19g, nhưng tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vẫn còn phụ huynh và thí sinh ngồi đợi trường cập nhật danh sách cuối cùng. Một phụ huynh đến từ Vũng Tàu tâm sự: “Hai mẹ con vừa đi rút hồ sơ bên Trường ĐH Bách khoa và nộp sang đây. Con tôi thi được 22 điểm, ngày hôm qua còn ở ngưỡng an toàn, tới tối lại bị đẩy xuống sát điểm chuẩn. Hôm nay cháu đuối quá nên tôi một mình lên chỉnh sửa nguyện vọng cho con. Lo lắng quá, lỡ đợi rồi nên đợi luôn đến khi trường công bố danh sách cuối cùng”.
“Việc xét tuyển năm nay có thể khiến nhiều thí sinh không vào được những ngành mình yêu thích. Thí sinh chạy lòng vòng khắp nơi miễn là đậu ĐH mà không cần biết ngành đó có phù hợp với sở thích của mình hay không. Như vậy việc học sẽ rất khó khăn, nếu có tốt nghiệp cũng rất dễ bị chính nghề mình đã chọn chối bỏ |
TS TRẦN ĐÌNH LÝ (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) |
“Trời ơi, sao ngày càng đông vậy nè”
Ghi nhận tại nhiều trường ĐH trong ngày cuối cùng xét tuyển nguyện vọng 1, ai cũng lo lắng vì điểm số của mình đang như “chỉ mành treo chuông”. Không ít phụ huynh đã nộp hồ sơ nhưng vẫn “ăn dầm nằm dề” ở trường để theo dõi tình hình.
Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhiều thí sinh và phụ huynh sau khi nộp hồ sơ vẫn chầu chực ở bàn nộp hồ sơ để “đếm” từng hồ sơ nộp vào. Ba ngày qua, bà Phạm Thị Tuyết (Q.8, TP.HCM) ngày nào cũng lên trường để cập nhật tình hình. Hôm qua, bà liên tục đi ra đi vào, gặp thí sinh nào nộp hồ sơ bà cũng hỏi điểm số và nguyện vọng của thí sinh đó. “Mấy ngày rồi, nhà tui mất ăn mất ngủ vì cháu được 26,25 điểm, đang bằng ngưỡng an toàn để vào ngành dược. Đêm qua tui mất ngủ cả đêm vì lo lắng. Sáng dậy sớm lên trường để xem ai nộp vào nữa không? Từ sáng tới giờ tui đếm thì có thêm năm em 26,5 điểm nộp vào ngành dược. Căng thẳng, hồi hộp quá. Giờ thì chỉ mong sao đừng thêm ai nộp vào nữa. Chỉ cần thêm vài trường hợp 26,5 điểm nộp vào nữa thôi là con tui rơi vào tình trạng nguy hiểm” - bà Tuyết lo lắng.
Từ 7g sáng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tấp nập người đến nộp, người đến rút, người đến... không làm gì, chỉ đi loanh quanh trò chuyện. Vợ chồng bà Trần Thị Thuận từ ngày 15-8 đến nay luôn giữ đúng thời gian biểu: sáng 9g-11g, chiều bỏ thêm một giờ ghé qua trường để “ngó xem sao”. Ngày cuối, bất cứ thí sinh nào bước vào cổng trường luôn có người tới bắt chuyện và bắt đầu “màn dò hỏi”: Nộp hay rút? Nộp ngành nào? Bao nhiêu điểm? Thi khối gì?
Tại Trường ĐH Ngân hàng, lúc 13g30, một phụ huynh reo lên: “A, phiên giao dịch cuối bắt đầu rồi. Đến Trường ĐH Ngân hàng để giao dịch chứng khoán, thấy hợp lý quá”. Hơn 50 phụ huynh và thí sinh ngồi chờ trước cửa, đếm từng người chạy vô nộp hoặc rút. Trời mưa nhưng không ai có ý định chuyển chỗ ngồi.
Không khí căng thẳng và náo nhiệt như trước giờ xổ số. Một số phụ huynh cầm bút vạch vào giấy những con số vừa được trường cập nhật, hí hoáy tính toán với con: “Từ 23 đến 23,75 điểm có bấy nhiêu đứa, cộng với nhóm ở trên, xét từ điểm dự kiến là 21,69 điểm, con đang ở đây. Trong trường có hai cái bàn rút và nộp, ước chừng mỗi bàn có năm đứa. Nãy giờ được nửa tiếng, cũng khoảng hơn 60 đứa nộp rồi”.
Sáng 20-8, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng tấp nập thí sinh và phụ huynh, trong đó nhiều người đến trường chỉ để theo dõi tình hình chứ không nộp hay rút hồ sơ. Bà Trần Kiều ngồi tại trường từ 8g sáng. Lúc 10g, lượng thí sinh đổ về nộp và rút hồ sơ ngày càng đông. Quá lo lắng, bà bất lực thốt lên: “Trời ơi, sao càng ngày càng đông vậy nè. Chắc phải chạy ra cổng trường ngăn không cho họ vô nộp quá”.
Tất cả cùng quay cuồng
Không chỉ thí sinh, phụ huynh mà các trường cũng quay cuồng với 20 ngày xét tuyển vừa qua. Tại Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM), ngày nào cũng rất đông học sinh đến để theo dõi tình hình, hỏi về cơ hội trúng tuyển. Cán bộ của trường phải liên tục giải đáp những băn khoăn. Sáng 20-8, lượng thí sinh và phụ huynh cũng rất đông, trường phải mời tất cả vào hội trường để tư vấn, giải đáp thắc mắc chung.
Ngày cao điểm 20-8, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM liên tục công bố lên trang web hoặc thông báo ngay tại hội trường về việc tiếp nhận cũng như trả hồ sơ. 14g, thí sinh cùng phụ huynh ngồi kín hội trường chờ nghe trường công bố điểm chuẩn dự kiến. 14g10, TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo - công bố điểm chuẩn tạm thời của trường là 23,25 điểm, tiêu chí phụ để xét tuyển là điểm môn toán từ 7 trở lên. Cả hội trường vỗ tay vui mừng.
Ông Nguyễn Ngọc Thái - chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết hầu hết phụ huynh và thí sinh đến trường sáng 20-8 là để theo dõi thông tin, không nộp hồ sơ. Khi trường sắp sửa thông báo việc thay đổi điểm, cả hội trường 600 người im phăng phắc.
Nếu thông báo điểm không thay đổi, cả hội trường vỗ tay rần rần, mọi người tươi cười hớn hở. Nếu điểm thay đổi, mặt nhiều người lập tức biến sắc. Buổi trưa trường không làm việc nhưng vẫn mở cửa hội trường, bật máy lạnh để mọi người nghỉ ngơi chờ đến giờ làm việc buổi chiều.
Gần cuối giờ chiều qua, nhiều phụ huynh vẫn nán lại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) nhìn chằm chằm vào phòng đào tạo xem có động tĩnh, thay đổi gì hay không.
TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo - nói: “Phụ huynh rất lo lắng trong đợt xét tuyển này. Có phụ huynh gần 3g sáng vẫn còn gửi mail cho tôi để hỏi thăm tình hình xét tuyển. Cứ thấy phụ huynh nào đến trường mà rầu rĩ, chúng tôi đều đến hỏi thăm và tư vấn thêm. Có một điều mà tôi rất buồn, đó là kết thúc thời gian nhận hồ sơ mà vẫn còn hơn 300 hồ sơ không có khả năng trúng tuyển nhưng thí sinh không đến trường rút ra”.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế quốc dân bố trí ở trung tâm phòng hội trường một máy chiếu với ba màn hình lớn để các em tiện theo dõi mức điểm chuẩn tạm thời. Không còn là “sàn chứng khoán” theo nghĩa ví von mà màn hình hiển thị mức điểm chuẩn tạm thời của hơn 20 ngành đào tạo đã thật sự tái hiện một phiên chứng khoán sôi động.
Từ sáng sớm cho đến cuối giờ chiều, toàn bộ chỗ ngồi trong hội trường lớn đều kín chỗ, nhiều người đứng hai bên và tràn ra cả ngoài hành lang hội trường để chờ đợi, nghe ngóng thông tin.
“1.500 lượt “giao dịch” trong ngày cuối của đợt xét tuyển nhưng đường truyền để nhập liệu online vào hệ thống chung của bộ lại trục trặc nên buổi sáng chỉ có 60% dữ liệu được nhập bình thường. Các cán bộ tuyển sinh phải tăng tốc, máy tính được bố trí thêm để 17g chốt dữ liệu theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT” - GS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân còn quyết định hai lần cập nhật mức điểm chuẩn tạm thời lúc 7g và 15g cho thí sinh tham khảo. 15g, khi màn hình máy chiếu hiện ra các thông số điểm chuẩn tạm thời của 23 ngành đào tạo, cả hội trường 600 - 700 người như vỡ òa, người vui, kẻ buồn, người nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng để cập nhật theo tình hình mới.
Cần có nhiều điều chỉnh
Tôi nghĩ sau mùa xét tuyển ĐH, CĐ năm nay sẽ có nhiều điều phải xem xét để điều chỉnh. Trước hết là thời gian xét tuyển đợt 1 để 20 ngày là quá dài. Vì tâm lý chung của thí sinh cũng không muốn nộp hồ sơ ngay vào tuần đầu tiên nên cho dù kéo dài thời gian thì thí sinh vẫn trì hoãn để nghe ngóng chờ đợi, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung của trường.
Việc xét tuyển chủ yếu phụ thuộc vào hình thức thủ công như hiện nay cũng là một khó khăn cho cả các trường và thí sinh. Hầu hết thí sinh phải trực tiếp đến trường nộp hồ sơ. Những thí sinh ngoài tỉnh phải một lần khăn gói đi thi lại tiếp tục phải nhiều lần lên TP để đăng ký xét tuyển, rút hồ sơ, đổi nguyện vọng. Nếu Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.
Quy định cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi là một đổi mới mạnh bạo có lợi trước hết cho thí sinh. Thí sinh có thể cân nhắc đăng ký các ngành phù hợp với sở trường, kết quả thi của mình. Tuy nhiên, việc cho phép thí sinh cùng đợt có bốn nguyện vọng mà lại được phép đổi nguyện vọng, rút hồ sơ đã gây nên rối loạn. Theo tôi, năm sau nên nghiên cứu có thể được thì chỉ nên cho thí sinh có 2 - 3 nguyện vọng/đợt. Hoặc có thể cho thí sinh có 4 nguyện vọng/đợt nhưng không được đổi nguyện vọng trong đợt đó.
Hệ lụy sẽ bộc lộ trong vài năm tới Không thể phủ nhận cái được lớn nhất của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là ngay ở đợt 1 thí sinh có cùng lúc bốn nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành của một trường, rồi sau đó lại được thay đổi nguyện vọng với số lần không giới hạn, nên xác suất trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn các năm trước đây. Nhưng điều đáng nói, để trả giá cho “cái được” này, cả thí sinh, phụ huynh và nhà trường đều mệt mỏi hơn hẳn các năm trước đây. 20 ngày đăng ký xét tuyển đợt 1 có lẽ là 20 ngày tràn ngập lo lắng của thí sinh, phụ huynh: nộp hồ sơ vào đâu, có nên rút ra không, nên đổi nguyện vọng hay chuyển hẳn sang trường khác... Hãy xem, dù tỉ lệ trúng tuyển cao hơn nhưng rõ ràng có một tỉ lệ thí sinh không nhỏ đỗ ĐH mà không quan tâm ngành nghề mình đăng ký cuối cùng, không cần biết nó có thật sự là ngành nghề mình đã yêu thích, say mê hay không. Hệ lụy của việc này có thể chưa thấy ngay bây giờ, nhưng vài năm tới có thể sẽ bộc lộ khi thí sinh vào ĐH với một ngành mà mình không yêu thích thì có thể sẽ không dốc sức đầu tư, thậm chí không theo đuổi đến cùng... * Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM: Bộ phải nhận khuyết điểm Kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức còn rất nhiều hạn chế cả trong khâu tổ chức thi, chấm thi, công bố điểm thi và đặc biệt là xét tuyển. Có những điều không được chuẩn bị trước mà khi sự việc đã xảy ra, bộ mới ra các quy định bổ sung. Bộ đã không lường trước hết sự rắc rối của kỳ thi này, nhất là khâu xét tuyển. Kỳ thi được tổ chức với mục đích tiết kiệm cho xã hội nhưng thực tế trong 20 ngày xét tuyển vừa qua, thí sinh và phụ huynh khắp nơi khăn gói vào các trường không phải chỉ một lần mà là nhiều lần, gây tốn kém rất lớn. Bộ cần có sự tổng kết, nghiêm túc rút kinh nghiệm và phải nhận khuyết điểm. MINH GIẢNG - NGỌC HÀ - VĨNH HÀ ghi |
Nỗi buồn điểm cao vẫn rớt Trên chuyến xe khách từ TP.HCM về Tây Ninh, chú P.B - phụ huynh có con nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Y dược TP.HCM - trao đổi với chúng tôi qua điện thoại về nỗi niềm của người cha sau nhiều ngày chầu chực và biết tin con rớt khỏi ngành học yêu thích. Ông nói: “Con gái tôi đạt 27,75 điểm và quyết định xét tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Suốt 12 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, cả gia đình theo dõi thông tin qua mạng và thấy cháu có khả năng đậu, tôi và cháu vừa mừng vừa lo. Tối 19-8, lúc 17g, xem danh sách vẫn thấy cháu nằm trong top đậu vào ngành này, đến 20g30 thì cháu bị rớt ra khỏi danh sách vì có thêm số thí sinh được tuyển thẳng do có giải quốc gia môn sinh. Cháu thất vọng não nề không muốn đi Sài Gòn nữa, nên sáng 20-8 tôi phải cầm giấy ủy quyền để đến trường y dược xem tình hình. Các phụ huynh khác từ Bình Thuận, Đà Nẵng... cũng chầu chực cả ngày, ăn cơm bụi để chờ kết quả. Có cháu trên 27 điểm như con tôi phải rút hồ sơ nộp vào trường khác. Phụ huynh ai cũng than thở rằng họ phải bỏ công bỏ việc, tốn kém thời gian và tiền bạc mà tâm trạng lại cứ phập phồng lo cho kết quả. Với cách xét tuyển này thì hôm nay con có thể đậu, mai lại rớt, ngày kia lại có thể đậu. Lúc tôi rời khỏi trường y vào khoảng 16g, còn nhiều phụ huynh vẫn nán lại chờ đến 17g để yên tâm xem còn ai rút, ai đậu. Chưa bao giờ phụ huynh và thí sinh thi xong mà phải khổ sở như thế này. Buồn hơn là những cháu được điểm cao vẫn có nguy cơ rớt như thường. Trong hơn chục ngày qua, thông tin tuyển sinh không cố định và thay đổi liên tục về chỉ tiêu, quy định tuyển thẳng... khiến phụ huynh hoang mang. Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT có cách làm nào đó khoa học hơn để phụ huynh và thí sinh không phải khổ sở chờ đợi, lo lắng, bấn loạn, mất ăn mất ngủ như kỳ thi này”. L.TRANG ghi |
Không để thí sinh đến nộp hồ sơ mà không được xử lý Ngày 20-8, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo bổ sung hướng dẫn các trường nếu đến 17g, trường nào còn đông thí sinh đến nộp hồ sơ thì cấp giấy chứng nhận, nhận hồ sơ và xử lý sau. Chỉ đạo các trường nhất thiết không được để thí sinh nào đến nộp hồ sơ mà không xử lý. Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều trường ĐH phía Bắc cho thấy không có trường hợp nào phát sinh để buộc phải giải quyết ngoài thời gian đã quy định từ trước. Hơn 15g, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố điểm chuẩn tạm thời vào trường là 23,25 điểm, tiêu chí phụ để xét tuyển là điểm môn toán từ 7 trở lên. Ngay sau đó, những thí sinh nằm trong diện “không an toàn” vội vàng rút hồ sơ, trong đó có thí sinh Nguyễn Minh Nguyệt (ở Phú Yên). Dù trời đang mưa, Nguyệt cùng anh trai tất tả sang Bưu điện TP.HCM gần đó để nộp hồ sơ vì không kịp giờ chạy đến Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM). Đến nơi, Nguyệt vừa run run điền vào phiếu đăng ký xét tuyển, đi tìm mua phong bì, vừa liên tục gọi điện cho người thân. Tuy nhiên, hồ sơ của Nguyệt không đủ nên không thể nộp ngay. Nguyệt lo lắng: “Bên Trường ĐH Kinh tế không yêu cầu học bạ nên hôm nay mình không cầm theo, nhưng bên Trường ĐH Kinh tế - luật thì yêu cầu, giờ mình phải nhờ anh trai về phòng trọ ở quận Gò Vấp để lấy, không biết có kịp giờ nộp không”. Anh trai Nguyệt chạy xe máy về phòng trọ. Hơn 16g30, Nguyệt đưa hồ sơ đầy đủ cho nhân viên bưu điện để gửi hồ sơ qua bưu điện về Trường ĐH Kinh tế - luật. |
Theo Báo Tuổi trẻ