Trong khi sự tác động mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội đã tạo điều kiện cho Thương mại điện tử “bứt phá” về lĩnh vực bán hàng thì Digital Marketing cũng cho thấy tiềm năng phát triển lớn, góp phần tăng tốc cho quá trình lan tỏa thương hiệu sản phẩm, khẳng định vị thế doanh nghiệp.
Một số điểm tương đồng của hai ngành học này làm cho nhiều thí sinh khó khăn trong việc phân biệt ngành Digital Marketing với Thương mại điện tử. Những thông tin dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ ràng hơn để có sự lựa chọn phù hợp.
Ngành Digital Marketing và Thương mại điện tử được hiểu như thế nào?
Để tìm hiểu sâu hơn về các khía cạnh khác nhau của 2 ngành học này, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ về khái niệm cùng những môn học tiêu biểu của Digital Marketing và Thương mại điện tử.
Digital Marketing là áp dụng các công nghệ và phương pháp kỹ thuật số nhằm tiếp tạo sự tương tác và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng, từ đó tăng cường hiệu quả kinh doanh và xây dựng thương hiệu.
Khi chọn ngành Digital Marketing, sinh viên có cơ hội tiếp cận các môn học bổ ích như: Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, Email Marketing, Content Marketing nâng cao, Hành vi người tiêu dùng, Quản trị Marketing, Digital Marketing, Quản trị thương hiệu, Quản trị bán hàng, Quản trị nhân lực, Truyền thông xã hội và Marketing di động, Quản trị chất lượng, Quản trị kênh phân phối,…

Nhiều thí sinh băn khoăn ngành Digital Marketing khác với Thương mại điện tử như thế nào?
Đối với Thương mại điện tử, đây là quá trình tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại thông qua những phương tiện điện tử hiện đại. Về bản chất, thương mại điện tử không thay đổi so với các hoạt động thương mại truyền thống. Tuy nhiên, bằng các phương tiện điện tử mới, các hoạt động giao dịch, mua bán, quảng bá được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng phạm vi kinh doanh.
Chọn ngành học này, sinh viên được trang bị kiến thức ở các môn học như: Kinh tế thương mại, Pháp luật thương mại điện tử, Marketing điện tử, Thư tín thương mại, Kỹ thuật nghiệp vụ thương mại, Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế, Quản trị khách hàng trong Thương mại điện tử,…
Có thể nói, Digital Marketing là dùng internet để lan tỏa thương hiệu, tìm kiếm, thu hút, tìm hiểu khách hàng, duy trì quan hệ và chào hàng. Mục đích để khách hàng biết mình, tạo và tăng thị phần. Trong khi đó, Thương mại điện tử là dùng internet để giới thiệu sản phẩm, thu hút, tìm hiểu, đàm phán và bán hàng. Quá trình này giúp khách hàng gắn bó với doanh nghiệp, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Sự khác nhau về vị trí công việc của ngành Digital Marketing và Thương mại điện tử
Là lĩnh vực xu hướng trong bối cảnh hiện nay, ngành Digital Marketing và Thương mại điện tử mang đến nhiều vị trí công việc hấp dẫn.
Cử nhân ngành Digital Marketing có thể lựa chọn việc làm ở các vị trí như:
- Quản trị Digital Marketing
- Quản lý thương hiệu
- Chuyên viên phân tích chiến dịch marketing
- Quản lý tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)
- Chuyên viên truyền thông xã hội
- Chuyên viên tư vấn quảng cáo
- Giảng viên ngành Digital Marketing tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp...
![]()
![]()
![]()
![]()
Hai ngành học xu hướng giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn
Sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử có thể đảm nhận các vị trí như:
- Chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các công ty, doanh nghiệp; Có cơ hội thăng tiến lên vị trí Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc E- Marketing;
- Chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển công nghệ thông tin;
- Tư vấn viên cho các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử hoặc quản trị doanh nghiệp điện tử;
- Cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành;
- Giảng viên ngành Thương mại điện tử tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp...
Từ những thông tin trên, thí sinh đã có cơ sở để phân biệt ngành Digital Marketing với Thương mại điện tử. Hy vọng các bạn sẽ xem xét các điều kiện phù hợp để lựa chọn đúng ngành học cho tương lai.
TT.TT-TT