Hoạt động cựu sinh viên

Đặng Bảo Trân: Bí kíp đạt học bổng 4 năm ĐH và "rinh" học bổng Mỹ

27/08/2024
“Đời sinh viên ít nhất phải có một lần nhận học bổng” là câu nói Bảo Trân được nghe rất nhiều từ khi còn học cấp 3. Là một người yêu thích sự thử thách nên ngay từ những bước tìm hiểu về trường đại học, học bổng là một trong những mục đầu tiên mà cô sinh viên khóa 2020 quan tâm. Cùng tìm hiểu những "bí kíp" săn học bổng và duy trì kết quả học tập, rèn luyện tốt của Đặng Bảo Trân - sinh viên khóa 2020 ngành Quản trị nhân lực UEF sau đây nhé!
 


Cách để đạt và duy trì học bổng suốt 4 năm đại học
Năm 2020 mình đậu UEF với học bổng tuyển sinh giảm 50% học phí ngay từ khi nhập học. Tuy nhiên, để duy trì học bổng này qua các năm cũng không dễ dàng, bạn cần phải giữ vững thành tích học tập và rèn luyện. Dưới đây là cách mình đã làm để có thể duy trì. Mình biết mỗi trường sẽ có những loại học bổng và tiêu chí xét chọn khác nhau, các bạn nên lưu ý tiêu chí của trường bạn nữa nhé.

Để đạt GPA cao:
  • Chăm chỉ đi học: Không chỉ giúp bạn có điểm chuyên cần cao mà còn tiếp thu bài tốt hơn, tránh hổng kiến thức và tạo ấn tượng tốt với thầy cô.
  • Tích cực xây dựng bài: Tham gia phát biểu và đặt câu hỏi giúp bạn hiểu bài sâu hơn và được thầy cô chú ý, tranh thủ lấy điểm cộng môn học.
  • Làm việc nhóm hiệu quả: cố gắng tìm đồng đội "cùng tần số", tốt nhất là cùng mục tiêu giữ học bổng để làm việc nhóm đạt kết quả tốt nhất. Tránh để mình phải "gánh team" vì vừa mệt mỏi vừa rủi ro điểm không như ý.
  • Hệ thống kiến thức: Tìm cách ghi chú và hệ thống lại kiến thức phù hợp với bạn nhất, miễn sao có thể giúp bạn ôn bài dễ dàng cho kỳ thi cuối kỳ.
  • Chủ động học tập: Tìm hiểu trước bài học vì như vậy bạn sẽ được học hai lần, tăng khả năng tiếp thu.

Điểm rèn luyện có quan trọng không?
Đảm bảo các mục cơ bản: Tuân thủ pháp luật, nội quy và quy định nhà trường là dễ dàng đạt điểm rèn luyện tối thiểu rồi nè.
Tham gia hoạt động ngoại khóa: Như UEF trường mình thì có n+1 hoạt động ngoại khoá và các cuộc thi. Các bạn chỉ cần sắp xếp thời gian tham gia là tích điểm rèn luyện thành công.

 


Còn học bổng du học ngắn hạn 2 tuần đi Mỹ thì sao?
Mình tin là nỗ lực thì cơ hội sẽ đến. Để đạt được nhiều học bổng trong và ngoài nước thì mình luôn theo dõi các thông tin học bổng từ phía nhà trường cũng như các phòng, ban, khoa/viện. Tiếp theo là lựa chọn học bổng nào phù hợp với bản thân, xem xét các tiêu chí và vạch ra lộ trình rõ ràng để đạt được học bổng đó. Kinh nghiệm của mình là điểm GPA cao, thành tích Tiếng Anh cỡ 6.0 IELTS trở lên, có sẵn passport (nhiều bạn không biết, đến lúc cần thì làm không kịp đó!!) và nắm rõ tiêu chí học bổng là có đủ điều kiện cần cho rất nhiều loại học bổng nước ngoài. Một phần trường mình cũng có nhiều trường đối tác ở các nước nữa.

Như trường hợp của mình thì mình nhận được thông tin về học bổng qua email của trường: Học bổng 100% khóa học quốc tế "Sustainability & Innovation Short-term Immersion Program" tại Arizona State University, Hoa Kỳ. Sau khi xem xét các tiêu chí, mình thấy bản thân hoàn toàn phù hợp nên mình đã mạnh dạn nộp đơn ứng tuyển và thành công.

 


Có phải chỉ đi học, không làm thêm, không vui chơi mới đạt được học bổng?
Hoàn toàn không phải vậy đâu. Mình đã bắt đầu đi làm thêm từ năm nhất, nhưng luôn ưu tiên một số hoạt động quan trọng tại mỗi thời điểm để tránh quá tải và đảm bảo chất lượng công việc. Để có hồ sơ tốt xin học bổng du học, bạn cần ưu tiên việc học (đặc biệt là GPA) và có thêm thành tích ngoại khóa, đặc biệt là từ các cuộc thi phù hợp với bản thân. Lưu ý thêm cho các bạn là để tăng cơ hội có giải thì cần phải chọn những cuộc thi phù hợp với bản thân nhé.

 

Ngày 22/08 vừa qua thì mình đã chính thức tốt nghiệp loại xuất sắc ở ngành Quản trị nhân lực *trộm vía*. Đây là những kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong suốt 4 năm học tập tại trường. Chúc cho các bạn, đặc biệt là các "em út" 2k6 có thể đạt được những suất học bổng và thành tích cao như mong muốn trong những năm học đại học nhé.
 
Ảnh và thông tin từ nhân vật 
TIN LIÊN QUAN