặc biệt nguy hiểm đối với những đứa trẻ trong gia đình. Trẻ em lớn lên trong môi trường độc hại có xu hướng tìm đến những mối quan hệ làm tổn thương cảm xúc cho bản thân giống như họ đã trải qua trước đó. Điều này tạo nên một “vòng lặp tổn thương” mà không phải ai cũng dễ dàng thoát ra được.
 



“Đôi khi lời nói gây tổn thương của cha mẹ chính lời cầu cứu cho cảm xúc bất ổn của họ” - Thầy Khoa chia sẻ
  
Đặc biệt, xung đột trong gia đình thường tăng theo áp lực trong cuộc sống. Khi mọi người phải đối mặt với những khó khăn bên ngoài, gia đình trở thành nơi họ quay về để trút bỏ gánh nặng. Nhưng khi không có sự hỗ trợ và thấu hiểu thì sự bất đồng trong mái ấm lại càng tăng thêm, khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng hơn.
Buổi tọa đàm đã giúp UEFers hiểu rõ hơn về sự phức tạp trong mối quan hệ gia đình và cách đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Gia đình có thể là nơi “trốn” khi nó mang lại áp lực và sự tổn thương, nhưng nó cũng có thể là “chốn” - nơi bạn tìm thấy sự yêu thương và bình yên nếu biết cách xây dựng và duy trì mối quan hệ.
 




Những tiết mục giàu cảm xúc tại chương trình 
 
Chương trình đã mang đến những kiến thức tâm lý, xã hội hữu ích cho UEFers. Hãy cùng nhau hướng tới việc xây dựng những "chốn" lý tưởng, nơi mà mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy được yêu thương và tôn trọng nhé.
 
TT. TT-TT
 
TIN LIÊN QUAN