Kể từ khi bị áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân vào giữa năm 2012, Iran phải giảm 50% mức xuất khẩu dầu. Hiện tại, nước này chỉ được xuất khẩu tối đa 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Thỏa thuận mà Iran vừa đạt được với các cường quốc về chương trình hạt nhân của Tehran đã đưa quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này tiến gần hơn tới việc được nới lệnh trừng phạt, từ đó tăng mạnh xuất khẩu dầu.
Vì vậy, áp lực giảm giá đối với dầu thô càng thêm lớn.
Theo tin từ Bloomberg, thỏa thuận sơ bộ mà các bên vạch ra hôm qua (2/4) là một tín hiệu cho thấy Iran có thể sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu dầu chỉ trong vòng vài tháng sau khi thỏa thuận cuối cùng đưa ra. Các nhà đàm phán đã đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận trong thời gian đến ngày 30/6 tới.
Kể từ khi bị áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân vào giữa năm 2012, Iran phải giảm 50% mức xuất khẩu dầu. Hiện tại, nước này chỉ được xuất khẩu tối đa 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Sự trở lại của Iran trên thị trường dầu lửa thế giới vốn đang dư thừa nguồn cung đặt ra nguy cơ đối với triển vọng phục hồi giá dầu mà nhiều nhà khai thác “vàng đen” dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng bùng nổ và việc OPEC không chịu cắt giảm sản lượng khai thác đã khiến giá dầu giảm về ngưỡng 50 USD/thùng hiện nay từ mức 110 USD/thùng vào mùa hè năm ngoái.
Chỉ vài phút sau khi cuộc đàm phán ở Lausanne, Thụy Sỹ đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London - giá chuẩn của thị trường dầu toàn cầu - giảm tới 5,4%.
Theo thỏa thuận, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) sẽ nới lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran nếu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran tuân thủ việc cắt giảm chương trình hạt nhân.
“Về bản chất, sẽ sớm có thêm dầu Iran trên thị trường”, nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng UBS nhận xét. “Ở thời điểm hiện tại, tuyên bố về chương trình hạt nhân của Iran gây bất lợi cho giá dầu. Lệnh trừng phạt sẽ được nới sau cái gật đầu của IAEA. Theo quan điểm của tôi, điều này có thể đến trong nửa sau của năm nay.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/4 tại thị trường London, giá dầu thô Brent giảm 2,15 USD/thùng, còn 54,95 USD/thùng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thuộc ngân hàng Pháp BNP Paribas cho rằng, đà giảm của giá dầu có thể bị hạn chế bởi chưa có gì đảm bảo các bên sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn cuối tháng 6.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Takayuki Nogami thuộc công ty Japan Oil, Gas and Metals National ở Tokyo, Nhật Bản, thị trường tin rằng sản lượng dầu lửa của Iran sẽ chưa thể tăng lên trong ngắn hạn. “Thỏa thuận sơ bộ vừa đạt được đã được phản ánh vào giá dầu rồi”, ông Nogami nói.
Thỏa thuận giữa Iran và 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đặt ra một lịch trình cho hoạt động làm giàu uranium của Iran, giới hạn hoạt động này trong một khu vực duy nhất, đồng thời cho phép các thanh sát viên quốc tế giám sát trong vòng 25 năm tiếp theo. Lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Iran sẽ được dỡ bỏ từng phần tùy thuộc vào xác nhận của các thanh sát viên về việc nước này tuân thủ thỏa thuận ra sao.
Hôm 8/3, Tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri dự báo thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ cân bằng trong quý 2 năm nay. Mặc dù vậy, ngân hàng Commerzbank dự báo sản lượng dầu của Iran có thể làm cho mức dư thừa dầu hiện nay của thế giới tăng gấp đôi và giá dầu Brent sẽ lại giảm về mức gần thấp nhất trong 6 năm.
“Nếu Iran thực sự quay trở lại thị trường xuất khẩu dầu, giá dầu khó có thể phục hồi trong nửa sau của năm nay”, nhà phân tích Mike Wittner thuộc ngân hàng Societe Generale nhận định. “Việc nới hoặc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt có thể sẽ là một quá trình rất chậm chạp. Nhưng rõ ràng, đây là một vấn đề bất lợi cho giá dầu”.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở ở Paris, Pháp, Iran có thể tăng sản lượng thêm 800.000 thùng/ngày lên mức tối đa 3,6 triệu thùng/ngày trong vòng 3 tháng sau khi lệnh trừng phạt chấm dứt. Theo hãng dầu lửa BP, Iran là nước có trữ lượng dầu lửa lớn thứ tư thế giới.
Diệp Vũ - Vneconomy.vn