Nghiên cứu khoa học của Giảng viên

HỘI THẢO KHOA HỌC NĂM HỌC 2019-2020 CỦA KHOA QTDL-KS

07/06/2020
Sáng ngày 05/06/2020, Hội thảo nghiên cứu khoa học giảng viên lần 3 do khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn UEF tổ chức với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số” đã diễn ra thành công với sự tham dự của đại diện Ban giám hiệu Nhà trường, Ban chủ nhiệm Khoa, giảng viên và sinh viên trong khoa cùng với một số khách mời từ các doanh nghiệp đối tác và trường bạn.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Ngô Cao Cường – Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường cho biết dù dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp nhưng tập thể sư phạm Khoa QTDL-KS vẫn có những hoạt động tích cực nâng cao trình độ chuyên môn và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, tiêu biểu là những đề tài đăng tạp chí uy tín, tham dự hội thảo quốc gia và quốc tế trong thời gian vừa qua. Với hội thảo lần thứ ba này của khoa QTDL-KS, BGH trường UEF rất ấn tượng với số lượng đại biểu tham dự và chủ đề của hội thảo năm nay. Thầy Phó Hiệu trưởng mong rằng các giảng viên của khoa sẽ luôn đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại đơn vị. Sau khi phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tọa đoàn - TS. Trần Văn Thông - Trưởng Khoa QTDL-KS đã báo cáo kết quả danh sách các bài viết tham luận và đăng ký tham dự Hội thạo; trình bày phát biểu đề dẫn, định hướng thảo luận cho buổi tọa đàm về chủ đề “Nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Bài tham luận đầu tiên do ThS. Ngô Thanh Phương Quỳnh Trưởng ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống với đề tài trình bày: “Đào tạo nhân lực ngành du lịch theo mô hình CIPO đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”. Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao về tính mới, tính cập nhật thực tiễn của đề tài. Khách mời đặt câu hỏi cho báo cáo viên về tính khả thi của mô hình CIPO và mối tương quan so sánh hiệu quả với các chuẩn nghề du lịch như VTOS hay MRA-TP khi áp dụng cho ngành du lịch Việt Nam.
Tiếp theo, ThS. Trần Thị Phương Thảo báo cáo đề tài: “Đánh giá vai trò và tiềm năng khai thác của tài nguyên nước đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam”. Qua việc nêu ra các ý nghĩa và tầm quan trọng của việc khai thác tài nguyên nước (biển đảo, thác suối và sông hồ) đối với chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam, phần tham luận được cụ thể hóa bằng một số video clip và hình ảnh minh họa về các khu nghỉ dưỡng và nhà hàng hải sản đặc trưng vùng miền và những cảnh quan sông nước của duyên hải miền Trung và đồng bằng Tây Nam Bộ.
Một số mô hình hoạt động thiết thực, sáng tạo của các trường ĐH-CĐ ngoài công lập trong việc tổ chức tham quan học tập thực tế, học kỳ doanh nghiệp đã được ThS. Đinh Lê Hoàng báo cáo trong đề tài: “Tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay”. Bài tham luận nhấn mạnh về vai trò và hiệu quả của việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, khuôn khổ linh hoạt khác nhau đã thu hút được sự quan tâm trao đổi ý kiến bình luận cũng như hỏi đáp làm rõ vấn đề của các đại biểu tham dự.

Bài tham luận thứ tư do TS. Nguyễn Phương Ngọc trình bày về việc “Xây dựng chương trình đào tạo và thực tập thực tế tại các cơ sở giáo dục theo cơ chế đào tạo đặc thù” là một đề tài hấp dẫn, mang tính thiết thực và tranh luận cao. Các đại diện doanh nghiệp lữ hành và nhà hàng - khách sạn tham dự hội thảo đã quan tâm đặt nhiều câu hỏi cho diễn giả về một số nguyên tắc và quy định về cơ chế đào tạo đặc thù của Bộ GD&ĐT khi thực hiện tại các cơ sở giáo dục - đào tạo nghề du lịch ở Việt Nam như hiện nay.
Tiếp sau đó, ThS. Trần Đình Tuấn - giảng viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đã trình bày tham luận với nội dung “Phát triển bền vững nguồn nhân lực du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập” gợi mở ra cho giới nghiên cứu và các doanh nghiệp lữ hành nhiều suy nghĩ, trăn trở với nhận định: “nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vừa thiếu lại vừa yếu, chưa cân đối hoàn thiện giữa số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường, đâu là giải pháp phù hợp.
Kết thúc chương trình, TS. Trần Văn Thông - Chủ tọa Hội thảo phát biểu kết luận buổi họp, cho biết có nhiều vấn đề còn bất cập như khung chương trình đào tạo, cơ chế quản lý và tự chủ giáo dục, chiến lược phát triển quốc gia về nguồn nhân lực đã được các diễn giả, đại biểu đặt ra trong hội thảo lần này. Sau đó, ThS. Lê Thế Hiển - ủy viên thư ký của đoàn chủ tịch đọc dự thảo biên bản hội nghị và các đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua kết quả cuộc họp như đã nêu. ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ UEF phát biểu chúc mừng hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, và cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến trao đổi và ghi nhận những đề tài tham luận đã trình bày để làm tư liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu khoa học của giàng viên nhà trường năm học 2019-2020.
TIN LIÊN QUAN