Nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) sinh viên tại khoa, tạo môi trường giao lưu, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, khoa Quản trị kinh doanh UEF đã tổ chức workshop "Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh" vào sáng ngày 7/11 vừa qua.
Tham dự chương trình, về phía UEF có PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường, TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng, ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ cùng Ban chủ nhiệm, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh.
Về phía khách mời có ThS. Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ (thuộc Thành Đoàn TP.HCM), ThS. Trần Anh Tùng – Giảng viên ngành Quản trị kinh doanh và bạn Đặng Ngọc Minh Thư – Sinh viên khóa 2018 khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông.
Các khách mời và thầy cô tham dự chương trình
Mở đầu chương trình, PGS.TS. Ngô Cao Cường cho biết hoạt động NCKH tại UEF trong những năm qua đã phát triển rất tốt. Nhiều đề tài đạt giải cao cấp Thành, cấp Bộ, đã chứng tỏ được năng lực nghiên cứu của sinh viên. Với sự giúp đỡ nhiệt tình từ Khoa cũng như Nhà trường, mong rằng năm nay khoa sẽ có nhiều đề tài hay, hấp dẫn và đạt kết quả tốt, cử đi tham gia các giải thưởng cao hơn.
PGS.TS. Ngô Cao Cường phát biểu tại chương trình
Tiếp đó, TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa đã chia sẻ về những lợi ích khi sinh viên tham gia NCKH. Theo thầy, hoạt động NCKH được các trường trong và ngoài nước rất qua tâm. Thông qua NCKH, các bạn sẽ gắn kết được những kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế, thể hiện rõ triết lý “học đi với hành”. Chẳng hạn các bạn có thể áp dụng lý thuyết 4P trong Marketing vào việc xây dựng một sản phẩm cụ thể để đưa ra thị trường. Như vậy, tham gia NCKH không phải hoạt động gì cao siêu mà là áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.
TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa chia sẻ lợi ích khi sinh viên NCKH
Là khách mời của chương trình, ông Trần Đức Sự đã giới thiệu về cuộc thi Euréka và chia sẻ động lực để các bạn đi đến "vạch đích" khi tham gia NCKH. Theo diễn giả, khi NCKH chúng ta phải có nhóm nghiên cứu tốt, khuyến khích không nên nghiên cứu một mình vì làm một mình rất dễ nản, từ bỏ; Đề tài nghiên cứu phải hấp dẫn, có niềm yêu thích thì mới có thể đi đến cùng và chọn đúng người dẫn dắt - người định hướng, truyền động lực cho các bạn sinh viên.
Khi nghiên cứu, chọn người giỏi hơn mình để đồng hành và vai trò của người nhóm trưởng rất quan trọng - Chia sẻ của ông Trần Đức Sự
Với kinh nghiệm "chinh chiến" ở nhiều cuộc thi NCKH sinh viên, bạn Minh Thư đã chia sẻ về hành trình NCKH của mình. Theo bạn, NCKH không phải là một bức tranh màu hồng mà gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn có thể gặp khi nghiên cứu như: nền tảng kiến thức không đủ, khác biệt trong quan điểm của các thành viên, khoảng thời gian hạn hẹp,... Tuy nhiên nếu có sự quyết tâm, cố gắng thì kết quả xứng đáng sẽ được đền đáp.
Minh Thư chia sẻ về quá trình NCKH của mình
Cách xác định một chủ đề/ đề tài nổi bật để nghiên cứu và cấu trúc, các bước của một bài nghiên cứu khoa học đã được ThS. Trần Anh Tùng chia sẻ chi tiết đến các bạn sinh viên. Theo đó, NCKH thường bắt nguồn từ những câu hỏi quanh ta, vì thế NCKH không chỉ dành cho người giỏi - “con nhà người ta" mà “con nhà mình” vẫn làm được.
7 bước trong NCKH được diễn giả chia sẻ gồm: Nêu giả thuyết, Thuyết lập mô hình, Thu thập số liệu, Ước lượng các tham số, Phân tích kết quả, Dự báo, và cuois cùng là ra quyết định.
Cấu trúc và các bước của một bài NCKH được ThS. Trần Anh Tùng chia sẻ chi tiết
Với sự hướng dẫn của các chuyên gia, thầy cô và sinh viên đạt thành tích cao trong NCKH Nhà UEF, hy vọng các bạn sinh viên sẽ được tiếp thêm động lực, cảm hứng để thử sức mình với những đề tài nghiên cứu thú vị, sáng tạo và nhiều dấu ấn.
Trung tâm Thông tin - Truyền thông