Tin Du lịch

14 ngày không internet ở huyện miền núi Kon Tum

15/09/2021

 

Sau khi tôi và Trang, bạn đại học, cùng tham gia một hoạt động xã hội dành cho thanh thiếu niên Tây Nguyên tại Gia Lai, hè 2017, Trang đã gợi ý đăng ký một chương trình dạy học hè cho thiếu nhi ở xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Bạn nói khóa học đã diễn ra 2 tuần, còn 2 tuần nữa kết thúc và đang cần thêm người dạy.
Hồi đầu hè tôi đã về thăm nhà, trường đại học của tôi tới đầu tháng 9 mới bắt đầu nhập học, vẫn còn một tháng để tôi đi những nơi mình muốn. Tôi ngỏ lời với Trang, xin theo và sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chuyến đi có phần hơi bất ngờ. Tôi chưa đến Kon Tum lần nào, mới chỉ đi Gia Lai và quen được nhiều bạn ở các tỉnh Tây Nguyên. Tôi nghe họ kể về quê hương, những người dân Tây Nguyên thân thiện, văn hóa đặc sắc và rất nhiều cảnh đẹp khiến tôi muốn ghé thăm. Và đây, cơ hội được trải nghiệm điều đó đang ở trước mắt tôi 2 tuần tới.
 

Tôi bị cuốn hút bởi nét đẹp của những ngôi nhà rông ở Tây Nguyên. Ảnh: Khánh Vũ


Chúng tôi soạn hành lý, vài bộ đồ, ít vật dụng cá nhân, máy ảnh và điện thoại. Trang nói không cần mua thêm tập sách, bút vì ở lớp có sẵn cả rồi. Chúng tôi chào bạn bè và ra bến xe buýt ở TP Pleiku để bắt xe đi Kon Tum, tuyến xe buýt liên tỉnh đi gần 50 km giá 22.000 đồng rất hợp túi tiền với sinh viên chúng tôi.

Xe đi qua địa phận tỉnh Kon Tum, tôi hớn hở vì mình vừa qua một vùng đất mới, nhưng đường vẫn còn xa, QL14 thẳng tắp và êm, hai bên đường đồi núi trập trùng cứ nối tiếp nhau. Đến thành phố, chúng tôi còn phải đi thêm một chuyến xe khách nữa mới đến huyện Đăk Glei. Trong lúc ngủ quên, tôi và Trang bị đánh thức bởi tiếng bác tài xế, lúc này tôi mở bản đồ thì hoảng hốt vì thấy mình đã đi quá xa, gần đến địa phận tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi xuống xe và được hướng dẫn đón chuyến ngược lại.

Nơi chúng tôi nghỉ chân là nhà thờ Đăk Jâk, ngôi giáo đường khang trang vừa xây xong nằm trên một ngọn đồi giữa rừng cao su bạt ngàn, cạnh bên là dòng sông Pô Kô đỏ ngầu phù sa. Thấy chúng tôi, mấy đứa trẻ đang học trong lớp không khỏi tò mò ngó ra bên ngoài xem mặt "cô giáo" mới. Chúng tôi gặp chào hỏi cha xứ và bắt đầu hành trình 2 tuần gắn bó với nơi này


Đêm xuống, theo thói quen tôi hay vào YouTube hoặc lướt Facebook, nhưng gói cước 3G đã hết dung lượng từ chiều, còn nơi này lại không có wifi, tôi cất điện thoại sang một bên và phần đã mệt vì đường xa nên chìm nhanh vào giấc ngủ. Những đêm sau đó, chúng tôi làm quen với không gian tĩnh mịch giữa rừng cao su, chỉ nghe tiếng côn trùng kêu rả rít vang vọng khắp bốn phía. Mọi người hay trải chiếu trước sân, pha trà, cắn hạt dưa, có khi được mấy em nhỏ đem cho trái dại chua hái ven đường, chấm muối ăn chơi.


Buổi sáng, tôi thức sớm đi tập thể dục, dạo quanh mấy đồi cao su quanh nhà thờ, hôm nào đến lịch trực nấu ăn cho cả nhóm thì sẽ dậy từ 5h chạy xe máy đi chợ mua thực phẩm. Đó là những buổi sáng sương giăng, tôi cùng bạn ngồi trên xe mà tỉnh cả người vì lạnh, rồi dừng chân ở một khu chợ nhỏ trong vùng.


Chợ vùng núi bán nhiều rau củ xanh ngon, nhiều thịt chứ không có cá nước ngọt như trê, lóc, sặc giống dưới xuôi quê tôi. Một vài hàng cũng có cá, mà là cá biển muối khô đựng trong giỏ chứ không phải cá tươi. Vừa đi chợ về chúng tôi bắt tay vào nhóm bếp, nấu cơm để tầm 6h30 là cả nhóm có cơm ăn sáng.


Sau giờ cơm, chúng tôi bắt đầu dọn dẹp, vệ sinh chỗ ở, đôi khi sẽ có thêm thời gian uống cà phê, đọc sách hay ngồi nói chuyện với nhau đến 8h30 thì bắt đầu lớp học thêm cho các em nhỏ. Tụi nhỏ siêng lắm, có khi 7h chúng tôi còn ngồi ăn cơm thì đã thấy mấy nhỏ thập thò ngoài cửa, hỏi ra thì ba mẹ đã đi làm nương, nhà không có ai nên vào lớp sớm chơi với anh chị.


Buổi chiều thường là giờ dạy toán, tiếng Anh của các anh nên tôi hay mượn xe đạp đi chơi ở dọc bờ sông Pô Kô, ngồi dưới bãi cát xem người dân câu cá, chài lưới, ngắm đàn bò gặm cỏ.


Ở Đăk Glei, mỗi ngày trôi qua với tôi đều thật đáng quý, thích nhất là những ngày cuối tuần, cả hội sẽ chuẩn bị gà tươi, cơm lam, bánh ngọt, nước và trái cây rồi đi bộ ra suối ở làng này, làng kia chơi hoặc đi tắm sông.


Có khi cha xứ cũng dẫn chúng tôi đi thăm các bản làng trong vùng. Cha chạy xe bán tải đem gạo, sữa, bánh ngọt tặng người dân rồi hỏi chuyện làm nương, nuôi lợn rừng, trồng cà phê, khoai mì. Họ dẫn chúng tôi đi thăm nhà rông ở làng, mặc thử trang phục dân tộc, chỉ chúng tôi làm món gỏi cá trộn thính, cá suối nướng ống tre, thử rượu chuối rừng uống cay mà vị thơm ngọt, dìu dịu. Và khi về thì người dân còn cho thêm trái cây, măng rừng hay gà nhà nuôi làm chúng tôi xúc động nhớ mãi.


Đêm trước khi rời Đăk Glei về lại Sài Gòn, nhóm 13 thành viên ghé nhà Ly, cô bé học lớp 11 có vẻ ngoài mạnh mẽ, đánh đàn organ hay và nhiều tài lẻ. Chiều đó, Ly đã nướng rất nhiều cơm lam để đãi chúng tôi, mẹ của cô bé thì ướp thịt, làm gà nướng ăn với cơm lam. Bé Ly khéo tay, nướng ống cơm nào cũng ngon, tôi nhớ như in cái mùi thanh khiết dễ chịu của từng lớp lá chuối bịt đầu ống cơm lam và từng hạt gạo mềm ngọt, thơm dịu.


Chúng tôi trải chiếu trước sân nhà Ly rồi mua nước mía uống, đêm đó, bầu trời Kon Tum trong và nhiều sao vô cùng. Cả nhóm chúng tôi ngước mắt lên trời nghe các anh chị kể về dãy ngân hà, những ngôi sao xa xôi, mưa sao băng. Vừa dứt lời thì một tia sáng vụt qua, chúng tôi xôn xao và mừng rỡ hỏi nhau có phải mình vừa thấy sao băng bay qua không. Lúc đó, tôi rất biết ơn Trang vì đã đưa tôi đến Kon Tum cùng bạn, cho tôi chứng kiến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác mà mãi tôi vẫn không quên được.


Hơn 20h, cả nhóm chào gia đình Ly và về lại nhà thờ, QL14 lúc này tối mịt và nhiều gió, những chiếc xe khách đi Quảng Nam, Hà Nội cứ nối nhau chạy trong đêm. Một anh trong nhóm bảo chúng tôi, sau này phải thật trân trọng những khoảnh khắc bây giờ vì trong đời người có mấy lần được như thế.

Huỳnh Nhi

TIN LIÊN QUAN