Với mục đích xây dựng diễn đàn tập hợp ý kiến, góc nhìn của chuyên gia về vấn đề nhân sự khách sạn trong bối cảnh hội nhập, từ đó đưa ra giải pháp phối hợp giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vào ngày 20/8, Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn UEF đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực khách sạn trong bối cảnh hội nhập”.
Chương trình có sự tham dự của TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Trương Quang Dũng – Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học và Khoa học công nghệ, ThS. Lê Dũng – Trưởng phòng Đào tạo, ThS. Huỳnh Quốc Phong – Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Vương Hoài Thảo – Phó Trưởng khoa Quản trị du lịch - Khách sạn.
Bên cạnh đó là đại diện của hơn 40 doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, đại diện các trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Hoa Sen, Đại học Văn Lang, Đại học Sài Gòn, Đại học Ngân hàng, Đại học Bình Dương tham dự tọa đàm.
Theo ông Trần Quang Thức, Giám đốc nhân sự của MGallery Hôtel Des Arts Saigon, trong hai năm 2020 và 2021, với sự ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa giảm đi rất nhiều.
Theo ông Thức, sắp tới đây để bù đắp lại lượng thiếu hụt nguồn lao động trong ngành du lịch khách sạn các doanh nghiệp sẽ tuyển rất nhiều.
"Chưa kể việc có thể sẽ có nhiều khách sạn sắp sửa xuất hiện trên bản đồ khách sạn Việt Nam nên nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực của ngành là rất lớn", ông Thức nói thêm.
Cùng nhìn nhận, Nguyễn Mạnh Tưởng, quản lý lễ tân của New World Hotel Saigon, chia sẻ: "Việc hồi sinh mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú trong thời gian qua dẫn tới nhu cầu tăng mạnh về nhân sự".
Theo ông Tưởng, hiện nay các khách sạn trung tâm tại TP.HCM thiếu khoảng 30-40% nhân sự cần để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hầu hết các khách sạn rơi vào tình trạng "đói" nhân sự, đặc biệt là các bộ phận operation (vận hành hoạt động). Nhiều đơn vị một nhân viên có thể phải kiêm nhiều vị trí khác nhau như lễ tân khách sạn kiêm luôn nhân viên chăm sóc khách hành. Tài xế kiêm bell/doorman (bộ phận nhân viên hành lý, phục vụ tại cửa vào sảnh khách sạn) hoặc tăng khối lượng công việc...)
Còn ông Thái Phước Vũ, Tổng giám đốc Novotel Saigon Centre, nhận định sự phát triển của du lịch đã và đang từng bước khởi sắc hơn. Nên dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực, và nhu cầu tuyển dụng là cực kỳ lớn trong hiện nay lẫn tương lai. "Như tại tập đoàn Accor, trong 5 năm tới, số lượng khách sạn sẽ tăng lên gấp đôi, trong 10 năm nữa sẽ tăng lên gấp 5. Bản thân tôi vẫn liên tục tuyển dụng nhân sự", ông Vũ cho biết.
Cũng theo vị này, những vị trí đang được "chào đón" có thể kể như: nhân viên, quản lý cấp trung, giám sát...
Để "tiến xa" trong nghề
Tại tọa đàm, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia lẫn người làm nghề về ngành khách sạn có cùng nhận định làm nghề này có nhiều cơ hội phát triển. Dù rằng mức lương tại Việt Nam chưa cạnh tranh được với mức lương ở các nước khác như Singapore, các nước châu Âu, châu Mỹ, nhưng có mức lương và các chế độ phụ cấp tốt, giúp "sống khỏe" với nghề.
Được biết, bên cạnh thị trường khách sạn tầm trung, thì đối với các khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế càng cao, nhân viên được hưởng mức lương càng tăng và tỉ lệ thuận với sự thăng tiến trong công việc. Đặc biệt, môi trường khách sạn quốc tế còn có nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho cán bộ nhân viên.
Ấn phẩm ý nghĩa
Cũng dịp này, Khoa Quản trị du lịch - khách sạn của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM trình làng ấn phẩm "Quản trị khách sạn". Nhiều chuyên gia cho biết ấn tượng với nội dung của ấn phẩm ý nghĩa này, đồng thời đánh giá là bước đi tiên phong trong việc tạo cơ sở học thuật và tài liệu tham khảo chuyên ngành quản trị khách sạn.
Thạc sĩ Dương Bảo Trung, giảng viên ngành quản trị khách sạn, trưởng nhóm biên tập, cho biết ấn phẩm này phục vụ cho việc dạy và học, thường xuyên cập nhật các xu hướng về ngành quản trị khách sạn, cũng là tài liệu đọc thêm cho các chuyên gia trong lĩnh vực và người làm nghề khách sạn... Ấn phẩm sẽ có nhiều ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia như: Tổng quản lý, giám đốc nhân sự, giám đốc sales và marketing cũng như các chuyên gia khác nằm trong chuỗi cung ứng của ngành khách sạn... chia sẻ về 5 chủ đề là: Quản trị nguồn nhân lực; PR & Marketing; Ứng dụng công nghệ số; Quản trị doanh thu và bán hàng; Chăm sóc khách hàng.
Những chia sẻ kịp thời liên quan đến nguồn nhân lực khách sạn trong bối cảnh hội nhâp của các diễn giả là cơ sở lý thuyết cần thiết để Nhà trường có thể điều chỉnh, cập nhật kế hoạch đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho thị trường lao động.
Quy mô của Hội thảo cũng cho thấy nỗ lực kết nối Doanh nghiệp - Nhà trường của Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn, mở ra những cơ hội mới trên tiến trình đào tạo gắn kết thực tiễn của UEF.