Với sử mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập toàn cầu, bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, các khoa đào tạo tại UEF còn thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học nhằm tạo diễn đàn chia sẻ, trao đổi về các vấn đề về thực tiễn nền kinh tế, xã hội và hoạch định con đường phát triển của sinh viên.
Sáng 30/7 vừa qua, khoa Kinh tế đã tổ chức thành công buổi hội thảo khoa học với chủ đề “Khởi nghiệp, sáng tạo ở Việt Nam cơ hội và thách thức”.
Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham dự của ông Chu Bá Long - Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, TS. Hồ Văn Tuyên - Giám đốc công ty đầu tư RIM, ThS. Nguyễn Văn Hùng – Tổng giám đốc công ty Golden Land, ThS. Lê Hải - đại diện công ty TNHH Truyền thông Du lịch sự kiện, ông Bùi Thành Lộc - Trưởng phòng nhân sự công ty cổ phần Tín Tốc, TS. Võ Đức Thọ - Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp Hội sở ngân hàng thương mại Cổ phẩn Kiên Long, TS. Dương Vương – Phó Giám đốc Viện đào tạo phát triển doanh nhân Việt Nam, Luật sư Phạm Hoàng Sang cùng đại diện lãnh đạo Nhà trường, các khoa phòng ban và giảng viên UEF.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và cán bộ, giảng viên UEF
Phát biểu mở đầu buổi hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Giang – Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh “Ngoài hoạt động giảng dạy, Nhà trường luôn ủng hộ, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên và sinh viên. Khoa Kinh tế là một trong những khoa chủ lực của Nhà trường, có hoạt động NCKH sôi nổi nhất. Nhà trường đánh giá cao sự chuẩn bị và nỗ lực của khoa, trong thời gian ngắn đã kêu gọi viết bài, tổng hợp, phản biện với số lượng lớn bài viết, chất lượng, uy tín về nội dung lẫn tác giả. Hy vọng rằng, qua hội thảo này, các thầy cô UEF và lãnh đạo doanh nghiệp cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, từ đó nâng cao kiến thức thực tiễn, tiếp tục mang đến cho sinh viên nhiều giá trị trong quá trình giảng dạy”.
TS. Nguyễn Thanh Giang – Hiệu trưởng UEF đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của hội thảo
Sau 3 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm và gửi bài từ các giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài trường. Đặc biệt là dự án khởi nghiệp của các bạn sinh viên UEF, Đại học Kinh tế TP.HCM và Bách Khoa TP.HCM. Trong đó, có 13 bài báo cáo khoa học của giảng viên, 2 dự án khởi nghiệp của sinh viên.
Nội dung chủ yếu của các đề tài xoay quanh các góc nhìn về khởi nghiệp, thuyết phục đầu tư, các sử dụng công nghệ, khởi nghiệp xanh để tạo môi trường sống lành mạnh phù hợp với đời sống xanh, khởi nghiệp khi còn là sinh viên, các yếu tố trách nghiệm xã hội giúp doanh nghiệp phát triển ổn định,…
Sau quy trình phản biện, chỉnh sửa, chọn lọc và biên tập các bài viết, khoa Kinh tế UEF tiến hành tổ chức buổi hội thảo khoa học nhằm để các tác giả bài viết có dịp trao đổi, thảo luận kết quả nghiên cứu của mình với những nhà nghiên cứu có cùng mối quan tâm.
Trong số 15 bài viết được chọn in vào kỷ yếu, có 4 đề tài được chọn trình bày tại buổi hội thảo gồm: Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam: Một cái nhìn tổng quan của GS. TS. Hoàng Thị Chỉnh; Sinh viên khởi nghiệp cần làm gì để có thể nhận được sự chấp thuận đầu tư cho dự án? của TS. Lâm Thị Hồng Hoa và ThS. Lê Phương Dung; Tác động đổi mới đối với lĩnh vực bảo hiểm của công nghệ sổ cái phân tán (DLT): Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam của ThS. Nguyễn Tiến Hùng; Văn hóa sáng tạo: Tầm quan trọng và một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa sáng tạo của ThS. Tăng Mỹ Hà.
Đại diện các doanh nghiệp và giảng viên UEF thảo luận, góp ý sôi nổi sau phần trình bày nghiên cứu của các tác giả
Từ kết quả của buổi hội thảo, giảng viên UEF đã cập nhật thêm nhiều nội dung nghiên cứu giá trị từ các chuyên gia trong ngành. Hội thảo cũng là cơ hội để Nhà trường và doanh nghiệp tăng cường kết nối, từ đó cải thiện hơn nữa hoạt động giảng dạy để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tin: Quyền Cương – Thủy Tiên, ảnh: Quốc Hiệu