“Một ngành đóng góp tới gần 20% GDP của cả nước, nhưng lại chiếm chưa đầy 1% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là một điều trăn trở. Kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu vẫn là kinh doanh hộ gia đình” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.
Tóm tắt:
- Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2014 đạt gần 75.000 doanh nghiệp, ít hơn năm 2011 và 2013.Trong khi đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tăng cao.
- Thị trường đầu ra và chi phí đầu vào tăng lên là 2 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp giải thể (chiếm 73,3% số doanh nghiệp giải thể). Ngoài ra doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tiếp cận vốn, hàng tồn kho và lao động.
- Quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì tỷ lệ thua lỗ càng cao. Khi quy mô nhỏ thì khả năng tham gia chuỗi cung ứng càng hạn chế. Ngoài nguyên nhân về công nghệ thì quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ cũng là 1 điểm yếu của nền nông nghiệp nước ta.
- Theo ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI), vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là ở con số 1% doanh nghiệp hoạt động.
Sáng nay (15/4), Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức diễn đàn phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp - Báo cáo thường niên doanh nghiệp năm 2014.
Quy mô càng nhỏ, doanh nghiệp càng dễ “chết”
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Xuân Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, định hướng phát triển của Việt Nam là xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.
Trong đó tập trung kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông thủy sản. Vai trò của doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc liên kết hiện nay còn mờ nhạt, thiếu tính bền vững.
Trong phần chính bày nội dung chính của diễn đàn, TS Lương Minh Huân – Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam nhận định, về tình hình kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng GDP đạt 5,98%; cao hơn so với kế hoạch đề ra và cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu và đạt mức cao nhất với hơn 2 tỷ USD. Lãi suất giảm, tỷ giá USD/VNĐ ổn định; lạm phát thấp.
Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2014 đạt gần 75.000 doanh nghiệp, ít hơn năm 2011 và 2013. Trong khi đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tăng cao.
Mặc dù tình hình kinh doanh được cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, nguồn lực cạn kiệt. Do vậy cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó đa phần doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giải thể là doanh nghiệp nhỏ, có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Nhận định về động thái kinh doanh năm 2014, TS Lương Minh Huân cho biết, thị trường đầu ra và chi phí đầu vào tăng lên là 2 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp giải thể (chiếm 73,3% số doanh nghiệp giải thể). Ngoài ra doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tiếp cận vốn, hàng tồn kho và lao động.
Số liệu nghiên cứu của VCCI cho thấy, trong giai đoạn 2007-2011 tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thành lập khá cao, đến giai đoạn 2012-2014 chỉ còn dưới 9%. Đến hết năm 2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập đạt gần 850.000 doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 400.000 doanh nghiệp.
Báo cáo nhận định, một số vấn đề của doanh nghiệp hiện nay như: hiệu suất sử dụng lao động thấp và chậm cải thiện. Doanh thu mà người lao động mang về so với chi phí lao động và tiền lương không tương xứng. Hiệu suất sinh lợi của ngành thấp và có xu hướng giảm. Khu vực ngoài nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thấp nhất; thiếu hụt lực lượng doanh nghiệp có quy mô bình quân vừa.
“Quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì tỷ lệ thua lỗ càng cao. Khi quy mô nhỏ thì khả năng tham gia chuỗi cung ứng càng hạn chế. Ngoài nguyên nhân về công nghệ thì quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ cũng là 1 điểm yếu của nền nông nghiệp nước ta” – TS Lương Minh Huân cho biết.
Quả vải thiều Việt Nam phải mất gần 10 năm để vào thị trường Mỹ
Theo TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI, kinh doanh nông nghiệp đòi hỏi chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, ở Việt Nam sự liên kết giữa các doanh nghiệp có đặc thù là phân mảng giữa các khâu, làm cho giá trị thu lại không cao.Ngành chăn nuôi cũng bị phân mảng trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn, vùng trung du miền núi Phía Bắc chăn nuôi lớn nhưng ít doanh nghiệp.
“Quá trình để một sản phầm nông nghiệp của Việt Nam đi ra thị trường toàn cầu tưởng dễ mà không dễ. Ví dụ, quả vải thiều Việt Nam phải mất gần 10 năm để vào thị trường Hoa Kỳ do có nhiều quy định mà chúng ta lơ là, không để ý và không đáp ứng được yêu cầu của người ta” – TS Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng bị phá vỡ; Việt Nam có rất ít cụm liên kết chế biến nông sản. Những vấn đề liên quan đến phương tiện vận chuyển, đưa sản phẩm ra thị trường còn nhiều khó khăn.
Vấn đề của ngành nông nghiệp là ở con số 1%
Chia sẻ tại diễn đàn sáng nay, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, phát triển theo chuỗi sẽ đảm bảo thành công của doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lộc, vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là ở con số 1%.
“Một ngành đóng góp tới gần 20% GDP của cả nước, nhưng lại chiếm chưa đầy 1% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là một điều trăn trở. Kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu vẫn là kinh doanh hộ gia đình” – Chủ tịch VCCI nói.
Theo ông Lộc, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần cải cách về thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân, tạo đột phá giai đoạn 2 cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, phải lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, chứ không phải là các hộ gia đình. Làm sao để không còn là con số 1% nữa mà phải là 10-20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong khi đó, theo ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt nam đang hội nhập rất sâu sắc, động lực mới là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị.
“Ngành nông nghiệp mới có khoảng 3500 doanh nghiệp hoạt động, chiếm chưa đầy 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Ngoài các tập đoàn, Tổng công ty của nhà nước và một vài doanh nghiệp FDI thì còn lại đa số là các doanh nghiệp siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tham gia vào thị trường cạnh tranh quốc tế” – ông Tuấn chia sẻ.
Nguyệt Quế - Trí thức trẻ