Hơn nửa chặng đường đi qua, các bạn sinh viên trong chương trình Mentoring do Khoa Quản trị kinh doanh (FBA) UEF tổ chức đã được tiếp thu nhiều bài học và kiến thức bổ ích từ các chuyên gia, huấn luyện viên qua các buổi tập huấn và gặp gỡ 1:1. Tối ngày 28/7, các bạn tiếp tục được trang bị những phương pháp để làm việc hiệu quả xuất phát từ bên trong với chủ đề “Trí tuệ cảm xúc”.
Đồng hành với UEFers có bà Lê Dương Tường Vy - Giám đốc Hành chính - Nhân sự, PNJP và bà Nguyễn Thị Hương Thảo - CORE Leadership Academy.
Chương trình Mentoring đã đi được 1/2 chặng đường
Với những chia sẻ từ hai vị khách mời có nhiều kinh nghiệm làm việc ở các môi trường khác nhau, sinh viên có thêm bí quyết để nâng cao năng lực quản lý hiệu quả, thấu hiểu bản thân và đồng đội. Từ đó, các bạn sẽ xây dựng được tinh thần hợp tác hiệu quả và quản lý các mối quan hệ xung quanh. Bên cạnh đó, thấu hiểu cảm xúc và có được sự đồng cảm chính là “chìa khóa” giúp mở lối cho việc chấp nhận sự khác biệt trong các nền văn hóa của các cá thể, đặc biệt là giữa các thế hệ.
Diễn giả đưa câu chuyện thực tế của bản thân vào bài học giúp sinh viên dễ tiếp thu hơn
Theo bà Tường Vy, kỹ năng xanh hình thành từ trí tuệ cảm xúc. Đó là việc các bạn có kỹ năng và dùng chính cảm xúc của mình để lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng. Tuy nhiên, nếu để bản thân lúc nào cũng rơi vào trạng thái cảm xúc cao nhất dù là tiêu cực hay tích cực thì sẽ dẫn đến những hệ quả không mong muốn. Vì vậy, nếu hiểu về nguyên lý và cường độ cảm xúc để điều chỉnh thì các bạn sẽ có thể chuyển đổi các cấp độ cảm xúc từ buồn, lo lắng, lúng túng, bực bội,... sang hài lòng, vui vẻ, thoải mái, bình an,...
Bốn yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc bao gồm tự nhận thức, nhận thức xã hội, tự quản lý, quản lý mối quan hệ. Cân bằng được những điều này sẽ tạo nên sự khác biệt và thành công.
Nhiều nội dung hữu ích được chia sẻ đến sinh viên
Các khách mời chỉ ra hai vấn đề lớn nhất thường gặp liên quan đến cảm xúc là đè nén cảm xúc không thể hiện và để cảm xúc kiểm soát toàn bộ lý trí, hành động của mình. Song song đó, một số rào cản hạn chế năng lực thấu cảm cũng được phân tích cặn kẽ như lắng nghe trong mặc định; luôn ở trạng thái vội vã, thiếu kiên nhẫn, stress, cho lời khuyên; đánh giá cảm xúc; bị mất niềm tin, có định kiến với ai đó; quá cảm xúc và bị cuốn vào dòng cảm xúc mà không tách ra được.
Để giải quyết các vấn đề này, các diễn giả khuyên rằng mỗi người cần lắng nghe thực sự bằng các yếu tố tai. mắt, tim và đầu để thấu hiểu được câu chuyện của người khác. Đây là cách lắng nghe chân thành nhất.
Sinh viên tương tác tích cực với những câu hỏi từ diễn giả
Trước khi khép lại hoạt động, sinh viên cũng đã có dịp chia sẻ về chặng đường vừa qua của mình cùng chương trình Mentoring và những “người dẫn đường”. Kết hợp với bài học về cảm xúc vừa được tiếp thu, các bạn đã chủ động chỉ ra những vấn đề đang tồn tại và đưa ra phương hướng giải quyết. Tin chắc rằng sau buổi tập huấn này, tất cả các thành viên trong dự án sẽ thấu hiểu nhau nhiều hơn, gắn kết hơn và làm việc cùng nhau hiệu quả hơn.
Trung tâm Thông tin - Truyền thông UEF